Khi “cửa khẩu nằm ở nhà mỗi người dân”
Sự phát triển của khoa học, công nghệ đã khiến việc mua bán online ngày càng trở nên phổ biến và khi “cửa khẩu nằm ở cửa nhà mỗi người dân” thì việc phát hiện, xử lý các vụ việc gian lận thương mại, hàng giả, hàng nhái trên không gian mạng càng trở nên khó khăn, đòi hỏi sự đổi mới trong chuyên môn, nghiệp vụ của lực lượng Quản lý thị trường (QLTT).
- 23-01-2021Nghiên cứu đề xuất giảm tối đa nhập khẩu than
- 22-01-2021Các hãng hàng không kiến nghị gói hỗ trợ tài chính 25.000 tỉ đồng
Những bẫy lừa trên không gian ảo
Tháng 7/2020 vừa qua, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đã gửi thư khen Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương); Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (A05 - Bộ Công an) về thành tích phát hiện, kiểm tra, xử lý kho hàng lậu rộng hơn 10.000 m2, với trên 150.000 sản phẩm hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ tại Lào Cai.
Vụ việc được nhận định là vụ bán hàng giả, hàng lậu liên quan tới thương mại điện tử có quy mô lớn nhất từ trước đến nay.
Được biết, các lực lượng của Tổng cục QLTT, Cục A05 đã mất đến 6 tháng dùng nhiều biện pháp điều tra, theo dõi để bất ngờ đột kích tổng kho hàng lậu hơn 10.000m2 tại địa chỉ 145 Hoàng Diệu (TP. Lào Cai) chiều 7/7/2020.
Tại thời điểm kiểm tra, kho hàng có 3 nhân viên được thuê để thay nhau livestream trên các tài khoản Facebook như: Thảo Trần, Giầy đồng giá... Các mặt hàng như giầy dép, kính mắt, đồng hồ, hàng tiêu dùng, mỹ phẩm... nhập lậu hoặc có dấu hiệu giả mạo các nhãn hiệu nổi tiếng thế giới như LV, Gucci, Chanel, Adidas. Theo khai nhận ban đầu của các nhân viên này, tối thiểu mỗi ngày đều "chốt" được 100-200 đơn hàng.
Sau khi livestream bán hàng, các đơn hàng đã "chốt" trên Facebook sẽ được 40 nhân viên đóng gói gửi đi khắp cả nước thông qua các hãng chuyển phát. Như vậy, hàng trăm nghìn sản phẩm hàng giả, hàng lậu đã được đưa ra thị trường một cách trót lọt trong suốt 2 năm qua.
Ông Chu Xuân Kiên, Cục trưởng Cục QLTT Hà Nội nhận định, với các ứng dụng công nghệ hiện đại dễ dàng cài đặt trên các thiết bị di động thông minh hiện nay, doanh nghiệp không phải tốn kém thuê cửa hàng với nhân viên phục vụ, không cần đầu tư nhiều kho chứa hàng mà chỉ cần một khoản tiền nhỏ để xây dựng website bán hàng và chỉ tốn 10% phí duy trì, vận hành website mỗi tháng. Có thể thấy, hình thức thương mại điện tử đã tạo ra sân chơi mới cho các doanh nghiệp, và điều này đòi hỏi cơ quan quản lý nhà nước phải đổi mới, sáng tạo trong phương thức quản lý.
Mặt khác, từ đầu năm 2020 đến nay, do ảnh hưởng nặng nề, kéo dài của dịch bệnh COVID-19, tình hình kinh tế-xã hội trên thế giớivà các quốc gia có chung đường biên giới, đặc biệt là chính sách xuất nhập khẩu của Trung Quốc có nhiều thay đổi, hoạt động buôn lậu, kinh doanh hàng hóa nhập lậu, hàng cấm có lúc bị gián đoạn, có xu hướng giảm. Trong lúc này, thị trường nổi lên hành vi vi phạm kinh doanh hàng giả, hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, vi phạm về hoạt động thương mại điện tử và sử dụng ứng dụng số để kinh doanh hàng lậu, hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ. Các chủ thể kinh doanh đã nhanh chóng tiếp cận chuyển sang hình thức bán hàng qua các sàn thương mại điện tử như: Shopee, Tiki, Sendo, Lazada… hay các website thương mại điện tử, đặt hàng trực tuyến, các hình thức giao dịch, bán hàng trực tiếp (livestream) qua mạng xã hội Facebook, Tiktok, Zalo…
"Khó khăn lớn nhất khi phát hiện và xử lý các vụ việc trên môi trường thương mại điện tử là phải có sự việc rõ ràng, phải có người mua và có món hàng cụ thể. Trong khi các giao dịch, thanh toán trên mạng đều là ảo, không có địa điểm kinh doanh dẫn đến tình trạng lực lượng QLTT không thể kiểm tra được ngay. Chưa kể, hầu hết các giao dịch theo hình thức này (đối với hàng giả, hàng nhái) đều không có hóa đơn, chứng từ nên công tác phát hiện và xử lý càng khó khăn", ông Chu Xuân Kiên chia sẻ.
Thêm vào đó, theo ông Kiên, việc thực hiện xử lý vi phạm đối với các doanh nghiệp gian lận cũng rất khó khăn do việc kiểm tra, truy tìm được những doanh nghiệp "ảo" không đơn giản. Các trang website thương mại điện tử hầu như không cung cấp địa chỉ hoặc địa chỉ không đúng, có nhiều địa chỉ là nhà dân, chung cư… Chưa kể nhiều đối tượng sử dụng các khu chung cư cao cấp, gây khó khăn trong việc tiếp cận, kiểm tra, xử lý.
"Có trường hợp lực lượng QLTT kiểm tra, phát hiện website ghi đúng địa chỉ, đúng mặt hàng kinh doanh nhưng chủ cơ sở không thừa nhận website đó do mình thiết lập, quản lý. Hoặc khi kiểm tra, chủ cơ sở cho dừng, đóng, khóa… website ngay tại thời điểm kiểm tra, gây khó khăn khi chứng minh vi phạm", ông Kiên nói.
Không nể nang, không sợ sệt
Ông Trần Hữu Linh, Tổng Cục trưởng Tổng cục QLTT (Bộ Công Thương) nhận định, nhờ thành tựu của khoa học công nghệ nên việc mua bán online ngày càng trở nên phổ biến và có thể nói "cửa khẩu nằm ở cửa nhà của mỗi người dân" khi các giao dịch hàng hoá ở mọi nơi được thực hiện dễ dàng mà người mua, bán không cần gặp nhau.
Sự phát triển này cũng đi kèm với một số thủ đoạn mới xuất hiện trên nền tảng thương mại điện tử, tập trung vào nhóm hàng hóa có giá trị cao, những mặt hàng do nước ngoài sản xuất. Các thủ đoạn thường thấy là lập nhiều tài khoản Facebook và chạy quảng cáo, ảnh chụp sản phẩm tương đối chuyên nghiệp và không có địa chỉ, số điện thoại hoặc địa chỉ chung chung, khi khách hàng hỏi thì chỉ nhận inbox (nhắn tin riêng); một số người nổi tiếng thường xuyên chia sẻ, livestream và đăng các bài quảng cáo các sản phẩm như mỹ phẩm, thực phẩm chức năng.
Trước tình hình đó, ông Trần Hữu Linh cho biết, ngay từ đầu năm 2020, Tổng cục QLTT đã thành lập một bộ phận đặc nhiệm chuyên trách riêng chống gian lận trên môi trường internet.
