Khi nào Quảng Ninh trở thành cửa ngõ trung chuyển vận tải đa phương thức?
Quảng Ninh có đầy đủ 5 loại hình vận tải để phát triển logistics, tuy vậy đầu tư về cảng biển lại chưa tương xứng với hệ thống đường bộ, hàng không đã có sự chuyển biến mạnh mẽ trong thời gian qua.
- 17-03-2023Đà Nẵng chi 400 tỷ đồng 'tân trang' sông Hàn
- 17-03-2023Tăng cường công tác quản lý thuế, chống thất thu thuế
- 17-03-2023Mục tiêu 'khủng' của tập đoàn nộp ngân sách lớn nhất Quảng Nam
Sở hữu nhiều tiềm năng nhưng chưa thể bứt phá trong phát triển dịch vụ logistics - lĩnh vực được ví như “mạch máu” của nền kinh tế, tỉnh Quảng Ninh đang nỗ lực nhận diện và tháo gỡ những “nút thắt”, hướng đến mục tiêu trở thành trung tâm logistics vươn tầm khu vực.
Năm 2022, cảng Cái Lân của Quảng Ninh thu hút 2 hãng tàu container lớn của thế giới là Maersk Line và SITC đến khai thác, làm hàng. Đây là tín hiệu tích cực đối với cảng biển địa phương. Tuy vậy, tần suất đón tàu mới chỉ là 1 chuyến/tuần. Cái Lân vốn là cảng nước sâu được đầu tư để giao nhận hàng container, có khả năng đón tàu có tải trọng đến 6.000 TEU nhưng hiện nay, hàng xuất nhập khẩu chủ yếu tại đây vẫn là hàng rời (dăm gỗ, viên nén gỗ, thức ăn gia súc…).
Cảng biển và dịch vụ cảng biển chưa được khai thác hiệu quả là một trong những hạn chế lớn của Quảng Ninh. Trong khi đó, địa phương này sở hữu những lợi thế như đường bờ biển 250km, mặt biển 6.000km2, nhiều cảng nước sâu ít bồi lắng...
Quảng Ninh sở hữu những lợi thế vượt trội để phát triển logistics đa phương thức, đặc biệt là dịch vụ cảng biển.
Ông Lê Quang Trung, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC) cho rằng, hạ tầng cảng biển Quảng Ninh hiện “vừa thừa, vừa thiếu”, bởi nhiều bến tổng hợp, thiếu bến container, nhiều nhà đầu tư tham gia vận hành khai thác dẫn đến khó quản lý và cạnh tranh gay gắt, giá bốc xếp khá rẻ nhưng thiếu những trung tâm logistics xứng tầm để phục vụ hoạt động thương mại biên giới.
“Tại sao ở thời điểm này số lượng container vẫn còn ít? Vấn đề chi phí logistics và nguồn hàng là 2 vấn đề cốt tử. Quảng Ninh nên cố gắng mở rộng vùng hấp dẫn, như phát triển các khu công nghiệp. Dù đã làm rất nhiều, nhưng có lẽ Quảng Ninh cần làm nhiều hơn để có nguồn hàng ổn định cho các hệ thống cảng biển”, ông Trung phân tích.
Năm 2022, khi tuyến cao tốc xuyên tỉnh dài 176 Km được hoàn thành, Quảng Ninh đã góp phần hoàn thiện tuyến hành lang Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Hạ Long - Vân Đồn - Móng Cái, tiếp tục khẳng định vị trí địa chính trị đặc biệt của mình trong liên kết chặt chẽ các cực tăng trưởng phía Bắc, cầu nối thương mại giữa Việt Nam, Trung Quốc và các nước trong khu vực. Đã có nhiều dự án hạ tầng cảng biển được ưu tiên huy động các nguồn lực để đầu tư như Bến cảng tổng hợp Vạn Ninh giai đoạn 1 (TP Móng Cái) với tổng mức đầu tư trên 2.200 tỷ đồng, Cảng cao cấp Ao Tiên (huyện Vân Đồn), Nhà máy điện khí LNG (TP Cẩm Phả) có hợp phần cảng biển…
Cơ hội mới từ cảng biển Quảng Ninh
Ông Bùi Văn Quỳ, Phó Tổng Giám đốc Tân Cảng Sài Gòn khẳng định, đơn vị sẽ ưu tiên Quảng Ninh khi nghiên cứu cơ hội đầu tư. Bởi so về giá cả và giảm rủi ro khi cửa khẩu bị ùn tắc, phương án tối ưu sẽ là vận tải đa phương thức bằng đường biển từ các cảng ở khu vực phía Nam tới cảng của Quảng Ninh, trung chuyển bằng đường bộ tới các cảng cạn khu vực mậu biên và chuyển sang kết nối đường sắt vào các địa phương sâu trong nội địa Trung Quốc.
Bà Trần Thị Huyền, Quản lý kinh doanh cấp cao tổ hợp khu công nghiệp DEEP C – nhà đầu tư 2 khu công nghiệp tại khu kinh tế ven biển Quảng Yên (Quảng Ninh) cho biết, đơn vị đã dành gần 550 ha (tương đương 30% tổng quỹ đất) để phục vụ logistics và cảng biển. “Đơn vị mong muốn tại khu vực sông Chanh sẽ có những cảng tổng hợp, để các DN sản xuất trong khu vực có thể sử dụng trực tiếp. Thay vì đi 30-40 phút, chỉ cần 5 phút là có thể xuất hàng đi quốc tế. Nơi đây sẽ có những bến cảng hàng tổng hợp dự kiến cho tàu khoảng 50.000 tấn”, bà Huyền đề xuất.
Quảng Ninh hiện có 5 khu kinh tế, 16 khu công nghiệp, tỷ lệ lấp đầy 42% và đang tăng lên, dự báo nhu cầu vận chuyển hàng hoá sẽ tăng mạnh. Nhiều nhà đầu tư thứ cấp, DN sản xuất đòi hỏi địa phương cần tiếp tục hoàn thiện đồng bộ cơ sở hạ tầng, không chỉ cung cấp dịch vụ truyền thống như lưu trữ, vận chuyển, đóng gói và phân phối mà còn mở rộng đến nghiên cứu, dự báo thị trường, tư vấn logistics, hình thành các chuỗi logistics chuyên sâu, dịch vụ chất lượng cao với chi phí phù hợp...
PGS.TS Hồ Thị Thu Hoà, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển logistics Việt Nam cho rằng, Quảng Ninh cần phải có sự nhìn nhận chuẩn xác và dồn nguồn lực để tận dụng những lợi thế riêng. Bởi thế mạnh của Quảng Ninh đó là logistics cho thương mại điện tử và logistics xuyên biên giới, không chỉ Việt Nam mà thậm chí là luồng hàng từ Lào, Thái Lan, Campuchia…
“Đi sau không có nghĩa là không có gì để thực hiện, cần tìm được ngách của thị trường để tham gia vào. Quảng Ninh trong giai đoạn hiện tại có thể chú trọng đến những tuyến vận tải biển ở phạm vi nội địa, như hàng hoá nông sản ở ĐBSCL, những tuyến phục vụ cho khu vực ASEAN; hợp tác với Hải Phòng để đa dạng hoá dịch vụ cung cấp cho chủ hàng”, bà Huyền khuyến nghị.
5 bản ghi nhớ hợp tác được ký kết giữa tỉnh Quảng Ninh, các Hiệp hội, DN lớn về xây dựng đề án, hạ tầng, chuyển đổi số, đào tạo nhân lực trong logistics… kỳ vọng bứt phá về logistics trong tương lai gần.
Tại Hội nghị phát triển dịch vụ logistics Quảng Ninh diễn ra gần đây, ông Cao Tường Huy, Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh khẳng định, địa phương sẽ xây dựng Đề án “Phát triển dịch vụ logistics của tỉnh đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2045”, đồng thời tập trung vào 7 nhóm giải pháp trọng tâm, từ cơ chế chính sách tới cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực, cải cách hành chính, thu hút đầu tư…
“Quảng Ninh sẽ ban hành kế hoạch phát triển logistics năm 2023. Đối với cơ chế chính sách sẽ xây dựng 2 Đề án, thí điểm các cơ chế, chính sách triển khai khu hợp tác kinh tế qua biên giới Móng Cái (Việt Nam) - Đông Hưng (Trung Quốc). Đồng thời thí điểm cơ chế, chính sách phát triển khu kinh tế Vân Đồn, hướng tới trở thành điểm trung chuyển cho Đông Nam Á đưa Quảng Ninh phát triển bằng tư duy mở, cơ chế vượt trội”, ông Huy cho biết.
Trong tương lai không xa, Quảng Ninh sẽ có 6 trung tâm logistics lớn ứng dụng công nghệ hiện đại trong quản trị và phát triển logistics gắn với phát triển kinh tế biển, quan tâm thu hút các nhà đầu tư, các DN uy tín, phát triển nguồn nhân lực kinh doanh logistics nội địa và quốc tế có chất lượng cao, đáp ứng khả năng chuyển đổi số, kinh tế số…
Định hướng phát triển của Quảng Ninh là trở thành trung tâm logistics, cửa ngõ trung chuyển vận tải đa phương thức kết nối với Trung Quốc, Bắc Á và ASEAN; sân bay Vân Đồn trở thành 1 trung tâm logistics của Việt Nam, hướng tới là điểm trung chuyển cho khu vực Đông Nam Á.
VOV