MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Khi nào giá xăng dầu có thể về 22.000 đồng/lít?

22-07-2022 - 13:52 PM | Thị trường

Khi nào giá xăng dầu có thể về 22.000 đồng/lít?

"Chỉ khi giá xăng dầu khoảng 22.000 đồng/lít thì doanh nghiệp mới có thể chịu đựng được và không ai bình ổn giá xăng dầu bằng số tiền “tạm mượn” của người dân"...

Từ 15h chiều 21/7, Liên Bộ Công Thương - Tài chính thực hiện điều chỉnh giá xăng dầu , theo đó, xăng E5RON92 giảm 2.710 đồng/lít, xăng RON95 giảm 3.600 đồng/lít. Như vậy, giá xăng đã giảm về mức hơn 25.000 đồng một lít, đây là mức giảm rất mạnh trong thời gian vừa qua.

Khi nào giá xăng dầu có thể về 22.000 đồng/lít? - Ảnh 1.

Nếu cơ quan quản lý không trích lập Quỹ bình ổn giá, thì trong phiên điều chỉnh ngày 21/7, dự báo giá xăng dầu trong nước có thể giảm mạnh hơn

Giá các mặt hàng dầu cũng đồng loạt giảm. Dầu diesel là 24.850 đồng một lít, giảm 1.740 đồng. Dầu hỏa có mức giá mới là 25.240 đồng, giảm 1.100 đồng.

Dữ liệu từ Bộ Công Thương cho thấy, giá xăng dầu thành phẩm trên thị trường Singapore cập nhật đến gần đây tiếp tục giảm mạnh so với kỳ trước. Cụ thể, bình quân mỗi thùng xăng RON 92 (loại dùng pha chế xăng E5 RON 92) là 112,7 USD/thùng; mỗi thùng xăng RON 95 là 117,4 USD. Các loại dầu cũng cùng xu hướng giảm.

Hiện trước những diễn biến bất thường của giá xăng dầu thế giới và trong nước thời gian qua, Chính phủ đã đốc thúc các Bộ Công Thương, Tài chính lên phương án giảm thuế phí trong xăng dầu, đồng thời ngăn chặn tình trạng găm hàng, buôn lậu xăng dầu. Từ tháng 4 đến nay, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã 2 lần cho phép giảm thuế bảo vệ môi trường trong xăng dầu, tổng mức giảm tối đa 3.000 đồng/lít xăng dầu nhằm giảm áp lực tăng giá xăng dầu, hỗ trợ sản xuất, kinh doanh của người dân, doanh nghiệp.

Bộ Tài chính đã và đang đề xuất Chính phủ, Quốc hội giảm thuế suất ưu đãi nhập khẩu xăng dầu MFN từ 20% xuống 10%; đồng thời kiến nghị các phương án giảm thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng nhằm giảm giá xăng dầu đến tay người tiêu dùng. Các phương án đã và đang được Chính phủ xem xét quyết định. Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng lấy ý kiến góp ý đối với dự thảo Luật Giá (sửa đổi), với đề xuất bỏ các quy định về lập và sử dụng Quỹ bình ổn giá, trong đó có quỹ bình ổn giá xăng dầu.

“Hạ nhiệt” giá xăng, dầu: Giảm thuế 1.000 đồng, nhưng thu lại quỹ 950 đồng

Theo đánh giá, nếu cơ quan quản lý không trích lập Quỹ Bình ổn giá, thì trong phiên điều chỉnh ngày 21/7, dự báo giá xăng dầu trong nước có thể giảm mạnh hơn.Tuy nhiên, cơ quan điều hành đã quyết định trích mỗi lít xăng 950 đồng vào quỹ. Dầu diesel trích lập 550 đồng một lít, dầu hỏa 700 đồng và dầu mazut trích 950 đồng một kg.

PGS. TS. Phạm Thế Anh, chuyên gia kinh tế đánh giá, giảm thuế bảo vệ môi trường từ 500 - 1.000 đồng/lít, nhưng số tiền trích thu cho Quỹ bình ổn giá vẫn từ 550 - 950 đồng/lít, nghĩa là tương đương mức giảm thuế bảo vệ môi trường. Số tiền trích lập Quỹ bình ổn giá gián tiếp qua doanh nghiệp xăng dầu, đối tượng cuối cùng phải “cõng” vẫn là người tiêu dùng. Điều này không khác gì điều hành xăng dầu theo kiểu “tay phải thả ra, tay trái thu lại”.

Về vấn đề này, chia sẻ với Diễn đàn Doanh nghiệp, chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú cũng cho biết, qua nghiên cứu ở các nước, họ không bình ổn giá xăng dầu bằng số tiền “tạm mượn” của người dân. Mà các nước xây dựng nhiều kho dự trữ bằng hiện vật, khi giá dầu chỉ có mấy chục USD thì mua vào, giá xăng dầu tăng cao sẽ lấy ra để hoà lại bình quân gia quyền.

Chúng ta phải nhìn nhận dự trữ xăng dầu cũng như dự trữ lúa gạo chiến lược. Do đó, nên bỏ quỹ bình ổn bằng tiền để thay bằng quỹ bình ổn hiện vật. Xây dựng kho dự trữ để chờ thời cơ giải quyết bài toán bình ổn. Vì khâu sản xuất xăng dầu trong nước mới đảm nhận được 50-60%, Nhà máy lọc hoá dầu Nghi Sơn còn đang “rắc rối”, Dung Quất mới đạt 30-40%. Cho nên, về lâu dài chúng ta phải chủ động xăng dầu như vấn đề lương thực.

“Theo tôi giá xăng dầu chỉ khoảng 22.000 đồng/lít thì doanh nghiệp mới chịu đựng được, sức sống mới trở lại. Chúng ta đừng nhìn vào hụt thu ngân sách mấy chục nghìn tỷ đồng mà không giảm các sắc thuế đối với xăng dầu. Sau này, khi doanh nghiệp hồi phục trở lại sẽ còn cơ hội nộp ngân sách nhiều hơn tiền giảm thuế phí”, vị chuyên gia nói.

Trao đổi với phóng viên, PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia tài chính cho rằng, để tiến tới bỏ quỹ bình ổn giá xăng dầu chúng ta cần làm được hai việc sau:

Thứ nhất, là phải xây dựng được thị trường xăng dầu thực thụ, các đầu mối được nhập khẩu trực tiếp nhanh chóng đa dạng từ thị trường thế giới, họ có quyền đăng ký kinh doanh trong nước một cách tương đối dễ dàng, kể cả các nhà đầu tư nước ngoài cũng được phép đầu tư kinh doanh nhập khẩu, bán lẻ...

Thứ hai, chúng ta phải có một kho dự trữ xăng dầu tương đối lớn và Nhà nước có đủ tiềm lực dự trữ xăng dầu, để dùng xăng dầu đó điều chỉnh giá cả thị trường, khi đó, chúng ta có thể bỏ Quỹ bình ổn và bỏ luôn chi phí sản xuất kinh doanh định mức cho các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu.

Theo Diễm Ngọc

Diễn đàn doanh nghiệp

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên