MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Khi nào trạm BOT phải dừng thu phí?

29-10-2018 - 11:37 AM | Xã hội

Sau cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, Tổng cục Đường bộ VN vừa quyết định tạm dừng thu phí trạm BOT Bắc Bình Định vì không kịp thời sửa đường hư hỏng.

Vậy, tiêu chí nào để dừng thu phí dự án? Chúng tôi đã phỏng vấn ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ VN xung quanh vấn đề này.

Dự án BOT hư hỏng thế nào thì phải dừng thu phí?

Dù đã có nhiều tuyến đường bị dừng thu phí do chậm sửa chữa hư hỏng, tuy nhiên dư luận vẫn hiểu khá mập mờ về tiêu chí và các căn cứ để dừng thu phí. Vậy, tổng cục căn cứ vào tiêu chí nào để dừng thu phí dự án, thưa ông?

Mức độ xuống cấp hư hỏng của công trình có nhiều cấp. Đối với đường bộ, mức độ hư hỏng các loại mặt đường quy định trong Tiêu chuẩn TCN211-06 gồm nhẹ, vừa, nặng và rất nặng.

Trong đó, mức nặng trở lên ảnh hưởng đến an toàn và tốc độ. Còn mức vừa và nhẹ thể hiện dấu hiệu đã xuống cấp, một số bộ phận có dấu hiệu hư hỏng bắt đầu có ảnh hưởng tới giao thông như: giảm độ nhám mặt đường.

Ngoài ra, Tiêu chuẩn 07-2013 quy định mặt đường có 4 mức hư hại xuống cấp để đánh giá. Vấn đề này cũng quy định trong các Thông tư 49/2016 quy định về xây dựng, tổ chức và hoạt động của trạm thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ và Thông tư 37/2018 của Bộ GTVT quy định về quản lý, vận hành khai thác và bảo trì công trình đường bộ.

Khi nào trạm BOT phải dừng thu phí? - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ VN

Ông có thể nói cụ thể về mức độ như thế nào thì phải dừng thu phí?

Điều 11, Thông tư 49 quy định cụ thể các trường hợp dừng thu phí như: DN dự án, nhà đầu tư vi phạm chất lượng bảo trì công trình đường bộ được quy định trong Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này. Thời gian tạm dừng thu được tính từ khi có quyết định dừng cho đến khi DN dự án, nhà đầu tư khắc phục xong, nhưng không ít hơn 1 ngày. Chất lượng hư hỏng, xuống cấp thuộc các trường hợp sau phải tạm dừng thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ để khắc phục:

"Sau bài học dừng thu phí ở trạm thu phí dự án BOT Bắc Bình Định chắc chắn các nhà đầu tư sẽ tự giác chấp hành sửa chữa các hư hỏng. Tổng cục sẽ tăng cường tuyên truyền phổ biến pháp luật về bảo trì, ATGT, về dừng thu phí. Đồng thời, cũng tăng cường kiểm tra, đôn đốc sửa chữa, đánh giá chất lượng và xử lý khi vi phạm".

Ông Nguyễn Văn Huyện

Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ VN

Đối với quốc lộ: Tuyến đường có từ 20% chiều dài trở lên có hằn lún vệt bánh xe, trong đó vị trí lún sâu lớn hơn hoặc bằng 2,5cm; tuyến đường có tổng chiều dài các vệt lún sâu lớn hơn hoặc bằng 2,5cm trên 500m, trong đó có một, một số vị trí lún sâu lớn hơn hoặc bằng 5cm; tuyến đường có tổng chiều dài các vệt lún sâu lớn hơn hoặc bằng 5cm trên 200m.

Đối với đường cao tốc: Tuyến đường có từ 10% chiều dài trở lên có vệt hằn lún, trong đó vị trí lún sâu lớn hơn hoặc bằng 2,5cm; tuyến đường có tổng chiều dài các vệt lún sâu lớn hơn hoặc bằng 2,5cm trên 200m, trong đó có một, một số vị trí lún sâu lớn hơn hoặc bằng 5cm; tuyến đường có tổng chiều dài các vệt lún sâu lớn hơn hoặc bằng 5cm trên 100m.

Trên hệ thống quốc lộ, nhà đầu tư, DN dự án để xảy ra bị hư hỏng mặt đường như: Ổ gà, sình lún, rạn nứt mai rùa mức độ nặng (mức H theo TCCS 07:2013 của Tổng cục Đường bộ VN gây ảnh hưởng đến giao thông trên tuyến). Đối với cao tốc, để xảy ra hư hỏng mà không khắc phục kịp thời theo yêu cầu tại TCCS 17:2016 của Tổng cục Đường bộ VN.

Ngoài các vi phạm nêu trên, các hư hỏng, xuống cấp khác về sơn kẻ trên mặt đường; hư hỏng cầu; hệ thống thoát nước mặt đường, cống, rãnh; hệ thống biển báo, cọc tiêu, hộ lan; công tác phát quang cây cối, cắt cỏ; lề đường theo mức độ đã quy định phải tạm dừng thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ để khắc phục.

