MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Khi giấc mơ TPP quay về

10-11-2017 - 09:11 AM | Doanh nghiệp

Còn rất nhiều doanh nghiệp khác từng chờ mong TPP sẽ mang lại phép màu cho họ khi TPP được đánh giá sẽ tạo ra bộ quy tắc chung, tiêu chuẩn mới cho thương mại các quốc gia. Giấc mơ của doanh nghiệp Việt một lần nữa lại quay lại khi TPP đã đi qua được một điểm chốt quan trọng khi đạt được thỏa thuận nguyên tắc ở cấp bộ trưởng sau nhiều tháng đàm phán hôm qua.

Giấc mơ TPP một lần nữa quay về với doanh nghiệp Việt khi hôm qua 11 thành viên còn lại của Hiệp định thương mại tự do châu Á – Thái Bình Dương (TPP) đã đạt được một thỏa thuận nguyên tắc ở cấp bộ trưởng sau nhiều tháng đàm phán.

Giấc mơ TPP quay về

"Nhiều doanh nghiệp Việt sẽ "mang chuông đi đánh xứ người" sau TPP", "Doanh nghiệp Việt Nam sẵn sàng tâm thế hội nhập với TPP", "Sẽ có nhiều doanh nghiệp mới hình thành nhờ TPP"…là một trong số ít những tựa đề các bài viết mà truyền thông Việt Nam đăng tải gần 2 năm trước khi những cơ hội từ TPP được doanh nghiệp nhận ra.

TPP như một giấc mơ của nhiều doanh nghiệp Việt trong suốt thời gian dài từ khi hình thành ý tưởng đến khi đàm phán. Nhiều doanh nghiệp Việt thậm chí đã lên kế hoạch kinh doanh cho mình để đón đầu cơ hội từ TPP. Và rôi, giấc mơ vỡ òa khi Mỹ quyết định rút lui khỏi hiệp định. Không có Mỹ, tác động kinh tế của TPP nhỏ hơn rất nhiều. 11 nước còn lại chiếm 13.5% GDP và 15,2% tổng kim ngạch thương mại toàn cầu (con số lần lượt là 38,2% và 26,5% nếu có Mỹ).

Giấc mơ TPP một lần nữa quay về với doanh nghiệp Việt khi hôm qua 11 thành viên TPP đã đạt được thỏa thuận nguyên tắc ở cấp bộ trưởng sau nhiều tháng đàm phán.

Nhiều doanh nghiệp sẽ có thêm cơ hội từ TPP

Theo đánh giá từ các tổ chức và chuyên gia trên thế giới hồi cuối năm 2015, nếu TPP được thông qua, Việt Nam sẽ là quốc gia được hưởng lợi nhất trong 12 nước thành viên (thời điểm này Mỹ chưa rút khỏi TPP). Trong đó, ngành thủy sản, dệt may được nhận định đạt nhiều tác động tích cực nhất.

Ông Nguyễn Văn Thời- Chủ tịch HĐQT CTCP Đầu tư và Thương mại TNG (TNG) là một doanh nghiệp dệt may hàng đầu của Việt Nam từng nhận định: “Hiệp định TPP được ký kết sẽ giúp xuất khẩu dệt may của Việt Nam có thêm một lần cất cánh bay xa. Trong quá khứ, ngành dệt may đã 2 lần được hưởng lợi là khi Việt- Mỹ bình thường hóa quan hệ và xóa bỏ hạn ngạch hàng may mặc nhập khẩu. Việc ký kết TPP sẽ giúp các doanh nghiệp Việt Nam gia tăng đơn hàng do sự dịch chuyển nguồn đầu tư cho dệt may từ các quốc gia không tham gia TPP (như Trung Quốc- hiện là nguồn nhập khẩu dệt may lớn nhất của Hoa Kỳ), sang các nước thuộc TPP để hưởng lợi thuế suất. Cùng với đó, TPP cũng mở ra cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam tăng mạnh thị phần tại các quốc gia Canada, Mexico, Nhật Bản….”

Một doanh nghiệp dệt may khác là Công ty cổ phần Đầu tư Dệt may G.Home (G20) cũng từng chia sẻ: “Nhằm đón đầu các cơ hội lớn khi Việt Nam tham gia ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do với các nước trong khu vực và trên thế giới, mà điển hình là TPP, Công ty không ngừng mở rộng quy mô hoạt động, nâng cao năng lực sản xuất, đặc biệt trong lĩnh vực nguyên phụ liệu vốn là thế mạnh của G20 so với các DNNY khác trên thị trường”.

Chủ tịch Thủy sản Minh Phú (MPC) cũng từng nói, dù con tôm không được hưởng lợi nhiều từ thuế khi TPP được thông qua nhưng TPP vì tôm đã được hưởng thuế suất 0% vào các quốc gia như Mỹ, Canada, Australia đã về 0% từ lâu rồi nhưng TPP sẽ giúp Minh Phú hưởng lợi từ hàng rào phi thuế quan hay còn gọi là hàng rào kỹ thuật. Minh Phú luôn muốn có một sân chơi thực sự công bằng. Hiện tại các hàng rào phi thuế quan có khi khiến giá vốn của Minh Phú bị đội lên tới 20% - cao hơn thuế rất nhiều lần.

Hồi cuối năm 2015, khi hiệp định TPP đang trong vòng đàm phán thì Trisedco đã khởi công xây dựng Nhà máy chế biến thức ăn thủy sản có vốn đầu tư trên 500 tỷ đồng để đón đầu cơ hội từ TPP. “Việc đầu tư nhà máy thức ăn thủy sản quy mô lớn nằm trong chiến lược đầu tư chiều sâu trong lĩnh vực thủy sản của Tập đoàn, đồng thời là một bước tiến trong lộ trình khép kín sản xuất ngành hàng cá tra từ khâu nuôi trồng đến chế biến và tận thu tất cả các sản phẩm phụ để nâng cao chuỗi giá trị hướng đến phát triển bển vững tạo nền tảng vững chắc đón đầu cơ hội kinh doanh khi “cánh cửa” TPP chính thức được mở ra”, Ông Lê Thanh Thuấn – Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Sao Mai (Trisedco là một thành viên của Tập đoàn Sao Mai) chia sẻ.

Còn rất nhiều doanh nghiệp khác từng chờ mong TPP sẽ mang lại phép màu cho họ khi TPP được đánh giá sẽ tạo ra bộ quy tắc chung, tiêu chuẩn mới cho thương mại các quốc gia. Dẫu biết rằng con đường để TPP thành hiện thực vẫn còn dài nhưng giấc mơ của doanh nghiệp Việt một lần nữa lại quay lại khi TPP đã đi qua được một điểm chốt quan trọng khi đạt được thỏa thuận nguyên tắc ở cấp bộ trưởng sau nhiều tháng đàm phán hôm qua.

Phương Chi

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên