MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Khi nào được cầm cố sổ tiết kiệm để vay vốn trả nợ ngân hàng?

21-03-2017 - 09:29 AM | Tài chính - ngân hàng

Ngân hàng nhà nước vừa công văn giải đáp các câu hỏi liên quan đến quy định tại Thông tư số 39/NHNN về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng. Chúng tôi xin trích một số nội dung mà nhiều bạn đọc quan tâm.

Trường hợp khách hàng có khoản vay tại tổ chức tín dụng đến hạn nhưng sổ tiết kiệm chưa đến hạn rút, khách hàng muốn cầm cố sổ tiết kiệm để vay vốn trả nợ tổ chức tín dụng có được không?

- Theo quy định tại Bộ luật dân sự 2015, thì việc cầm cố sổ tiết kiệm để vay vốn là một biện pháp bảo đảm tiền vay. Do đó, theo quy định tại khoản 5 và khoản 6 Điều 8 Thông tư 39, tổ chức tín dụng không được cho vay đối với khách hàng cầm cố sổ tiết kiệm vay vốn để trả nợ khoản vay đến hạn tại tổ chức tín dụng.

Trong trường hợp vay cầm cố sổ tiết kiệm thì khách hàng có cần cung cấp tài liệu chứng minh?

- Theo quy định tại Bộ luật dân sự 2015, thì việc cầm cố sổ tiết kiệm để vay vốn là một biện pháp bảo đảm tiền vay. Do đó, theo quy định tại Thông tư 39, khách hàng vay đều phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện vay vốn và phải cung cấp cho TCTD các tài liệu chứng minh đủ điều kiện vay vốn, kể cả cho vay cầm cố sổ tiết kiệm.

Việc cho vay phục vụ nhu cầu đời sống có bao gồm việc cho vay để chứng minh khả năng tài chính khi làm thủ tục du học, chữa bệnh ở nước ngoài?

- Nhu cầu vay vốn để chứng minh khả năng tài chính khi làm thủ tục du học, chữa bệnh ở nước ngoài là nhu cầu vay vốn để gửi tiền tại tổ chức tín dụng nhằm chứng minh khả năng tài chính, không phải là nhu cầu vay vốn cho việc du học, chữa bệnh ở nước ngoài nên không phải là nhu cầu vay vốn phục vụ đời sống theo quy định tại Thông tư 39.

Quy định về cho vay theo hạn mức thấu chi trên tài khoản thanh toán có cho phép khách hàng sử dụng hạn mức thấu chi dưới hình thức rút tiền mặt thông qua thẻ ghi nợ tại Thông tư 19?

- Theo quy định tại khoản 2 Điều 15 Thông tư số 19/2016/TT-NHNN ngày 30/6/2016, thì việc cho vay theo hạn mức thấu chi đối với thẻ ghi nợ thực hiện theo quy định hiện hành của pháp luật và của Ngân hàng Nhà nước về cho vay. Theo đó, việc cho vay theo hạn mức thấu chi đối với thẻ ghi nợ thực hiện theo quy định tại Thông tư 39. Vì vậy, khách hàng không được sử dụng hạn mức thấu chi dưới hình thức rút tiền mặt thông qua thẻ ghi nợ.

Trường hợp khoản vay được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, TCTD có thể áp dụng lãi suất phạt chậm trả đối với dư nợ gốc, nợ lãi tiền vay trong thời gian được gia hạn?

- Theo quy định tại điểm b khoản 4 Điều 13 Thông tư 39, trường hợp khi đến hạn thanh toán mà khách hàng không trả đúng hạn tiền lãi theo thỏa thuận thì khách hàng phải trả lãi chậm trả theo mức lãi suất do tổ chức tín dụng và khách hàng thỏa thuận, nhưng không vượt quá 10%/năm tính trên số dư lãi chậm trả tương ứng với thời gian chậm trả. Như vậy, khi khách hàng không trả đúng hạn tiền lãi, kể cả trường hợp khoản vay được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, thì tổ chức tín dụng có thể thỏa thuận với khách hàng áp dụng lãi suất chậm trả đối với số dư lãi chậm trả nhưng không vượt quá 10%/năm.

Theo quy định tại điểm c khoản 4 Điều 13 Thông tư 39, tổ chức tín dụng áp dụng lãi suất nợ quá hạn đối với số dư nợ gốc bị quá hạn do khách hàng không trả được nợ đúng hạn theo thỏa thuận và không được tổ chức tín dụng cơ cấu lại thời hạn trả nợ. Như vậy, trường hợp được gia hạn nợ, tổ chức tín dụng không áp dụng lãi suất nợ quá hạn đối với dư nợ gốc được gia hạn nợ trong thời gian được gia hạn nợ.

Theo H.M

Lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên