MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Khi các quỹ đầu tư ngoại nắn lại dòng tiền

Tổng quy mô đầu tư các quỹ ngoại vào Việt Nam hiện ở khoảng 4 tỉ USD.

Trái ngược với tình cảnh đi ngang của thị trường chứng khoán lân cận như Malaysia hay Thái Lan, từ đầu năm nay, nhiều quỹ nước ngoài đang có những động thái mới để mở rộng tại thị trường Việt Nam. Ví dụ, Dragon Capital, VinaCapital đồng loạt niêm yết một số quỹ do mình quản lý trên sàn giao dịch chứng khoán London để đón đầu nguồn vốn đầu tư mạnh hơn vào Việt Nam.

Về phía thị trường doanh nghiệp chưa niêm yết, Mekong Capital đã hoàn thành việc thu hút vốn cho quỹ đầu tư thứ ba MEF III trị giá hơn 112 triệu USD. Ngay sau đó, Mekong Capital đã thực hiện hai khoản đầu tư mới vào chuỗi nhà hàng Wrap & Roll và công ty kinh doanh logistics ABA. Đây là những lĩnh vực đầu tư được xem là thiết yếu và hấp dẫn ở Việt Nam hiện nay. Trong khi đó, ngành ngân hàng mới đây cũng dậy sóng với thương vụ mua 7,7% cổ phần Vietcombank của quỹ đầu tư Singapore GIC. Thương vụ có giá trị xấp xỉ 400 triệu USD và trở thành một trong những thương vụ mua bán và sáp nhập (M&A) ấn tượng nhất trong năm nay.

Hiện 5 quỹ đầu tư nước ngoài lớn nhất đang đầu tư vào Việt Nam là Quỹ VEIL của Dragon Capital với tổng tài sản khoảng 929 triệu USD, VOF của VinaCapital với tổng tài sản 809 triệu USD, Quỹ PYN Elite Funds với tổng tài sản 328 triệu euro, Quỹ DWS Vietnam Fund của Deustche Bank có tài sản 392 triệu USD và Quỹ JP Morgan Vietnam Opportunities Fund với tài sản 192 triệu USD.

Thận trọng trong hồ hởi

Trong 6 tháng đầu năm, theo thống kê của Công ty DOBF, 31 quỹ đầu tư nước ngoài đầu tư vào Việt Nam có mức tăng tăng trưởng giá trị tài sản ròng (NAV) trung bình lên đến 11,28%, cao hơn khá nhiều so với mức tăng 7,5% của chỉ số VN-Index cũng như so với năm trước đó. Ví dụ, trong nửa đầu năm, NAV trên mỗi cổ phiếu của VOF tính theo USD tăng đến 19,1%, khả quan so với con số -1,2% của năm 2015, VEIL tăng 12% sau khi đã tăng 5,6% trong năm 2015. Hay Quỹ AFC Vietnam Fund ghi nhận kết quả tăng trưởng khá tích cực 17,33%, gấp hơn 3 lần so với mức tăng trưởng của cả năm 2015. Cá biệt, Quỹ VNH do Vietnam Holding AM quản lý đạt mức tăng trưởng đến 28%. Các cổ phiếu đóng góp lớn cho mức tăng trưởng cho VNH là Dược phẩm Traphaco, Vàng Bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ), Bút bi Thiên Long và tất nhiên là có tên của Vinamilk.

Tuy nhiên, cũng có quỹ tăng thấp hơn so với mức tăng VN-Index như Vietnam Equity Holding, FTSE Vietnam ETF hay VanEck Vector Vietnam ETF. Đối với quỹ đầu tư vào doanh nghiệp chưa niêm yết Mekong Capital, đợt tăng giá dài ngày vừa qua của VN-Index mang lại cơ hội lớn cho quỹ thoái vốn, đặc biệt là cổ phiếu của Thế Giới Di Động (MWG) khi tăng gần gấp đôi giá trị trong nửa đầu năm nay. Bên cạnh đó, Mekong Capital cũng đã thoái vốn khỏi công ty bất động sản Nam Long, công ty FPT và bán một nửa phần vốn tại PNJ.

Về phần các quỹ nội, một số quỹ cũng cho thấy sức bật đáng kể. Sau 2 năm ra đời, quỹ hoán đổi danh mục đầu tiên của Việt Nam VFMVN30 chứng kiến quy mô giá trị tài sản ròng đã tăng gấp 2 lần khi đạt hơn 407,6 tỉ đồng. VFMVN30 mới đây cũng lọt vào chỉ số Kindex ETF do công ty quản lý quỹ hàng đầu của Hàn Quốc KIM xây dựng. Điều này đồng nghĩa với việc các chứng chỉ quỹ VFMVN30 sẽ có cơ hội lọt vào tầm ngắm của các nhà đầu tư Hàn Quốc, vốn đang vào Việt Nam trên cả hai phương diện vốn đầu tư trực tiếp và gián tiếp.

Trong năm nay, theo dự đoán của các chuyên gia, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam có thể đạt khoảng 6-6,1%. Tuy thấp hơn so với năm trước nhưng đây đã là một thành tích tốt trong khu vực Đông Nam Á, nhất là trong khi kinh tế thế giới vẫn đang tăng trưởng chậm chạp và rủi ro đầu tư tại các quốc gia mới nổi đang tăng lên khi Cục Dữ trữ Liên bang Mỹ (FED) có khả năng nâng lãi suất. Xu hướng này một mặt tiếp tục hỗ trợ các quỹ kinh doanh tốt hơn, mặt khác thu hút các dòng vốn đầu tư gián tiếp của nước ngoài (FII) đổ vào Việt Nam.

Cơ hội trong các năm tới là có nhưng chiến lược các quỹ đầu tư hiện nay xem ra cũng khá thận trọng. Họ không xô bồ đầu tư mạnh mẽ vào nhiều lĩnh vực như những năm 2008-2009, mà tập trung hơn vào các lĩnh vực có trọng tâm, mang tính tăng trưởng bền vững. Điển hình như tại Quỹ VOF (VinaCapital quản lý), các nhà quản lý đã quyết liệt thoái vốn khỏi các dự án bất động sản có quy mô lớn như dự án Thế Kỷ 21, đồng thời đầu tư 15 triệu USD vào cổ phiếu của công ty bất động sản Novaland.


Trong năm nay,tăng trưởng kinh tế của Việt Nam có thể đạt khoảng 6-6,1%. Ảnh: Sơn Phạm

Trong năm nay,tăng trưởng kinh tế của Việt Nam có thể đạt khoảng 6-6,1%. Ảnh: Sơn Phạm

Theo ông Andy Ho, Giám đốc Điều hành VinaCapital, khoản đầu tư này nằm trong chiến lược phát triển của Quỹ về mảng bất động sản trong khi tìm cách thoái vốn khỏi các dự án đầu tư trực tiếp và thay bằng hình thức đầu tư vào các công ty tư nhân và công ty niêm yết. VOF mới đây đã chuyển sang niêm yết trên sàn chứng khoán London để thu hút dòng vốn nước ngoài thuận tiện hơn.

Đầu tư vào các doanh nghiệp tư nhân chưa niêm yết cũng là cách đi mà VOF chú trọng. Từ đầu năm nay, VOF đã thực hiện hai thương vụ đầu tư vào 2 doanh nghiệp khá nổi tiếng ở lĩnh vực chăm sóc sức khỏe và nội thất là Bệnh viện Thái Hòa và Công ty Gỗ An Cường. Trước đó, VOF cũng đầu tư vào Công ty Cổ phần Sữa Quốc tế (IDP) khi thấy tiềm năng của thị trường thức uống dinh dưỡng. “Đầu tư vào các công ty cổ phần tư nhân (PE) là phương thức tốt hơn khi đầu tư vào Việt Nam, đơn giản vì nó cho phép các nhà đầu tư giảm bớt rủi ro, trong khi suất sinh lợi lại tương tự hay thậm chí là tốt hơn cả các khoản đầu tư trên thị trường niêm yết. Nếu kiên nhẫn, bạn có thể nhận được tỉ lệ hoàn vốn nội bộ (IRR) khoảng 20-25%”, ông Andy Ho nhận định trên tờ DealStreetAsia.

Một quỹ khác chuyên tập trung vào PE là Mekong Capital cũng để lại dấu ấn. Đối với Mekong Capital, từ năm 2009, các khoản đầu tư của quỹ này đạt được tốc độ tăng trưởng lợi nhuận ròng trung bình khoảng 30% mỗi năm. “Tốc độ tăng trưởng này tiếp tục duy trì trong năm 2015 và chúng tôi đang nhắm đến mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận ròng trung bình 35% cho danh mục đầu tư trong năm 2016”, ông Chris Freund chia sẻ.

Trong khi đó, các nhà quản lý của Dragon Capital dường như vẫn đặt niềm tin lớn vào chu kỳ đi lên của thị trường bất động sản và sự phục hồi của ngân hàng. Sau Công ty Địa ốc Khang Điền, các quỹ do Dragon Capital quản lý đã mua 7% cổ phần của Đất Xanh, một doanh nghiệp đang gia tăng quỹ đất thông qua các thương vụ M&A.

Đối với ngân hàng, đầu năm nay, các quỹ do Dragon Capital quản lý đã mua lại 64,2 triệu cổ phiếu của Ngân hàng Quân Đội với niềm tin lợi nhuận ngành ngân hàng sẽ cất cánh. “Năm 2016, các ngân hàng sẽ cho vay nhiều hơn và lợi nhuận sẽ khởi sắc. Vẫn còn cơ hội để giá cổ phiếu tăng tiếp”, ông Bill Stoops, Giám đốc Đầu tư của Dragon Capital, nhận định. Dragon Capital mới đây cũng lấn sân sang lĩnh vực bán lẻ với việc gia tăng tỉ lệ nắm giữ cổ phần lên mức 5,33% tại Thế Giới Di Động. Công ty này ghi nhận tốc độ tăng trưởng doanh thu nửa đầu năm lên đến 81% so với cùng kỳ năm trước. Một tin vui cho Quỹ VEIL của Dragon Capital là việc Quỹ đầu tư Bill & Melinda Gates Foundation đã mua 21,5 triệu chứng chỉ quỹ sau động thái niêm yết của VEIL trên sàn London.

Cơ hội trong rủi ro

Làn sóng cổ phần hóa và thoái vốn của Nhà nước sẽ là cơ hội để các quỹ tiếp cận các tài sản có giá trị tại Việt Nam. Cơ hội còn đến từ các thương vụ cổ phần hóa các công ty lớn mà Chính phủ lên kế hoạch như thoái vốn như tại công ty hàng đầu Sabeco và Habeco, cổ phần hóa viễn thông Mobifone hay thoái vốn hoàn toàn khỏi Vinamilk, Bảo hiểm Bảo Minh và Nhựa Bình Minh.

Trong 7 tháng đầu năm nay, tổng giá trị các thương vụ M&A tại Việt Nam lên đến 3,2 tỉ USD. Những lĩnh vực sôi động là bán lẻ, hàng tiêu dùng và bất động sản. Theo đà này, các chuyên gia nhận định trong năm nay, thị trường M&A Việt Nam có thể đạt kỷ lục mới hơn 6 tỉ USD, cao hơn đáng kể so với con số 5,2 tỉ USD của năm 2015.

Không chỉ nhắm đến dòng vốn ngoại, các quỹ cũng chú ý nhiều hơn đến tiềm lực của các nhà đầu tư nội. Ví dụ, tại VFM, lãnh đạo quỹ này mới đây đã công bố chiến lược thay đổi toàn diện cho các quỹ do mình quản lý, trong đó tập trung nhiều hơn vào nhóm khách hàng cá nhân trong nước, đang ngày càng chuyển sang các kênh đầu tư hấp dẫn hơn so với tiền gửi tiết kiệm. “Để sản phẩm quỹ mở trở nên quen thuộc và phổ biến, tạo điều kiện tốt hơn cho việc huy động, chiến lược của VFM là tập trung vào 3 chữ T: Tell (Xây dựng nhận thức) - Train (Cung cấp kiến thức) - Trade (Hỗ trợ giao dịch)”, ông Trần Thanh Tân, Tổng Giám đốc VFM, chia sẻ.

Theo nhận định của giới chuyên gia, các lĩnh vực đầu tư được xem là hấp dẫn nhất là tiêu dùng, nông nghiệp, bán lẻ, bất động sản, năng lượng, y tế - chăm sóc sức khỏe, tài chính, bảo hiểm, xây dựng, hạ tầng giao thông và logistics. Nhu cầu các lĩnh vực này tăng nhờ tầng lớp trung lưu đang tăng mạnh tại Việt Nam. Tuy nhiên, có một số quỹ muốn thoái vốn hoàn toàn. Điển hình như từ đầu năm đến nay, quỹ đầu tư lâu năm vào thị trường Việt Nam là Red River Holding đã liên tục thoái vốn tại các doanh nghiệp lớn như FPT, Everpia, Thủy sản Vĩnh Hoàn và thậm chí là cả doanh nghiệp thép lớn nhất Việt Nam hiện nay: Tập đoàn Hòa Phát.

Trong khi đó, Quỹ PENM cũng thoái toàn bộ vốn tại Hòa Phát sau gần 8 năm nắm giữ. Việc thoái vốn này một phần là do là năm 2016 cũng là thời điểm kết thúc thời hạn hoạt động của quỹ nên buộc họ phải bán toàn bộ danh mục đầu tư và hoàn tiền cho cổ đông. Sự thoái lui của một số quỹ cho thấy những e ngại về rủi ro của các khoản đầu tư vào Việt Nam vẫn còn hiện diện. Điển hình như tỉ lệ nợ công trên GDP đã ở mức báo động 62,5% vào cuối năm 2015 và gần chạm ngưỡng giới hạn 65% mà Quốc hội đặt ra. Theo Bộ Tài chính, trong giai đoạn năm 2011-2015, nghĩa vụ trả nợ nước ngoài trung dài hạn trên tổng thu ngân sách nhà nước đã tăng lên 22,3%, gần với ngưỡng an toàn 25%. Ngoài ra, việc tái cấu trúc các doanh nghiệp nhà nước cho đến nay vẫn còn khá chậm. Tình hình tài chính tại một số tập đoàn, doanh nghiệp nhà nước lớn như Vinalines, Tổng công ty 15, Vinaincon, Xi măng Hạ Long, Gang Thép Thái Nguyên… vẫn diễn biến phức tạp.

Bên cạnh đó, việc FED gia tăng lãi suất dần dần cũng có thể làm giảm sức hấp dẫn của các khoản đầu tư vào Việt Nam... Hay có một nhân tố tiềm ẩn khác có thể tác động lớn đến tâm lý các nhà đầu tư nước ngoài vào châu Á. Đó là kết quả bầu cử Tổng thống Mỹ vào tháng 11 này. Một số chuyên gia đầu tư như Quỹ PGGM nhận định rằng, nếu ứng cử viên Đảng Cộng hòa Donald Trump trở thành Tổng thống Mỹ sẽ là điều bất lợi cho khu vực châu Á bởi các chính sách bảo hộ của nhân vật này sẽ tác động xấu đến thương mại thế giới, kéo theo ảnh hưởng đến sức cầu trên thị trường bất động sản và tài chính trong khu vực.

Nhưng dù có những rủi ro, đối với Quỹ VAM, Việt Nam vẫn là điểm sáng. “Có thể có những rủi ro như sự rung lắc của giá dầu, FED nâng lãi suất và TPP có thể sẽ thất bại, nhưng chúng tôi vẫn giữ quan đểm tích cực về Việt Nam nhờ vào các nền tảng vững chắc và các tiến bộ đang diễn ra”, đại diện của VAM nhận định. Theo DealStreetAsia, trong 20 tháng qua, trong khi dòng vốn PE đầu tư khá yếu vào hầu hết các quốc gia ASEAN, nhiều quỹ vẫn tìm đến Việt Nam. Năm 2015, tổng giá trị các thương vụ đầu tư PE vào khoảng 300 triệu USD và con số này được kỳ vọng sẽ nâng lên 500.000 USD cho đến 1 tỉ USD trong các năm kế tiếp.

Theo Nguyễn Sơn

Nhịp cầu đầu tư

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên