Khi “hội cha mẹ” làm… bác sĩ
Thiếu cẩn trọng trong việc tra cứu thông tin sức khỏe hay áp dụng máy móc các phương pháp chăm sóc người bệnh “trôi nổi” có thể dẫn đến hậu quả đáng tiếc.
- 16-04-2017Sai lầm của phụ huynh khi dạy con đối phó những kẻ ấu dâm
- 11-04-2017Cha mẹ nên dạy con kiến thức hay kỹ năng mềm để theo kịp với sự thay đổi chóng mặt của thời công nghệ số?
- 11-04-2017Mối nguy hiểm khi cha mẹ thường xuyên la mắng con
Mạng xã hội và các diễn đàn trong thế giới ảo được nhiều người xem như một quyển “bách khoa toàn thư” với suy nghĩ điều gì không biết, họ có thể hỏi và sẽ nhận được câu trả lời tin cậy. Tuy nhiên, thực tế không đơn giản như vậy.
Tự chẩn bệnh, dễ gặp nạn
Chị Trần Mai Đ. (27 tuổi; ngụ quận 10, TP HCM) đã tham khảo ý kiến của những người bạn trong một hội nhóm các mẹ “bỉm sữa” trên Facebook để chăm sóc con trai gần 2 tuổi hay ho, khò khè bằng đủ loại nước tắc chưng đường, mật ong, nước chanh nóng… Thế nhưng, sau 1 tuần, con trai chị không những không bớt bệnh mà còn khạc ra mủ, hay quấy khóc, chân tay lại ngứa ngáy.
Đến lúc này, chị Đ. mới chịu đưa con vào Bệnh viện (BV) Nhi Đồng 1 (TP HCM). Tại đây, các bác sĩ (BS) cho biết sở dĩ cháu bé ho, khò khè vì có một mẩu nhựa từ đồ chơi trong đường thở đã gây nhiễm trùng. Hơn nữa, cháu lại có triệu chứng dị ứng thức ăn, nghi do loại mật ong chị đã sử dụng.
Không chỉ trẻ nhỏ, những đứa trẻ còn trong bụng mẹ cũng được các bậc phụ huynh chăm chút kỹ lưỡng. Không ít thai phụ đã tự tìm đến nhau trên mạng để bàn về những phương án chăm sóc thiên thần tương lai. Có thể nói những diễn đàn, hội nhóm ấy đã giúp đỡ cả về tinh thần lẫn các phương án chăm sóc thai kỳ cho rất nhiều bà bầu, nhất là những người lần đầu làm mẹ. Thế nhưng, đôi khi họ cũng gặp phải những tai nạn như trường hợp của chị Nguyễn Thị Tr. “Tôi nghe lời một chị bạn ở Hà Nội mua một lọ bổ sung canxi cho thai phụ rất tốt mà không ngờ hàm lượng lại quá cao, nguy hiểm cho người có tiền sử bị sỏi thận như tôi. May là sau đó đi khám thai, được BS giải thích rõ vấn đề nên tôi đã kịp ngừng uống” - chị Tr. kể.
BS Nguyễn Minh Tiến, Phó Giám đốc BV Nhi Đồng TP HCM, lưu ý rằng việc cha mẹ tham khảo ý kiến của bạn bè, ý kiến trên mạng về bệnh này, bệnh kia cho con, sau đó tự mua thuốc cho trẻ uống là không nên. Có 2 tình huống có thể gặp: thứ nhất, mua lầm thuốc vì trẻ không phải mắc loại bệnh mà cha mẹ nghĩ đến; thứ hai, đúng bệnh nhưng loại thuốc dùng cho trẻ lại không phù hợp.
“Không thể thấy con của bạn mình bị bệnh đó, dùng thuốc đó hết bệnh thì con mình cũng có thể dùng. Ngay cả trong BV, những cháu bé bị cùng một bệnh, thậm chí cùng lứa tuổi nhưng BS vẫn phải áp dụng các phương pháp điều trị khác nhau vì còn tùy vào mức độ của bệnh, cơ địa của trẻ, có dị ứng với thứ gì không” - BS Tiến phân tích.
Nên tìm kiếm thông tin chăm sóc sức khỏe từ những nguồn uy tín, ví dụ website chính thức của các bệnh viện. Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Chỉ là thông tin tham khảo
BS Nguyễn Ngọc Thông, Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản TP HCM, cho biết có khá nhiều bệnh nhân ông gặp áp dụng những kinh nghiệm truyền miệng hay từ bạn bè trên mạng để chăm sóc thai kỳ. Tuy nhiên, chỉ nên xem đó là một nguồn thông tin tham khảo, đừng quá lo lắng để rồi đọc gì cũng thấy bệnh, cũng không nên chủ quan áp dụng kinh nghiệm của người khác cho bản thân mình.
Cùng quan điểm, BS Nguyễn Minh Tiến cho rằng ngay cả những bài viết của các BS đăng tải trên những website chính thức của các BV uy tín cũng chỉ có thể bao quát được 80%-90% căn bệnh mà họ phản ánh. Bởi lẽ, trong y khoa luôn có những trường hợp ngoại lệ. Ngoài ra, phải hiểu rằng người viết muốn cung cấp những kiến thức ấy nhằm để mọi người nhận biết sơ lược về bệnh, biết cách giúp bệnh nhân - đặc biệt là bệnh nhi - có chế độ dinh dưỡng, nghỉ ngơi hợp lý khi mắc bệnh, biết cách theo dõi và chăm sóc người bệnh tại nhà, biết khi nào thì cần đưa bệnh nhân nhập viện, dấu hiệu nào cho thấy bệnh trở nặng nguy hiểm cần được đưa đi cấp cứu… Nếu nghĩ rằng những kiến thức ấy có thể giúp tự chữa được bệnh thì hoàn toàn sai lầm.
Theo BS Nguyễn Ngọc Thông, nếu thực sự thứ bạn cần chỉ là thông tin và cảm thấy cần hỏi ai đó tin cậy thì có thể nhờ đến dịch vụ tư vấn từ các BV, trung tâm y tế chứ đừng nghĩ BV chỉ là nơi khám chữa bệnh đơn thuần. Với riêng đối tượng là thai phụ, họ thường rất mong mỏi dành những gì tốt nhất cho con từ trong bụng mẹ nên dễ tìm đến các thông tin truyền miệng lợi bất cập hại. Vì vậy, để bảo đảm an toàn, trước khi dùng một loại thực phẩm, thuốc bổ hay áp dụng phương pháp chăm sóc thai nào, thai phụ nên thông báo cho BS đang theo dõi thai kỳ của mình để nhận được lời khuyên cần thiết.
Nên tìm các nguồn thông tin uy tín
BS Nguyễn Minh Tiến cho rằng việc tra cứu thông tin trên mạng đôi khi rất hữu ích nhưng tốt nhất nên tìm đến các nguồn uy tín, như website chính thức của các đơn vị y tế. Một số website của các BV còn có mục tư vấn, phụ huynh có thể gửi câu hỏi để được BS trả lời trực tiếp hoặc tham khảo phần trả lời dành cho người có thắc mắc tương tự.
BS Nguyễn Ngọc Thông khuyên những bài viết về sức khỏe trên các tờ báo cũng là nguồn tham khảo tốt. Thế nhưng, nhất thiết phải xem kỹ những phát ngôn trong đó là từ BS nào, đơn vị nào; nên tránh những lời khuyên mập mờ, không rõ nguồn.
Theo Người Lao Động