Khi người khác mượn tiền, chỉ cần nói 3 câu liền vừa thể hiện EQ cao ngất, không sứt mẻ tình cảm, vừa chẳng lo tiền "cúp đuôi đi mất"
Trước khi cho người khác vay tiền, bạn nên tìm hiểu kỹ về đối phương và đánh giá lại mối quan hệ giữa hai người.
- 30-07-2024Người quen mượn tiền không trả, người EQ cao thường làm 3 cách: Vừa lấy được tiền, lại không mất lòng người
- 06-05-2024Cha mượn tiền con gái mua nhà, để toàn quyền thừa kế cho con trai
- 08-04-2024Cho chị vay 30 triệu nhưng mãi không đòi được tiền, làm ăn cùng anh em rồi toang: Đời này khắc ghi “muốn còn thương đừng cho nhau mượn tiền”
Trong cuộc sống, không thể tránh khỏi tình huống chúng ta bị người thân, bạn bè vay mượn tiền. Nếu không cho mượn tiền, bạn có thể đánh mất tình cảm từ đối phương hoặc thể diện của mình. Nhưng nếu cho mượn tiền, bạn lại sợ đối phương không thể trả lại, thậm chí đến cuối cùng đánh mất một mối quan hệ.
Vậy chúng ta cần làm gì để đưa ra quyết định chính xác nhất khi được hỏi vay tiền? Khi ai đó vay tiền bạn, dù có muốn đồng ý hay không, người EQ cao sẽ hỏi 3 câu này để tránh những phiền phức không đáng có.
01. Vay tiền để làm gì?
Khi ai đó mượn tiền, trước tiên bạn phải xác định lý do tại sao người kia muốn vay tiền. Đừng đánh giá thấp điều này. Bởi lẽ chúng không chỉ giúp bạn tìm hiểu khả năng lấy lại tiền, mà còn tránh những hậu quả nghiêm trọng hơn.
Một ngày nọ, một người bạn rất quen thuộc với bạn đột nhiên hỏi vay một ít tiền. Cho dù mối quan hệ giữa cả hai có tốt đến đâu thì phản ứng đầu tiên của bạn không nên là sẵn sàng rút tiền ra đưa cho đối phương. Thay vào đó, bạn hãy hỏi tại sao họ muốn vay tiền, đang gặp khó khăn gì.
Tôi có một người bạn tính cách mạnh mẽ độc lập. Anh ấy có ít nói nhưng cũng rất thân thiện với người khác. Đột nhiên một ngày, anh ấy - người không bao giờ muốn làm phiền người khác, đã gửi một tin nhắn hỏi vay tiền của tôi.
Tôi sững sờ một lúc, càng hỏi thăm thì mới biết tình thế khó xử của anh. Hóa ra anh ấy đã vay vốn để khởi nghiệp nhiều năm trước nhưng bị đối phương lừa. Giờ anh không thể lấy lại tiền đã mất, mà công việc kinh doanh cũng phá sản.
Bây giờ, anh ấy phải trả nợ hàng tháng rất lớn. Anh không còn lựa chọn nào khác là quay lại công việc văn phòng, nhưng tháng này lương bị chậm nên anh mới cần vay tiền tôi. Tiếp theo, anh ấy cho tôi xem bằng chứng bị lừa đảo và tổng số nợ hiện tại của mình.
Sau khi nghe anh tâm sự và xác nhận tính xác thực trong lời nói của anh, tôi đã an ủi và chuyển cho anh một số tiền. Thực ra với tôi, việc anh trả được tiền là điều có thể đảm bảo. Bởi anh vay tiền tôi để vượt qua khó khăn nhất thời chứ không phải vì lười làm, thích tiêu xài hoang phí. Quả nhiên, chỉ vài ngày sau, người bạn này đã chuyển lại tiền cho tôi, sau đó cảm ơn tôi rất nhiều vì đã giúp đỡ.
Trong cuộc sống, dù có làm việc chăm chỉ hay không, bất kỳ ai cũng có thể gặp khó khăn về tài chính do nhiều yếu tố khác nhau. Dù do may mắn hay yếu tố môi trường, có những người vẫn vượt qua được giai đoạn khó khăn về tài chính và khó khăn cuộc sống.
