Khi đứng giữa mùa dịch bệnh hoành hành: Sự lo lắng thái quá còn nguy hại hơn cả virus
Trong những ngày tháng này, cơn đại dịch đang thổi bùng lên khắp nơi sự lo lắng và bất an. Sự sợ hãi, hoảng loạn và căng thẳng đang lây lan nhanh hơn cả loài virus. Chính trong những thời khắc này, bạn càng cần học cách giữ cho mình tỉnh táo và suy nghĩ tích cực để vượt qua khó khăn phía trước.
Phần lớn chúng ta đối diện với tin tức về corona virus trong tâm thế hoang mang sợ hãi. Dịch bệnh là một mối đe dọa mà chúng ta không nắm chắc thông tin: ta không biết mình có bị nhiễm bệnh hay không, không chắc chắn mình đang ủ bệnh, và nếu đã bị nhiễm, chúng ta không chắc chắn mình có được chữa khỏi hay không. Ta lo lắng cho chính mình và những người thân yêu. Ta sợ hãi về tương lai khi nền kinh tế lao dốc, công việc và học tập bị trì trệ, mất đi cơ hội thăng tiến hay phát triển bản thân. Ta ảo não khi mỗi ngày cập nhật toàn những tin tức bi quan, trong khi chưa tìm ra phương án nào tích cực.
Thật không may, tương lai mịt mờ lại là chất xúc tác mạnh nhất cho sự sợ hãi. Vì chúng ta không thể biết chắc chuyện gì sẽ xảy ra, nên chúng ta dễ giả định những trường hợp xấu nhất sẽ đến với mình.
Càng lo lắng và hoang mang, chúng ta càng cảm thấy bất lực, tuyệt vọng, choáng váng và tê liệt. Chìa khóa duy nhất để giải thoát chính mình khỏi những cảm xúc tiêu cực này là bắt tay vào hành động. Bằng việc thực hiện những hành động thiết thực thay vì ngồi suy nghĩ về những tình huống bi quan, chúng ta có thể dập tắt nỗi sợ hãi, đồng thời tìm ra những hướng giải quyết hiệu quả hơn để cải thiện tình hình.
Đứng để bản thân gục ngã vì những nỗi lo lắng bất an trước cả khi bệnh tật tìm đến bạn. Dưới đây là những việc bạn nên làm để duy trì một trạng thái tâm lý tích cực giữa tình hình đại dịch chưa khởi sắc.
1. Tập trung vào những điều bạn đã biết
Một trong những nguyên nhân lớn nhất dẫn đến căng thẳng và lo lắng là khi chúng ta cố giả định những trường hợp xấu sẽ xảy ra. Thực tế là không ai biết chắc được chuyện gì sẽ đến, do đó, đừng phí thời gian để lo nghĩ về những tình cảnh khốn cùng như những bộ phim khoa học viễn tưởng giật gân hay đề ra. Thay vào đó, hãy tập trung vào những điều mà bạn đã biết rõ.
Nếu bạn đang lo lắng không biết mình có bị nhiễm bệnh hay không, hãy tập trung vào việc tìm hiểu những triệu chứng bệnh. Bạn sẽ biết rằng phần lớn bệnh nhân chỉ mắc triệu chứng nhẹ và không nguy hiểm đến tính mạng. Nếu bạn thấp thỏm sợ hãi vì không biết khi nào dịch bệnh mới qua đi, hãy suy nghĩ về việc các quốc gia và giới khoa học đang chung tay nỗ lực để kiểm soát dịch bệnh.
Thu thập cho mình những thông tin đúng đắn là cách hữu hiệu để bạn thoát khỏi những viễn cảnh tiêu cực.
2. Tập trung vào những việc bạn có thể kiểm soát được
Những ngày này và có lẽ trong nhiều ngày tới, mỗi ngày bạn đều sẽ phải nghe các tin tức về số người nhiễm bệnh gia tăng, các quốc gia đóng cửa biên giới, những hoạt động kinh doanh giải trí phải hủy bỏ, những tổn thất về kinh tế - xã hội. Nếu bạn cảm thấy quá ngột ngạt và hoang mang không biết xử lý thế nào, hãy nhớ rằng: bạn không thể ngăn cản những điều ngoài tầm kiểm soát của mình. Do đó, hãy để tâm trí của bạn tập trung vào những điều bạn có khả năng kiếm soát.
Nếu bạn thấy sợ hãi khi buộc phải đến những nơi đông người, đừng mải lo lắng về việc những người khác có đeo khẩu trang hay không, vì đó là điều bạn không thể kiểm soát hết được. Thay vào đó, hãy tập trung vào việc giữ vệ sinh cho bản thân và giảm thiểu tiếp xúc trực tiếp với người khác. Nếu bạn bị áp lực bởi công việc đình trệ, hãy lên danh sách những việc khác bạn có thể làm trong thời gian chờ đợi, như hoàn thành những kế hoạch đang dang dở, tận dụng thời gian học thêm những kỹ năng mà bạn đang muốn học, hay sắp xếp lại những hồ sơ mà bạn đã để ngỏ bấy lâu nay.
Giữ cho tâm trí mình bận rộn với những hoạt động mà bạn có thể kiểm soát được, thay vì mải chạy theo những điều bạn không thể ngăn cản giúp bạn loại đi những căng thẳng không cần thiết.
3. Dành thời gian quan tâm đến những người khác
Thay vì mải lo lắng về bản thân mình, hãy san sẻ sự chú ý của bạn đến những người đang gặp khó khăn vì dịch bệnh. Khi bạn cho đi điều gì đó, bạn đang giải tỏa tâm lý cho chính mình và giúp những người khác thoát khỏi sự bế tắc của họ. Hãy dành thời gian để tâm sự và động viên những người thân yêu cùng vượt qua giai đoạn trắc trở này. Ủng hộ những người đang gặp khó khăn vì dịch bệnh, dù là vật chất hay tinh thần. Dù chúng ta đang phải xa cách vì dịch bệnh, chúng ta vẫn có thể đến gần nhau hơn bằng tình thương và lòng tốt.
4. Hãy giới hạn việc cập nhật tin tức
Trong tình hình dịch bệnh, ai trong chúng ta cũng muốn cập nhật mọi biến động từng giây từng phút. Thế nhưng, đến một mức độ nhất định, việc cập nhật tin tức chỉ khiến bạn ngột ngạt và căng thẳng hơn. Đừng để dịch bệnh xâm chiếm toàn bộ tâm trí và cuộc sống của bạn.
Do đó, hãy giới hạn việc cập nhật tin tức về chủ đề dịch bệnh trong một khoảng thời gian nhất định trong ngày. Ngoài khoảng thời gian đó ra, hãy cố gắng để cuộc sống của bạn diễn ra bình thường, đặc biệt khi bạn đang phải nghỉ học hay nghỉ làm tại gia. Tự tạo cho bản thân những phút thư giãn bình yên trước làn sóng tin tức dồn dập bủa vây mỗi ngày.
5. Hãy giữ niềm hi vọng
Thời khắc này đang rất khó khăn với tất cả chúng ta, cả về thể chất lẫn tinh thần. Thật khó để nhìn thấy một lối ra, khi tình hình vẫn diễn biến thất thường. Chúng ta không biết những ngày tháng này sẽ kéo dài đến bao giờ, nhưng có một điều chúng ta có thể biết chắc rằng chúng ta không tuyệt vọng! Chúng ta đang hành động để kiểm soát và có hi vọng sẽ kiểm soát được tình hình. Và sau khi dịch bệnh đã được đẩy lùi, chúng ta sẽ học được những bài học quý giá về sự kiên cường, lạc quan và hi vọng.
Trí thức trẻ