Qua nắm bắt thông tin và những biện pháp nghiệp vụ, năm 2020, lực lượng QLTT trên toàn quốc đã xử lý nhiều đường dây, ổ nhóm quy mô lớn thực hiện trên các mạng xã hội, kênh bán hàng, livestream. Tiêu biểu là vụ xử lý tổng kho buôn lậu hơn 10.000 m2 tại 145 Hoàng Diệu (TP. Lào Cai) hồi tháng 7/2020 nêu trên. Ngoài ra, lực lượng QLTT còn kiểm tra, xử lý rất nhiều vụ việc bán khẩu trang, nước rửa tay lậu, kém chất lượng trên mạng xã hội trong thời gian đầu năm 2020 khi dịch COVID-19 bùng phát; phát hiện tụ điểm phân loại, sơ chế găng tay y tế đã qua sử dụng thông qua mạng xã hội ở Bình Dương, TPHCM, Hòa Bình, Hà Nội…
Đối với công tác chống hàng giả, hàng nhái, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, năm 2020 cũng là năm đầu tiên, Tổng cục QLTT thay đổi cách thức kiểm tra về hàng giả. Thay vì dàn trải như những năm trước, Tổng cục xây dựng kế hoạch tấn công vào những tụ điểm cụ thể, rõ ràng. Nhờ vậy, kế hoạch chống hàng giả, hàng nhái, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đã thu được kết quả tốt hơn những năm trước, kiểm tra 2.868 vụ, vi phạm 2.833 vụ, số tiền xử phạt vi phạm hành chính gần 24 tỷ đồng, trị giá hàng tịch thu trên 26 tỷ đồng.
"Chúng tôi đã phối hợp với các lực lượng chức năng kiểm tra, xử lý 2 trung tâm thương mại bán hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ tại Móng Cái (Quảng Ninh), Trung tâm thương mại Sài Gòn Square, chợ Bến Thành (TPHCM), chợ Ninh Hiệp, quận Hoàn Kiếm, huyện Phú Xuyên, La Phù, Hoài Đức (Hà Nội)... Đặc biệt, có những địa điểm trước đó lực lượng QLTT chưa từng đặt chân đến kiểm tra như kho hàng nhập nội địa tại sân bay Nội Bài, cảng ICD Mỹ Đình hay kho hàng gia công các sản phẩm nhái các thương hiệu nổi tiếng tại huyện Thanh Miện, Hải Dương…", ông Trần Hữu Linh thông tin.
Sang năm 2021, ông Trần Hữu Linh cho biết, Tổng cục QLTT sẽ tập trung triển khai 2 nhiệm vụ chính gồm: Tiếp tục kiểm tra, kiểm soát các hành vi vi phạm thương mại điện tử và triển khai Kế hoạch đấu tranh, phòng chống, xử lý hàng giả, không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.
Tổng cục QLTT đang kiến nghị các cơ quan chức năng xây dựng bộ máy chuyên nghiệp, chuyên môn, chính thức về phòng, chống gian lận thương mại trong chức năng nhiệm vụ của QLTT. Đối với nội bộ, Tổng cục QLTT tiếp tục nâng cao năng lực lượng kiểm soát viên, triển khai tổ chức sát hạch, kiểm tra thường xuyên trình độ kiểm soát viên của lực lượng QLTT.
Dự báo hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả và tình hình dịch bệnh, thiên tai trong năm 2021 sẽ còn diễn biến phức tạp, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An yêu cầu lực lượng QLTT phát triển theo nguyên tắc 6 chữ "vàng": "Chính quy- Chuyên nghiệp – Hiện đại" theo đúng Chiến lược phát triển lực lượng QLTT giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn 2030.
Theo đó, "chính quy" phải tuân thủ đúng quy định, nguyên tắc, chuẩn mực; "hiện đại" là không lạc hậu, ứng dụng công nghệ thông tin; "chuyên nghiệp" là đào tạo lực lượng bài bản.
Thứ trưởng Đặng Hoàng An cũng yêu cầu lực lượng QLTT tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác phối hợp với các lực lượng chức năng trong công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng trong công tác tập huấn, đào tạo, hỗ trợ kiểm tra, xử lý hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ để đạt hiệu quả cao nhất.
Thứ trưởng yêu cầu, đề xuất sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế chính sách liên quan đến công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, bảo đảm tính khả thi và theo sát với tình hình thực tế; tạo thuận lợi cho các lực lượng chức năng trong thực thi nhiệm vụ. Đồng thời, đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, ký cam kết không buôn bán, vận chuyển hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng vi phạm an toàn thực phẩm cho các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động thương mại trên thị trường; tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân đã ký cam kết mà vẫn có hành vi vi phạm.
VGPNews