MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Khi cái giá của thành công là quá lớn: Tâm lý bạn sẽ phải "chịu đựng" những gì để trở thành một nhà doanh nhân thành đạt?

14-07-2019 - 21:53 PM | Sống

Liệu cái giá này có quá cao?

Nếu bạn là một doanh nhân, có lẽ bạn đang phải làm việc quá nhiều giờ để phát triển doanh nghiệp của mình. Nói chung, tất cả chúng ta đều đang làm việc nhiều giờ hơn và nghỉ ít hơn bao giờ hết, hậu quả là chúng ta phải chịu đựng nhiều lo lắng và căng thẳng hơn các thế hệ trước. Mặc dù đây không phải là vấn đề mới đối với các chủ doanh nghiệp, nhưng đây thực sự là một vấn đề cần được giải quyết trước khi nó trở nên tồi tệ hơn.

Ba mươi năm trước, Boyd và Gumpert đã có một cuộc nghiên cứu và chỉ ra 60% người quản lý các doanh nghiệp vừa và nhỏ làm việc hơn 50 giờ trong một tuần, trong đó 25% làm việc trong hơn 60 giờ một tuần. Gần đây, những con số tương tự đã được báo cáo bởi Olivier Torres, ông cũng lưu ý rằng 60% người chủ sở hữu một doanh nghiệp chỉ nghỉ phép ba tuần hoặc ít hơn trong một năm, trong đó có 10% là hoàn toàn không nghỉ phép.

Vì vậy, hôm nay tôi đã xem xét những "chi phí" mà tâm lý bạn phải "chi trả" cho việc trở thành một nhà doanh nhân là gì. Điều gì sẽ xảy ra khi bạn đầu tư tất cả vốn vật chất, tài chính và trí tuệ của mình vào một tài sản duy nhất là doanh nghiệp của bạn? Chi phí thực sự của một quyết định như vậy liệu có quá cao?

1. Kiệt sức

Khi cái giá của thành công là quá lớn: Tâm lý bạn sẽ phải chịu đựng những gì để trở thành một nhà doanh nhân thành đạt? - Ảnh 1.

Là một nhà huấn luyện doanh nghiệp (chúng tôi làm việc với chủ doanh nghiệp để giúp họ đạt được mục tiêu đề ra) trong hơn hai mươi lăm năm, tôi thấy rất nhiều người đang trên bờ vực kiệt sức. Nhiều doanh nhân giỏi có niềm đam mê với ngành công nghiệp và sản phẩm của họ đã đến với tôi và nói rằng họ sẵn sàng bỏ việc. Nhiều người quá mệt mỏi vì phải làm việc 70 giờ một tuần, thời gian họ dành cho gia đình càng ngày càng ít. Về lâu về dài, sự kiệt sức dẫn đến nảy sinh một loạt các vấn đề khác.

Để chống lại sự kiệt sức, bắt buộc bạn phải dành thời gian cho gia đình và bạn bè, nghỉ dưỡng, hay các hoạt động giải trí khác, thậm chí có thể là thiền định. Điều chỉnh lại doanh nghiệp của bạn để bạn có thể "bỏ đi" trong một thời gian dài mà không phải hy sinh bất kỳ sự tăng trưởng hay mức doanh số nào. Điều này có thể được thực hiện thông qua một loạt các hệ thống và kiểm soát cũng như phát triển đội ngũ lãnh đạo quản lý có chiến lược để xử lý công việc trong khi bạn đi vắng.

2. Phiền muộn

Quản lý một doanh nghiệp chắc chắn bạn sẽ không thể tránh khỏi những cảm xúc tiêu cực. Trầm cảm và lo lắng là một chi phí tâm lý khác mà bạn phải trải qua khi trở thành một doanh nhân. Làm việc nhiều giờ một mình mà không được tư vấn hoặc giúp đỡ từ ai, kết hợp với các vấn đề nảy sinh trong gia đình, có thể nhanh chóng biến vấn đề thành nghiêm trọng hơn, gây ảnh hưởng đến các quyết định của bạn, làm suy yếu khả năng phát triển doanh nghiệp và giảm cảm giác thỏa mãn của bạn khi đạt được một điều gì đó.

Cách tốt nhất để chống lại cảm giác chán nản và lo lắng này là hãy tham gia vào một nhóm những người có cùng chí hướng và mục tiêu với bạn, tìm một huấn luyện viên kinh doanh hay một người cố vấn để giúp bạn đưa ra ý tưởng và thảo luận về doanh nghiệp của bạn, mở rộng quy mô và phát triển theo cách lành mạnh cho cả bạn và doanh nghiệp của bạn.

3. Phán quyết kém hiệu quả

Khi cái giá của thành công là quá lớn: Tâm lý bạn sẽ phải chịu đựng những gì để trở thành một nhà doanh nhân thành đạt? - Ảnh 2.

Nếu bạn đang làm cạn kiệt sức lực của mình bằng một cuộc đời quá bận rộn và tập trung quá nhiều vào công việc kinh doanh, vào nhiều vấn đề cùng lúc thì rất có thể bạn sẽ thất bại trong việc này hoặc việc khác. Những nỗ lực của bạn sẽ dễ bị phân tán và có thể khiến bạn đưa ra những quyết định tồi tệ. Quá nhiều việc và luồng thông tin cùng lúc khiến đầu óc bạn bị "quá tải", dẫn đến doanh nghiệp hoạt động kém hiệu quả, và thúc đẩy bạn phải theo đuổi quyền kiểm soát nhiều hơn để đưa mọi thứ trở lại đúng hướng, kết quả bạn lại phải làm việc bận rộn hơn và bạn không ưu tiên thời gian của mình. Cứ thế lặp đi lặp lại và nó trở thành một vòng tuần hoàn tiêu cực.

Cuộc sống đơn giản chỉ là một câu hỏi về sự ưu tiên. Nếu bạn biết mình nên ưu tiên cho điều gì, bạn sẽ gặt hái được những kết quả tốt. Nguyên lý ở đây là: 80% kết quả bạn mong muốn đạt được đến từ 20% hoạt động của bạn.

Khi bạn làm việc bận rộn cả ngày với một loạt các vấn đề phát sinh thì hiển nhiên bạn sẽ không có được mạch suy nghĩ rõ ràng. Bạn bị choáng ngợp bởi những email, tin nhắn và các nguồn cấp dữ liệu. Hãy nhớ rằng, bạn nên làm việc hiệu quả chứ đừng làm việc bận rộn. Đừng làm nhiều việc một lúc. Người làm việc hiệu quả tập trung vào một việc.

Vậy hầu hết mọi người làm gì để thoát khỏi tình trạng này? Họ sẽ làm các nhiệm vụ dễ dàng có giá trị thấp đầu tiên, để đầu óc của họ được thả lỏng, linh hoạt. Sau đó sẽ chú tâm giải quyết các vấn đề lớn và quan trọng, những hoạt động cung cấp nhiều giá trị nhất cho doanh nghiệp của mình. Bạn có biết kỹ năng Pomodoro không? Nó có vẻ khắt khe, nhưng giúp cải thiện năng suất một cách rõ rệt. Hãy chọn 1 nhiệm vụ quan trọng bạn cần làm. Đặt đồng hồ báo thức trong 25 phút và tập trung làm trong 25 phút đó, bỏ mặc mọi thứ khác. Sau đó bạn nghỉ 5 đến 10 phút rồi lại làm tiếp. Phương pháp này sẽ huấn luyện bộ não của bạn tập trung làm việc trong một thời gian ngắn, giúp bạn rơi vào tình thế luôn có những hạn chót để hoàn thành công việc đồng thời cũng thường xuyên được nạp lại năng lượng Hãy thử xem bạn có thể làm được bao nhiêu pomodoro trong một ngày và thấy được công việc của bạn đã có hiệu quả như thế nào. Và nhất định đừng quên một điều rằng: Trở nên bận rộn không có nghĩa là bạn đang thành công!

Bài viết được viết bởi David Finkel - Đồng tác giả của cuốn sách nổi tiếng "Scale: Seven Proven Principles to Grow Your Business and Get Your Life Back".

Trịnh Thơm

Inc

Trở lên trên