Bên cạnh đó, DN dự án, nhà đầu tư, đơn vị thu giá để xảy ra các tình huống có nguy cơ mất ATGT, ùn tắc kéo dài trên tuyến đường, đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền yêu cầu khắc phục 2 lần bằng văn bản (mỗi lần yêu cầu bằng văn bản cách nhau không dưới 5 ngày) nhưng không khắc phục hoặc chậm khắc phục. Thời gian tạm dừng thu tối thiểu 1 ngày.

Khi nào trạm BOT phải dừng thu phí? - Ảnh 3.

Công nhân sửa chữa hư hỏng mặt đường dự án BOT Bắc Bình Định - Ảnh: Ngân Hà

Thêm nhiều chế tài xử phạt

Quy trình dừng thu phí dự án được thực hiện như thế nào? Từ khi đường xuất hiện hư hỏng đến khi tổng cục yêu cầu sửa thì trong thời gian bao nhiêu ngày nhà đầu tư không sửa chữa xong mới dừng thu phí, thưa ông?

Thẩm quyền dừng thu phí dự án PPP Bộ GTVT đã giao cho Tổng cục Đường bộ VN. Tổng cục phân công các Cục Quản lý đường bộ khu vực kiểm tra theo dõi các tuyến đường BOT đã khai thác. Khi phát hiện hư hỏng, Chi cục Quản lý đường bộ, các Cục Quản lý đường bộ đề nghị nhà đầu tư sửa. Sau khi các đơn vị này kiểm tra lại, nếu chưa đáp ứng thì yêu cầu sửa lại. Khi đường xảy ra hư hỏng, đa phần các nhà đầu tư BOT chấp hành tốt. Tuy nhiên, cũng có nhà đầu tư BOT chưa thực hiện nghiêm, việc sửa không triệt để, kéo dài. Tình trạng đến mức mất ATGT tổng cục buộc phải dừng thu phí. Tất nhiên, khi xem xét, các cơ quan cũng tính đến yếu tố khách quan như: Mưa liên tục đường ngậm nước chưa sửa triệt để được.

Một số vi phạm khác cũng có thể bị xem xét dừng thu phí như: Đơn vị thu phí có các hành vi gian lận phí hoặc thông đồng gian lận trong hoạt động thu phí hay can thiệp vào hệ thống công nghệ thu, hệ thống giám sát, quản lý thu phí và báo cáo sai doanh thu nhằm gian lận doanh thu. Thời gian tạm dừng cho đến khi khắc phục xong hậu quả của lỗi vi phạm; Đơn vị thu phí không nâng cấp hệ thống công nghệ thu hoặc lắp đặt thiết bị, phần mềm quản lý, giám sát dữ liệu thu vào hệ thống công nghệ quản lý thu. Hoặc khi hệ thống công nghệ, thiết bị phục vụ trực tiếp cho việc thu phí bị hư hỏng, trục trặc không được khắc phục kịp thời.

Nhà đầu tư sửa chữa khắc phục các hư hỏng mất ATGT, khôi phục lại tình trạng công trình theo công năng thiết kế bảo đảm khai thác an toàn thì được thu phí trở lại. Tiêu chí sửa chữa đã có ở các tiêu chuẩn Việt Nam và tiêu chuẩn của ngành GTVT.Việc kiểm tra đánh giá quá trình sửa chữa của nhà đầu tư được thực hiện thế nào, nhà đầu tư sửa chữa phải đảm bảo những tiêu chí gì mới được thu phí trở lại. Chi phí sửa chữa do bị dừng thu phí được tính toán thế nào. Chi phí này có  tính vào phương án tài chính của dự án, có điều chỉnh thời gian thu phí hay không?

Thời gian dừng thu phí do lỗi của chủ đầu tư không được tính vào phương án tài chính nhưng nếu dừng thu phí trong các điều kiện Nhà nước trưng thu, trưng dụng, do yêu cầu khách quan bất khả kháng như gặp siêu bão, lụt lội thì xem xét để bù thời gian thu phí vào hợp đồng.

Được biết hàng năm tổng cục đều thỏa thuận kinh phí bảo trì dự án cho các nhà đầu tư BOT cho các nhà đầu tư. Vậy, đối với các nhà đầu tư để đường hỏng không sửa chữa kịp thời sẽ bị xử lý thế nào ngoài việc dừng thu phí?

Ngoài hư hỏng công trình không sửa bị dừng thu phí, Nhà nước còn các chế tài khác như xử phạt hành chính theo Nghị định về xử phạt hành chính trong xây dựng. Ngoài ra, nếu có vi phạm về lĩnh vực đường bộ như là xe quá tải, lấn chiếm sử dụng hành lang, công trình đường bộ thì xử lý theo Nghị định 46 về xử phạt hành chính trong lĩnh vực đường bộ.

Cảm ơn ông!

Theo Trần Duy ( ghi)

Báo Giao thông

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên