Khi các Bộ trưởng đồng loạt nhận khuyết điểm
Sau 3 ngày làm việc (từ 13/6- 15/6) Quốc hội đã hoàn thành phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Trong phiên chất vấn lần này, các tư lệnh ngành đã thẳng thắn nhận trách nhiệm, cá biệt, có Bộ trưởng đại biểu chưa chất vấn đã nhận khuyết điểm về mình.
- 15-06-201712 dự án nghìn tỷ “đắp chiếu” được xác định, ngoài ra còn bao nhiêu cái nữa?
- 15-06-2017Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm 3 lần truy vấn Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng về đầu tư công
- 14-06-2017Nể nang với khó khăn của các ngành, địa phương, Bộ trưởng Kế hoạch và đầu tư nhận trách nhiệm trước Quốc hội
- 13-06-2017Bộ trưởng Nông nghiệp: "Một đoàn tàu có 3 khoang, chúng tôi mới làm được 1, 2 khoang còn lại yếu kém thì trách nhiệm thuộc về Bộ Nông nghiệp chứ không đổ cho ai!"
4 Bộ trưởng gồm: Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, Văn hoá, Thể thao & Du lịch, Y tế, Kế hoạch & Đầu tư đã trả lời chất vấn. Các Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, Vũ Đức Đam, Vương Đình Huệ, Bộ trưởng các Bộ Công thương, Giao thông vận tải, Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc, Tổng giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam tham gia giải trình và báo cáo thêm các vấn đề liên quan và trực tiếp trả lời các đại biểu.
Phó Thủ tướng thường trực Trương Hoà Bình đã thay mặt Chính phủ báo cáo một số vấn đề thuộc trách nhiệm của Chính phủ về tình hình kinh tế xã hội, giải pháp đảm bảo mục tiêu tăng trưởng, xử lý nợ xấu... Ông cũng đồng thời trả lời các nội dung liên quan đến 4 nhóm chất vấn tại kỳ họp, làm rõ thêm về công tác điều hành, quản lý ngân sách...
Tại các phiên chất vấn, đã có hơn 196 đại biểu đặt câu hỏi chất vấn, 58 đại biểu tham gia tranh luận.
Như Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Kim Ngân nhận xét, nhìn chung, đại biểu Quốc hội đã thể hiện tâm huyết, tinh thần làm việc nghiêm túc, đặc biệt là tích cực tranh luận. Các đại biểu không chỉ tranh luận với các thành viên Chính phủ mà còn tranh luận với nhau. Còn các thành viên Chính phủ đã nắm chắc chức năng, nhiệm vụ, thực trạng của ngành, đã nghiêm túc trả lời đầy đủ, giải trình khá rõ nhiều vấn đề, đặc biệt thẳng thắn nhận trách nhiệm và đưa ra giải pháp cải thiện tình hình.
Trên thực tế, qua các kỳ chất vấn, việc các Bộ trưởng đứng ra nhận trách nhiệm không còn là điều lạ. Tuy nhiên, ở kỳ này, cả 4 Bộ trưởng đều đồng loạt thẳng thắn nhận lỗi về những tồn tại, yếu kém của ngành mình. Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng nhận trách nhiệm của Chính phủ về việc chậm giải ngân vốn đầu tư công. Và đặc biệt, khi đại biểu còn chưa chất vấn, Bộ trưởng Văn hoá Nguyễn Ngọc Thiện đã nhận trách nhiệm.
“Những sự việc xảy ra gần đây liên quan đến công tác quản lý nhà nước tại Cục Nghệ thuật biểu diễn và Tổng cục Du lịch, cho dù với bất cứ nguyên nhân và lý do gì cũng thực sự đáng tiếc. Đây là bài học sâu sắc đối với công tác quản lý nhà nước của ngành, là Bộ trưởng tôi xin nhận trách nhiệm của người đứng đầu đối với những sự việc vừa qua”, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện đã chủ động đi thẳng vào vấn đề, chỉ sau vài lời xã giao ban đầu.
"Người nông dân rất trông chờ, không chỉ Bộ trưởng, mà cả hệ thống chúng ta phải làm tốt hơn nữa,… là cương vị trưởng ngành anh phải chịu trách nhiệm đầu tiên rồi”, Bộ trưởng Nông nghiệp Nguyễn Xuân Cường nói trước nghị trường. Ông nhận trách nhiệm về ứ đọng, ế ẩm trong tiêu thụ nông sản, nhấn mạnh vào vụ dư thừa lợn dẫn đến phải giải cứu trong thời gian qua.
Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến thì nói: “Đây là cái yếu kém trong quản lý của ngành. Chúng tôi nhận trách nhiệm và sắp tới sẽ phải đổi mới toàn diện cái này”. Đây là câu trả lời của người đứng đầu ngành y tế khi các đại biểu chất vấn về tình trạng bán thuốc không cần kê đơn với tỷ lệ dẫn chứng 88 – 91% (trên tổng số 3.000) cửa hiệu không cần đơn vẫn bán thuốc. Bên cạnh đó, Bộ trưởng Tiến cũng thừa nhận 8 tồn tại lớn trong công tác khám chữa bệnh như: cơ sở vật chất, thái độ phục vụ, viện phí…
Trưởng ngành Kế hoạch Nguyễn Chí Dũng, trước những chất vấn của đại biểu về thực trạng giao vốn đầu tư hàng năm chậm đã thẳng thắn: "Chúng tôi nhận trách nhiệm chưa cương quyết, còn nể nang khi yêu cầu các bộ, ngành, địa phương thực hiện nghiêm túc quy định Luật Đầu tư công". Ông nhấn mạnh và hứa sẽ đôn đốc, thực hiện nghiêm quy định Luật Đầu tư công để khắc phục tình hình.
Đại biểu Nguyễn Hạnh Phúc (Thái Bình) sau khi lắng nghe các phiên chất vấn đã nhận xét, trừ Bộ trưởng Y tế đã có kinh nghiệm từ kỳ họp trước, các Bộ trưởng khác là lần đầu tiên nhưng đã rất bình tĩnh, đi thẳng vào vấn đề, nhận trách nhiệm chưa đạt được và có những lời hứa, cam kết được đưa ra.
Còn Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, trước khi khép lại 3 ngày làm việc, đã nhấn mạnh Quốc hội ghi nhận sự nghiêm túc, cầu thị, tinh thần trách nhiệm của các thành viên Chính phủ trong việc trả lời chất vấn.
“Mặc dù nhiệm kỳ chưa đầy 1 năm, trong bối cảnh tình hình còn nhiều khó khăn, thách thức, cùng với những khó khăn nội tại của nền kinh tế nước ta, nhưng tập thể Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng, các Bộ trưởng, trưởng ngành đã hết sức cố gắng, nỗ lực chỉ đạo, điều hành, khắc phục những hạn chế, yếu kém, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để ổn định và thúc đẩy phát triển kinh tế, nâng cao đời sống nhân dân”, bà nói.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế, mà theo bà Kim Ngân, một số nội dung đã được Quốc hội chất vấn, giám sát nhưng chuyển biến chưa được như mong đợi.
Do vậy, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh cần phải có quyết tâm cao, giải pháp đột phá để khắc phục trong thời gian tới. Cần phấn đấu thực hiện cho được các mục tiêu, chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội đặt ra cho năm 2017 và những năm tiếp theo.