MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Khi chê GS mặc sooc giảng bài, hãy nhớ số công trình của ông ấy = 50-100 GS Việt Nam cộng lại

25-04-2017 - 10:02 AM | Sống

Giáo sư Trương Nguyện Thành tại trường Đại học Hoa Sen ở Sài Gòn dường như vừa gây bão dư luận vì bộ đồ "hổng giống ai" (quần cộc áo vest và quần cộc áo thun thủng lỗ) khi lên lớp.

Nhiều người cho rằng đó là hành động bất lịch sự không thể chấp nhận trong môi trường đại học.

Có người còn mắng trên FB rằng, ông giáo sư (từng ở Mỹ 38 năm và nguyên là giáo sư một đại học lớn bên đó) quen thói ăn mặc trên lớp ở Mỹ thì hãy cứ làm như vậy ở Mỹ, còn về Việt Nam thì "đất có lề quê có thói", ông muốn nổi danh thì chỉ có danh xấu mà thôi!

GS Úc: "Hải ơi, mày thấy nóng thì bỏ bộ đồ đó ở nhà được đấy"

Tôi công nhận là trong môi trường đại học ở những nước như Mỹ, Anh, Úc…, người ta ăn mặc khá là tự do.

Hai mươi mốt năm trước đây, lần đầu bước qua cánh cửa của bộ môn Miễn dịch học trường Đại học Flinders, nơi tôi gắn bó trong 7 năm tiếp theo, tôi xúng xính trong bộ com lê cà vạt, quen như cách mình đã ăn bận trong nhiều chuyến đi thăm ngắn hạn ở các nước châu Á, châu Âu, Mỹ…

Qua đến ngày thứ hai, giáo sư Tom Gordon bảo:"Hải ơi, mày có thấy nóng thì bỏ bộ đồ đó ở nhà được đấy".

Tôi hiểu ra ngay rằng thầy đã chấp nhận tôi như… người Australia, nên mới khuyên tôi ăn mặc như người Australia.

Tôi được dự bài giảng của giáo sư Ian Gibbins nổi tiếng, và thấy ổng rất thoải mái trong bộ quần cộc và áo thun giống như nhiều sinh viên vì khi ấy đang là mùa hè. Thì ra ở đây, trong giảng đường đại học, người ta nhìn nhận giá trị qua nội dung việc làm là chính, còn hình thức thì… chỉ là hình thức.

Nhưng cũng không phải lúc nào các giáo sư cũng được tự do với quần cộc áo thun.

Lúc đầu, tôi cũng hơi ngạc nhiên vì sao các giáo sư và bác sĩ khi tới bệnh viện thì không mặc áo choàng trắng, nhưng lại luôn phải đeo cà vạt và dĩ nhiên đã cà vạt thì không thể áo thun quần cộc.

Thầy tôi giảng giải, chỉ trừ trong phòng mổ, còn ở phòng khám hay các phòng bệnh nhân, người ta không muốn có sự cách biệt dù chỉ là hình thức giữa thầy thuốc áo trắng với bệnh nhân áo không trắng. Còn cà vạt thì như là một biểu tượng chuyên nghiệp của người thầy thuốc hay luật sư tôn trọng thân chủ của mình.

Vậy thì tuy cách ăn mặc của người Australia khá là "xuề xòa", nhưng vẫn có những môi trường riêng với những "chuẩn mực" riêng cần tôn trọng. Khi đi coi phim cũng như lên giảng đường đại học hay ra phố, bạn có thể quần cộc áo thun cũng chả sao, nhất là mùa hè thì càng hợp, nhưng đi coi hòa nhạc thì lại không được tự do như vậy.

Dĩ nhiên các nền văn hóa khác nhau có những chuẩn mực khác nhau về ăn mặc.

Nếu một ngày đẹp trời bạn phật ý khi mời khách Australia tới chơi nhà mà họ lại mặc quần cộc áo thun, thì nên rộng lòng mà bỏ qua vì chắc là họ chưa hiểu các chuẩn mực của bạn thôi, chứ chẳng dại dột mà coi thường bạn đâu. Và khi trở thành bạn tốt, hãy nói cho họ hiểu điều đó để sau này đừng mắc sai lầm với những chủ nhà Việt Nam hơi kỹ tính như bạn.

"Nếu cứ bình thường, thì sẽ không có sáng tạo"

Khác với nền giáo dục đã canh tân ở các nước Âu-Mỹ, lấy học trò làm chủ thể, nền giáo dục Việt Nam cũng giống như nhiều nước Á Đông khác vẫn còn đang ở giai đoạn đang phát triển, vẫn chủ yếu là lấy ông thầy làm trung tâm. Và vì là trung tâm, nên ông thầy cũng phải trịnh trọng tự ghép mình vào hình thức "mô phạm".

Nếu có một ngày quần cộc áo thun được chấp nhận trên giảng đường đại học Việt Nam, thì ngày ấy chắc cũng còn xa lắm.

Ngược lại, bệnh hình thức ở Việt Nam dường như mỗi ngày một nặng thêm. Cuộc chạy đua theo các chức danh thạc sĩ, tiến sĩ, phó giáo sư, giáo sư, thầy giáo ưu tú, thầy giáo nhân dân… dường như chẳng có điểm dừng.

Khi người ta đánh giá nhau nặng về danh hiệu, thì hình thức áo quần, cũng như cái xe bạn đang sử dụng nhãn hiệu gì, cái túi bạn đang đeo hàng hiệu gì… dường như cũng tham gia vào thước đo giá trị của bạn. Vậy thì, theo thiển ý của tôi, các giáo sư Việt Nam cứ nên tránh xa quần cộc áo thun… cho nó lành.

Nhưng ta hãy trở lại trường hợp giáo sư Thành.Tôi chưa có vinh dự được quen biết ông này, nhưng báo mạng cho biết ông đã đăng 180 công trình khoa học trên các tạp chí tầm quốc tế và có 2 bằng sáng chế.

Con số đó cũng bình thường với một giáo sư đại học ở Australia hay ở Mỹ, nhưng nó lại lớn đến mức… 100 vị giáo sư được phong ở Việt Nam gộp sức lại có thể cũng không làm nổi.

Vậy thì về nội dung khoa học, có thể nói là giáo sư Thành ở mức giàu, rất giàu so với các đồng nghiệp Việt Nam.

Thế còn hình thức? Tại sao ông ấy lại nghèo đến mức lên lớp mặc quần cộc, còn áo thì khi là vest, khi là áo thun, lại còn hở cả rốn nữa?


GS Thành cho rằng cách ăn mặc của mình để khuyến khích sinh viên sáng tạo.

GS Thành cho rằng cách ăn mặc của mình để khuyến khích sinh viên sáng tạo.

Giáo sư Thành cho biết ông trưng bày những bộ đồ ấy trong giờ lên lớp về phát triển tư duy sáng tạo, như là thuyết minh về "gỡ bỏ rào cản định kiến trong tư tưởng".

"Vì sao lại áo vest với quần đùi? Vì bình thường thì không ai mặc như thế. Nhưng nếu cứ bình thường, thì sẽ không có sáng tạo", ông Thành giải thích.

Vậy thì tôi cũng láng máng hiểu ra rằng vấn đề ở đây không chỉ là phong cách ăn mặc tự do trên giảng đường theo kiều Âu-Mỹ, mà giáo sư Thành đã dường như "hết mình" với nghề nghiệp, dám đem hình thức của chính mình ra làm… giáo cụ trực quan cho các sinh viên.

Khi tìm hiểu tư liệu qua mạng để viết bài này, tôi cũng được biết rằng đã có một cuộc "chiến tranh giành quyền lực giữa 2 nhóm cổ đông" tại Đại học S., nơi ông giáo sư Thành mới được nhận về sau "chiến thắng" của 1 trong 2 nhóm.

Vậy thì cũng không loại trừ là những lời chỉ trích nặng nề hình thức ăn mặc của giáo sư Thành chỉ là… sóng bề mặt. Nghe nói giáo sư Thành đã sử dụng cách ăn mặc "hổng giống ai" này làm giáo cụ trực quan từ tháng 6 năm ngoái tại một trường đại học danh tiếng, nhưng hồi đó dường như chả thấy ai đứng ra chỉ trích như bây giờ.

Xem ra thì, như cách người Sài Gòn thường nói, "thấy dzậy mà hổng phải dzậy".

Tôi nghĩ rằng bộ quần đùi áo vest của giáo sư Thành trên lớp học chưa đủ để chúng ta đánh giá nội dung con người của ông.

Theo TS Trần Bắc Hải

Trí thức trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên