MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Khi Bắc Kinh còn bận thương chiến, Ấn Độ có thể tranh thủ thành đối tác chiến lược của Mỹ

26-09-2019 - 20:15 PM | Tài chính quốc tế

Nền kinh tế Ấn Độ có thể không lớn bằng Trung Quốc nhưng quốc gia này vẫn có thể là đối tác tốt cho Mỹ trong bối cảnh chiến tranh thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới kéo dài dai dẳng.

"Ấn Độ vẫn là một quốc gia lớn. Nền kinh tế của họ cũng tương đối mạnh và có nhiều tiềm năng. Dù không phải đối trọng thực sự của Trung Quốc ở lưu vực Ấn Độ Dương nhưng đây chắc chắn là một quốc gia có thể trở thành đối tác chiến lược của Mỹ trong khu vực", Rodger Baker, phó chủ tịch phụ trách phân tích chiến lược của công ty tình báo địa chính trị Stratfor, nhận định.

Hôm 22/9, Tổng thống Mỹ Donald Trump và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã xuất hiện cùng nhau trong một cuộc tuần hành ở Texas, làm gia tăng hy vọng cho thỏa thuận thương mại giữa Mỹ và nền kinh tế lớn thứ 6 thế giới. Các nhà đàm phán đang nỗ lực để ông Trump và ông Modi có thể ký kết một thỏa thuận tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc trong tuần này.

Trong khi đó, ông Baker cho rằng mối quan hệ gần giũ hơn với New Delhi có lợi nhiều cho Mỹ. Đây cũng là điều mà nhiều đời Tổng thống Mỹ đã nỗ lực thực hiện chứ không phải được khai sinh dưới thời ông Trump. Hình ảnh ông Modi cùng ông Trump bước lên sân khấu ở Houston với tâm trạng tốt cho thấy những cải thiện đáng kể giữa hai nước.

Vài tháng trước, mối quan hệ thương mại giữa Mỹ và Ấn Độ trở nên căng thẳng sau khi ông Trump quyết định chấm dứt ưu đãi thương mại với Ấn Độ, trong đó cho phép lượng hàng hóa 5,6 tỷ USD của nước này được miễn thuế khi vào Mỹ. Đáp lại, chính quyền của ông Modi tăng thuế nhập khẩu với 28 sản phẩm Mỹ, một động thái bị ông Trump gọi là "không thể chấp nhận".

Tuy nhiên, căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Ấn Độ hoàn toàn bị lấn át trước cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. Mỹ và Trung Quốc liên tục áp thuế nhằm vào hàng hóa nhập khẩu của nhau. Sự leo thang căng thẳng thương mại giữ Mỹ và Trung Quốc đã tác động nhiều tới nền kinh tế toàn cầu theo cả hai chiều hướng.

Những nền kinh tế được coi là hưởng lợi từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung là các nước Đông Nam Á. Tuy nhiên, Baker lại có cái nhìn khác. Theo ông, về lâu dài, Ấn Độ cũng sẽ là nước được lợi từ những căng thẳng thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. Thậm chí, nhiều vai trò vốn từng do Trung Quốc đảm trách có thể sẽ được chuyển sang cho Ấn Độ, nền kinh tế với hơn 1 tỷ dân và đang vươn lên mạnh mẽ.

Hiện tại, những tiến triển trong đàm phán thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc có thể giúp mối quan hệ giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới trở nên ít căng thẳng hơn. Tuy nhiên, những người lạc quan nhất cũng chưa thể hy vọng vào một thỏa thuận thương mại.

Linh Anh

CNBC

Trở lên trên