Khi ngân hàng cạn ''room'' tín dụng...
Theo giới quan sát, tình trạng cạn ''room'' tín dụng tại nhiều ngân hàng trong những tuần gần đây dẫn đến nhiều vấn đề liên quan đến thanh khoản, lãi suất liên ngân hàng, tỷ giá và khả năng sinh lời.
- 06-06-2022Ngân hàng ''thừa tiền'' vì hết ''room'' tín dụng?
- 31-05-2022Ngân hàng vẫn chưa được cấp thêm room, tăng trưởng tín dụng bắt đầu hạ nhiệt
- 27-05-2022Tăng trưởng tín dụng đến 20/5 đạt 7,66%, gấp đôi cùng kỳ 2021
Ngay từ đầu năm, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng lần đầu cho các ngân hàng. Tuy nhiên, một số nhà băng đã tiệm cận hạn mức tín dụng được cấp ngay khi kết thúc quý I. Tình trạng cạn ''room'' càng diễn ra phổ biến hơn trong những tuần gần đây và dẫn đến một loạt hệ quả liên quan.
Số liệu của NHNN cho thấy, tốc độ tăng của tín dụng đã có phần chậm lại trong hai tháng trở lại đây khi chỉ mở rộng thêm 1,78 điểm %, ít hơn nhiều so với mức tăng 5,97% của quý I.
SSI Research cho rằng, nguyên nhân của tình trạng này một phần là do thị trường trái phiếu doanh nghiệp đang trong giai đoạn chững lại (giao dịch trái phiếu doanh nghiệp được tính trong tăng trưởng tín dụng). Một phần khác, tăng trưởng tín dụng tại hầu hết các ngân hàng lớn đã gần chạm mức trần tín dụng mà NHNN đặt ra đầu năm, và do vậy giải ngân tín dụng mới sẽ được các ngân hàng cân nhắc hơn.
Không thể đẩy tín dụng ra thêm khiến thanh khoản hệ thống ngân hàng trở nên dồi dào hơn nhiều so với giai đoạn trước. Theo Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), số dư của hệ thống ngân hàng trên tài khoản thanh toán liên ngân hàng (CITAD) tại NHNN đến ngày 24/5 đạt 342 nghìn tỷ đồng. Diễn biến này đi cùng số dư tiền gửi của Kho bạc Nhà nước tại các ngân hàng quốc doanh cũng duy trì mức cao khoảng 118 nghìn tỷ đồng, đã hỗ trợ thanh khoản VNĐ của hệ thống và khiến lãi suất VND trên liên ngân hàng ở các kỳ hạn ngắn, vốn là kỳ hạn mà hầu hết các giao dịch liên ngân hàng diễn ra, giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 4/2021 tới nay.
Số liệu của NHNN cho thấy, lãi suất VND bình quân liên ngân hàng kỳ hạn qua đêm ngày 2/6 giao dịch ở 0,45%/năm, giảm 2,95 điểm % so với mức cao nhất ghi nhận vào phiên 10/2; kỳ hạn 1 tuần cũng giảm 2,23 điểm % xuống còn 1,07%/năm.
Trong khi lãi suất VND giảm sâu thì lãi suất USD trên thị trường 2 lại tăng ổn định kể từ lần tăng lãi suất đầu tiên của Fed vào trung tuần tháng 3. Điều này làm chênh lệch lãi suất hoán đổi USD - VND liên tục thu hẹp trong thời gian gần đây, đặc biệt là với các kỳ hạn ngắn; thậm chí chênh lệch này đôi khi đi vào vùng âm trong những ngày cuối tháng 5. Tại ngày 26/5, chênh lệch lãi suất hoán đổi đã giảm xuống còn -0,3 - 0% từ mức 0,8 - 1,1% một tháng trước đó.
Diễn biến trên được giới phân tích nhận định là một trong những nguyên nhân chính khiến tỷ giá USD/VND bật tăng mạnh trong tháng 5.
Khả năng sinh lời của các ngân hàng cũng bị ảnh hưởng
Không chỉ tác động đến các vấn đề liên quan đến thanh khoản hệ thống, tình trạng cạn ''room'' tín dụng cũng ảnh hưởng trực tiếp tới khả năng sinh lời của các ngân hàng.
Số liệu thống kê từ 27 ngân hàng niêm yết và giao dịch trên UPCoM cho thấy, thu nhập lãi thuần trong quý I đạt hơn 92.400 tỷ đồng, tăng 18% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, 15 ngân hàng có thu nhập lãi thuần tăng trưởng trên 20%, 7 ngân hàng tăng trưởng dưới 10% và 5 ngân hàng sụt giảm. Nhân tố chính giúp thu nhập lãi thuần tại hầu hết ngân hàng tăng mạnh trong quý I đến từ sự mở rộng của dư nợ tín dụng với tốc độ nhanh gấp đôi cùng kỳ 2021.
Để khắc phục tình trạng cạn ''room'', nhiều ngân hàng thương mại đã tập trung cho vay ngắn hạn để lấp đầy hạn mức tín dụng đã được cấp trước đợt điều chỉnh hạn mức mới. Và từ đầu quý II, nhiều ngân hàng bắt đầu xin nới hạn mức tăng trưởng tín dụng.
Trong trường hợp không được cấp thêm hạn mức, nhiều ngân hàng sẽ không thể cho vay thêm. Điều này sẽ ảnh hưởng mạnh tới khả năng tăng trưởng lợi nhuận khi khoảng 70% tổng doanh thu của ngành ngân hàng đến từ thu nhập lãi thuần.
Tại Hội nghị do NHNN tổ chức mới đây, ông Nguyễn Việt Cường, Phó Tổng giám đốc Vietcombank cho hay, hết tháng 4, tín dụng Vietcombank đã tăng trưởng ở mức "đáng kinh ngạc" - trên 9%, tương đương tăng ròng khoảng 100.000 tỷ đồng.
Theo ông Cường, nhu cầu tín dụng của doanh nghiệp sau 2 năm Covid giống như ''cơn khát nước sau trận hạn hán'', nên tăng lên rất nhanh. Với ''room'' tín dụng hiện nay, chắn chắc sẽ không đáp ứng đủ. Vì vậy, đại diện Vietcombank đề nghị NHNN nới ''room'' tín dụng một cách phù hợp để các ngân hàng tham gia hỗ trợ khách hàng.
Đồng quan điểm, Phó Tổng Giám đốc VietinBank Lê Duy Hải cho biết, ''room'' tín dụng hiện nay của các ngân hàng là tương đối eo hẹp. Khi triển khai chủ trương hỗ trợ khách hàng sẽ gây áp lực lớn cho tăng trưởng ngắn hạn và trung, dài hạn của ngân hàng.
Không chỉ lãnh đạo ngân hàng, giới đầu tư cũng tỏ ra khá ''sốt ruột'' khi các nhà băng vẫn chưa được cấp thêm hạn mức tăng trưởng tín dụng.
Theo Chuyên gia Đặng Trần Phục - Chủ tịch Hội đồng Quản trị công ty AzFin, một trong những nguyên nhân khiến cổ phiếu ngân hàng vẫn chưa có nhiều đột biến là do thị trường đang quan ngại về việc ''room'' tín dụng có khả năng bị thu hẹp.
Trước đó, NHNN đã có 2 đợt nới hạn mức tăng trưởng tín dụng tín dụng cho các ngân hàng thương mại trong năm 2021. Lần 1 diễn ra vào trung tuần tháng 7 và lần 2 thực hiện vào cuối tháng 11. Và trong cả hai đợt nới ''room'' tín dụng này, cổ phiếu ngân hàng đều có những diễn biến rất tích cực.