Khi các sản phẩm bị cho là ‘hết đát’ vẫn lên kệ hàng bày bán
Chung tay đưa các thực phẩm đóng gói có bao bì đã quá ngày “Best before” hoặc “Best by” đến tay người tiêu dùng, Lorraine Koh và Leonard Shee – hai nhà đồng sáng lập công ty thực phẩm Mono Foods – mong muốn sáng kiến của họ có thể đóng góp vào sứ mệnh ngăn chặn lãng phí thực phẩm trên toàn cầu.
- 20-10-2023Chủ tịch FED đăng đàn: Lạm phát vẫn còn quá cao, dữ liệu tốt trong vài tháng chỉ là bước khởi đầu
- 19-10-2023Không giữ được màu xanh, Dow Jones quay đầu giảm 250 điểm, sắc đỏ bao trùm chứng khoán Mỹ
- 19-10-2023Mỹ thay đổi tiếp cận khu vực "sân sau" bằng cách gần lại với Venezuela
Thông thường, đối với sản phẩm chế biến bao gói sẵn, nhà sản xuất có nhiều cách ghi hạn sử dụng sản phẩm khác nhau. Hạn sử dụng an toàn bắt buộc phải ghi "Hạn sử dụng" (Expire Date hay EXP.) đối với thực phẩm chức năng, thực phẩm bổ sung, thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thực phẩm dinh dưỡng y học, thực phẩm tăng cường vi chất và những thực phẩm dễ có khả năng bị hư hỏng. Trong khi đó, hạn Best before (BB)/Best By (sử dụng tốt nhất đến ngày) thường thấy trên các sản phẩm đông lạnh, đồ hộp hoặc thức ăn khô, các thực phẩm có thể để được lâu. Sau thời điểm BB ghi trên bao bì, thực phẩm vẫn được phép bán trên thị trường nếu nhà sản xuất chứng minh được thực phẩm đó an toàn với cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Theo nhà đồng sáng lập Lorraine, do dịch bệnh COVID-19, rất nhiều thực phẩm bị lãng phí vì chuỗi cung ứng xuất nhập khẩu bị gián đoạn. “Chúng tôi được biết các nhà cung cấp buộc phải vứt bỏ thực phẩm vẫn đang ở trạng thái bình thường do quá hạn ghi trên bao bì hoặc gián đoạn trong quá trình vận chuyển. Từ đó, chúng tôi đã quyết định hành động để góp phần giải quyết vấn đề này”, bà Lorraine chia sẻ về câu chuyện thành lập Mono.
Để giải tỏa sự lo lắng của khách hàng trước những sản phẩm “bị cho là hết đát” bày bán tại cửa hàng, các nhà sáng lập Mono khẳng định khi một nhà cung cấp liên hệ về việc đóng góp thực phẩm, Mono sẽ yêu cầu thực hiện các bài kiểm tra chất lượng hoặc đưa ra chứng từ chứng minh sản phẩm vẫn có thể sử dụng. Cả Mono và nhà sản xuất đều cần đảm bảo thực phẩm ở tình trạng bình thường trước khi lên kệ tại cửa hàng. Bao bì và cách bảo quản là những yếu tố chính cần lưu ý đối với các mặt hàng thực phẩm đóng gói sẵn.
Mono cũng khuyến khích mọi khách hàng kiểm tra sản phẩm trước khi sử dụng bằng mẹo “Nhìn-Ngửi-Nếm”. Nếu khách hàng mua một sản phẩm và thấy có mùi vị hoặc hình dáng kỳ lạ, khách hàng có thể gửi phản hồi và đổi sang sản phẩm khác.
Tại Mono, các sản phẩm đều được bán với giá rẻ hơn thị trường. Sản phẩm nước dừa của UFC được bán với giá 2 đô la Singapore, nhưng giá bán lẻ tại siêu thị gần gấp đôi, 3,9 đô Singapore. Hơn thế nữa, khách hàng có thể trả giá “tùy tâm” trong khoảng giá mà cửa hàng đã đặt ra. Các loại thực phẩm đóng gói sẽ được phân loại và dán với sticker nhiều màu. Mỗi màu sắc tương ứng với giá tiền mà khách hàng có thể chi trả. Mục đích của việc làm này là giúp cho cộng đồng dễ bị tổn thương như người khuyết tật, người nghèo có thể mua được các sản phẩm. Tuy nhiên, để ngăn chặn những kẻ “trục lợi” mua đồ với giá rẻ, cửa hàng cũng ra quy định giới hạn số lượng mua với mỗi món đồ.
Bên cạnh bày bán công khai các sản phẩm, Mono cũng thực hiện các chiến dịch vận động quyên góp cho những người kém may mắn trên khắp Singapore và cho các cộng đồng khó khăn, thông qua phối hợp với các đội Cứu hộ Thực phẩm và Quyên góp Thực phẩm.
Báo Tín Tức