MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Khéo ‘lướt sóng’ dự án điện mặt trời như Nam Việt Energy

10-03-2021 - 14:09 PM | Doanh nghiệp

Khéo ‘lướt sóng’ dự án điện mặt trời như Nam Việt Energy

Rời tay giới chủ Nam Việt Energy, Công ty TNHH Năng lượng Phan Lâm đã hút về hơn nửa nghìn tỉ qua kênh trái phiếu.

Công ty TNHH Năng lượng Phan Lâm (Phan Lâm) là chủ đầu tư dự án Nhà máy điện mặt trời Phan Lâm 2 có công suất thiết kế 40MW tại xã Phan Lâm, huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận.

Doanh nghiệp này được thành lập vào tháng 5/2017, đăng ký ngành nghề chính là sản xuất, truyền tải và phân phối điện.

Ban đầu, Phan Lâm có quy mô vốn điều lệ 20 tỉ đồng, các cổ đông sáng lập bao gồm: CTCP Năng lượng Xanh Nam Việt (Nam Việt Energy) sở hữu 90% vốn điều lệ, ông Đinh Dương Chiến (SN 1966) và ông Nguyễn Tấn Hưng (SN 1967) nắm giữ lần lượt 7% và 3% vốn điều lệ. Giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật là ông Văn Quý Ngọc Khoa (SN 1976).

Nam Việt Energy của ai?

Các ông Đinh Dương Chiến và Nguyễn Tấn Hưng cũng chính là cổ đông sáng lập, góp 17,6 tỉ đồng, chiếm 80% vốn điều lệ của Nam Việt Energy. Số cổ phần còn lại, tương đương 20% vốn điều lệ tại pháp nhân này, do ông Trần Quốc Bình đứng tên.

Trước khi lấn sân sang lĩnh vực năng lượng, tìm hiểu của VietTimes cho thấy, giới chủ của Nam Việt Energy đã có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực cung cấp thiết bị công nghệ, hệ thống giám sát an ninh CCTV, với Công ty TNHH Mạng Hoàn Cầu (Networld). Công ty này được thành lập từ năm 2007, từng do vợ chồng ông Đinh Dương Chiến và bà Nguyễn Thị Lan sở hữu 100% vốn điều lệ.

Cập nhật tới ngày 6/3/2021, quy mô vốn của Networld ở mức 37 tỉ đồng, cơ cấu cổ đông bao gồm: ông Đinh Dương Chiến (26,95%), bà Nguyễn Thị Lan (4,05%), ông Nguyễn Tấn Hưng (31%) và ông Đinh Nam Thắng (38%).

Networld từng tham gia một số dự án đáng chú ý như Trụ sở mới Bộ Ngoại Giao, Bệnh viện Phương Chi - Bình Dương hay Nhà máy chế biến gỗ MDF Kiên Giang. Doanh nghiệp này còn ký hợp đồng cung cấp thiết bị an ninh và hệ thống rửa xe tự động với Chi nhánh Công ty TNHH MTV BCA-Thăng Long trị giá 45,6 tỉ đồng.

Giai đoạn 2016 – 2019, kết quả kinh doanh của Networld có nhiều biến động. Công ty này báo lỗ lần lượt 8,1 và 7,84 tỉ đồng vào các năm 2016 và 2019, còn những khoản lãi vào các năm 2017, 2018 cũng rất khiêm tốn.

 Khéo ‘lướt sóng’ dự án điện mặt trời như Nam Việt Energy  - Ảnh 1.

So với Networld, việc chuyển hướng sang lĩnh vực năng lượng tái tạo với Nam Việt Energy đã đem lại nhiều cơ hội mới cho bộ đôi doanh nhân 6x Đinh Dương Chiến và Nguyễn Tấn Hưng.

Loạt thương vụ ‘lướt sóng’ dự án điện mặt trời

Nam Việt Energy được thành lập vào tháng 9/2015, chỉ vài tháng trước thời điểm Quy hoạch điện VII được điều chỉnh, bổ sung hàng loạt dự án năng lượng tái tạo.

Nhóm nhà đầu tư liên quan đến Nam Việt Energy sau đó đã thành lập hàng loạt pháp nhân, trở thành chủ đầu tư của nhiều dự án điện mặt trời. Không ít dự án trong số đó đã được sang tay cho chủ mới.

Tháng 11/2018, Super Energy Corporation công bố thông tin về việc thâu tóm các dự án Điện mặt trời Phan Lâm 1 (công suất 37,62MW) và dự án Điện mặt trời Bình An (công suất 50MW) thông qua việc nắm giữ chi phối tại Công ty TNHH MTV Nam Việt Phan Lâm và Công ty TNHH Năng lượng Everich Bình Thuận. Cả hai doanh nghiệp này (trực tiếp và gián tiếp) đều từng là công ty con của Nam Việt Energy.

 Khéo ‘lướt sóng’ dự án điện mặt trời như Nam Việt Energy  - Ảnh 2.

Cách nhà đầu tư Thái Lan thâu tóm hai dự án điện mặt trời của Nam Việt Energy


Gần nhất, vào tháng 2/2021, cơ cấu cổ đông của Phan Lâm – chủ đầu tư dự án Nhà máy điện mặt trời Phan Lâm 2 – đã được thay mới.

Cụ thể, nhóm Nam Việt Energy đã nhượng lại toàn bộ số cổ phần tại Phan Lâm cho 3 nhà đầu tư mới liên quan tới BB Group , đó là CTCP BB Power Holdings (BB Power Holdings), các ông Nguyễn Tiến Lực và Nguyễn Quang Thịnh. Như VietTimes từng đề cập, BB Group được sáng lập bởi ông Vũ Quang Bảo (CEO Bitexco) và cho thấy tham vọng lớn trong lĩnh vực năng lượng tái tạo.

Với dấu ấn từ nhóm chủ mới, ngày 9/2/2021, Phan Lâm đã hoàn tất việc phát hành 592,6 tỉ đồng trái phiếu mã NLPLH2032001 cho 1 tổ chức tín dụng.

Lô trái phiếu này có kỳ hạn 144 tháng, với mức lãi suất cho 4 kỳ thanh toán đầu tiên là 10,5%/năm. Số tiền thu về dự kiến sẽ được dùng để thanh toán chi phí xây dựng và thiết bị cho nhà máy điện mặt trời Phan Lâm 2. Thương vụ được thu xếp bởi Ngân hàng TMCP Quân Đội (MB) và CTCP Chứng khoán MB (MBS).

Ngoài loạt dự án điện mặt trời đã sang tay cho đối tác, Nam Việt Energy hiện đang phát triển các dự án điện mặt trời Sóc Trăng 1 (50MW), Sóc Trăng 2 (30MW), Lộc Tấn (150MW), Bình An 2 (24MW). Công ty này còn thực hiện loạt dự án điện mặt trời trên mái nhà tại Corona Resort&Casio Phú Quốc, Nhà máy in Long An, Cảng Cần Thơ./.

Theo Nguyễn Ánh

Viettimes

Trở lên trên