Khép lại tháng "đen đủi" với hàng loạt ngân hàng và bản nhạc buồn trên thị trường vàng
Thị trường vàng giao dịch èo uột, hàng loạt khách hàng phản ánh tiền gửi trong ngân hàng bỗng dưng “không cánh mà bay” lại tình cờ diễn ra dồn dập trong tháng 7 âm lịch mà theo quan niệm của người Việt đó là "tháng cô hồn".
Với quan niệm của nhiều nước Á Đông, tháng 7 âm lịch được xem là tháng cô hồn, với quan niệm là tháng không đem lại may mắn, khó khăn trong làm ăn, kinh doanh. Liên tiếp một cách tình cờ trong tháng vừa qua, hàng loạt nhà băng đã gặp "vận hạn" khi khách hàng dồn dập báo mất tiền gửi tại ngân hàng.
"Vận đen" của hàng loạt ngân hàng
Thời gian gần đây, hàng loạt chủ thẻ phản ánh bị mất tiền trong tài khoản ngân hàng, từ vài chục triệu lên tới hàng trăm triệu và thậm chí cả chục tỷ đồng.
Lần lượt các ngân hàng được nêu tên như Vietcombank, VIB, VPBank, Đông Á, thậm chí cả các ngân hàng nước ngoài như ANZ,...
Đầu tiên cho hiện tượng này là vụ việc chị Hoàng Thị Na Hương - khách hàng của Vietcombank bị mất 200 triệu đồng do các hacker đánh cắp các thông tin cá nhân rồi rút tiền tại ATM Malaysia lúc nửa đêm và tiếp tục chuyển 3 giao dịch qua Internet Banking, mỗi giao dịch có số tiền 100 triệu đồng. Rất may, Vietcombank đã chặn kịp thời giữ lại được 300 triệu đồng.
Sự vụ đẩy lên cao trào giữa những tranh cãi về lỗi của ai giữa ngân hàng và chủ tài khoản. Tình tiết đáng chú ý từ phía công an cho biết ngân hàng đã gửi mã OTP vào thiết bị cầm tay của chị Hương để có thể kích hoạt chuyển hình thức giao dịch từ nhận OTP bằng SMS sang Smart OTP.
Còn về phía ngân hàng Vietcombank, sau khi đổ lỗi cho khách hàng và chịu sức ép từ dư luận, Vietcombank đã phát đi thông cáo khẳng định trong trường hợp nguyên nhân được xác định không phải do lỗi của khách hàng, Vietcombank khẳng định quyền lợi của khách hàng tại Vietcombank hoàn toàn được bảo vệ.
Vụ việc đến nay vẫn chưa được công bố kết luận cuối cùng thì ngay sau đó liên tiếp các khách hàng khác cũng lên tiếng bị mất tiền. Anh Vũ Thành Phương (TPHCM) phản ánh về việc thẻ Vietcombank Master Card Debit của anh bị quẹt ở TOKYO DISNEY RESORT CHIBA JPN, MARRIOTT HTL và BOOKHAVEN NY rút 17 triệu đồng chỉ trong 1 đêm.
Trong khi đó, chị Lê Thị Quỳnh Nga (phường Tân Tiến, TP. Biên Hòa) cũng phản ánh vào lúc 16h34 ngày 19/8, di động nhận được tin nhắn từ Vietcombank thông báo thẻ Mastercard sử dụng dịch vụ RSW ESERVICE SINGAPORE và bị trừ 592 đôla Singapore dù lúc đó chị đang chạy xe và thẻ vẫn ở trong ví.
Vụ việc mới đây nhất và số tiền thiệt hại được xem là lớn nhất liên quan đến khoản tiền 26 tỷ đồng trong tài khoản Ngân hàng VPBank của Công ty TNHH MTV Đầu tư và Phát triển Quang Huân bị biến mất.
Tuy nhiên, phía VPBank lại cho rằng tố cáo, khiếu nại của bà Trần Thị Thanh Xuân - Giám đốc Công ty Quang Huân liên quan đến các giao dịch dịch tài khoản, mất tiền trên tài khoản của Công ty Quang Huân nói trên có rất nhiều điều không chính xác, không rõ ràng, đáng nghi vấn.
Cụ thể, bà Xuân có khiếu nại số tiền là 11,3 tỷ đồng, thế nhưng khi tố cáo tại Cơ quan báo chí lại đưa ra con số thiệt hại tận 26 tỷ phải chăng chính bà Xuân cũng không thống nhất được nội dung khiếu nại/ tố cáo của mình?
Bà Xuân phản ánh không nhận được tin nhắn về số dư tài khoản thì đại diện VPBank khẳng định các thay đổi, biến động số dư tài khoản của các giao dịch kể trên vẫn tiếp tục được VPBank gửi SMS tới số điện thoại bà Xuân đang sử dụng.
Về ý kiến cho rằng cán bộ ngân hàng đứng tên mua SÉC của Công ty Quang Huân. VPBank khẳng định rằng nhân viên đó không đứng tên mua SÉC mà chỉ đứng tên nhận hộ SÉC theo chỉ định ...
Đến nay vụ việc cũng đang được điều tra làm rõ. Tuy nhiên với hàng loạt các vụ việc liên quan đến tiền được cất giữ trong tài khoản ngân hàng bỗng nhiên bốc hơi thì quan điểm coi ngân hàng là địa chỉ an toàn nhất cũng đang dần thay đổi.
Các chuyên gia cho rằng để tăng cường tính bảo mật, ngân hàng cần phải đầu tư cho công nghệ thông tin, rà soát lại các quy trình thực hiện, đào tạo và giám sát nhân sự. Điều này đòi hỏi ngân hàng phải bỏ ra chi phí rất lớn có thể lên đến hàng triệu USD mỗi năm nhưng bù lại nó có thể bảo vệ được chính ngân hàng và khách hàng của mình.
Nhiều ý kiến khác cũng cho rằng các ngân hàng không thể cứ mải mê phát triển dịch vụ, tìm kiếm khách hàng mới mà quên việc chấn chỉnh chất lượng dịch vụ, đặc biệt là bảo mật để bảo vệ tiền gửi của khách hàng. Bởi một hệ thống thanh toán không thể được xem là an toàn khi có hàng loạt vụ tiền trong tài khoản bỗng dưng “không cánh mà bay”.
Thị trường vàng èo uột
Không chỉ là một tháng buồn với các nhà băng mà một cách ngẫu nhiên, thị trường vàng trong nước cũng trải qua tháng Ngâu với không khí trầm lặng. Trong cả tháng, thị trường có một phiên đáng chú ý là vào ngày 3/8 khi giá tăng gần 300 nghìn đồng, từ mức 36,68 triệu đồng/lượng lên 36,94 triệu đồng/lượng - mức đỉnh của tháng. Sau đó giá đi xuống và liên tục đi ngang.
Đại diện một doanh nghiệp vàng trong nước cho biết,gần đây các nhà đầu tư giảm dần sự quan tâm tới quý kim vàng, các động thái mua bán đều tỏ ra hết sức cẩn trọng, các giao dịch thưa thớt bởi vậy giá vàng không được hỗ trợ nhiều từ nhu cầu thị trường. Tâm lý tháng Ngâu, ngoài ra cộng hưởng với yếu tố từ thị trường quốc tế đã tạo nên sự ảm đạm cho thị trường vàng.
Theo các chuyên gia phân tích, trong ngắn hạn, giá vàng còn chịu thêm nhiều áp lực từ phía thị trường quốc tế. Bởi vậy nhà đầu tư nên có cách nhìn nhận cũng phương án kinh doanh tối ưu nhất.
Như vậy, tháng Ngâu đang dần khép lại và hy vọng rằng, trong tháng sắp tới, thị trường tài chính đón nhận thêm những thông tin sáng sủa hơn, tốt lành hơn.