Nhưng thước đo liệu một người có thể thoát khỏi rắc rối hay không chính là thái độ của anh ta khi đối mặt với chúng. Chỉ cần anh ta không bỏ chạy, khó khăn cuối cùng cũng sẽ qua đi và số tiền mà bạn cho họ vay sẽ trở lại vào một ngày không xa.
02. Tại sao anh mượn tiền từ tôi?
Khi ai đó mượn tiền bạn, dù bạn có ý định cho họ vay tiền hay không thì cũng nên hỏi: "Tại sao anh vay tiền từ tôi mà không phải từ người khác?"
Mục đích của việc hỏi câu này không chỉ để xác định mối quan hệ giữa đối phương và chính bạn. Thay vào đó, hãy tận dụng cơ hội này để hiểu rõ trong mắt người ngoài, bạn là người như thế nào.
Vay tiền sẽ không phải vấn đề to tát nếu chúng xảy ra giữa những người thân thiết. Nhưng đôi khi, một số người bạn có mối quan hệ tốt nhưng không thân thiết lắm vẫn có thể hỏi vay tiền. Trong trường hợp này, lời nói của họ rất giàu thông tin. Bên cạnh đó, dựa vào câu chữ của họ khi vay tiền, bạn có thể phán đoán ít nhiều về tình huống.
Chẳng hạn, khi đối phương hỏi: "Anh A kêu tôi mượn tiền của anh. A nói rằng anh nhất định có tiền cho tôi mượn".
Khi nghe những lời này, điều bạn cần làm là xem xét kỹ mối quan hệ giữa A và bản thân mình. Thông thường, nếu A dễ dàng tiết lộ cho người khác biết về tài chính của bạn thì anh ta không xứng đáng là bạn thân thiết. Mặc dù bình thường A và bạn có mối quan hệ tốt nhưng trong mắt A, bạn có lẽ chỉ là "cái ví" để giúp họ vượt qua rắc rối.
Trong một tình huống khác, người kia có thể nói họ chọn vay tiền từ bạn: "Bởi vì anh là một người tốt." Lời nói của đối phương có thể chân thành, nhưng vẫn mang đến một thông điệp ngầm: Bạn là người quá tốt mà ai xung quanh cũng thừa nhận.
Khi nghe lời nói từ đối phương, bạn nên suy ngẫm về chúng: Trong mắt người khác, bạn là người như thế nào?
Bạn có luôn tránh xung đột với mọi người trong công việc và giao tiếp xã hội không? Để duy trì mối quan hệ với người khác, bạn thường nghe theo đối phương, thậm chí chấp nhận hy sinh bản thân mình.
Nếu đúng như vậy thì thật không may, bạn là "người tốt" với mọi người nhưng là "kẻ xấu" với chính bản thân mình. Bởi lẽ nếu một người liên tục làm chiều lòng người khác thì hẳn nhiên anh ta sẽ tích tụ rất nhiều áp lực về mặt tâm lý và tình cảm, về lâu dài sẽ hình thành gánh nặng lớn.
Trong các tình huống xã hội, chúng ta cũng cần tránh trở thành "người tốt" một cách tiêu cực như trên. Khi ai đó hỏi mượn tiền nhưng bạn phát hiện ra người đó coi bạn là "kiểu người lúc nào cũng có thể hy sinh vì người khác" thì nói lời từ chối trong trường hợp cần thiết là bước đầu tiên để bạn bước ra khỏi vùng an toàn, sống dũng cảm và suy nghĩ vì chính mình.
03. Bạn cần vay bao nhiêu tiền?
Câu hỏi này là bước cuối cùng trong việc xác định mối quan hệ nợ nần giữa bạn và người đi vay. Trước khi quyết định cho người khác vay tiền, trước tiên bạn phải xác định xem việc cho người khác vay tiền có ảnh hưởng gì đến bạn hay không. Trong thời đại mà đi đâu cũng thấy "con nợ" thì rất có thể bạn - người đã cho người khác vay tiền, vẫn đang gánh trên vai gánh nặng trả lãi ngân hàng để mua nhà, mua ô tô.
Việc cho người khác vay tiền phải được thực hiện sao cho không ảnh hưởng tới cuộc sống của chính mình.
Ngoài ra, trước khi cho người khác vay tiền, tốt nhất là trước tiên bạn nên tìm hiểu thu nhập của đối phương, từ đó xác định khả năng trả nợ của họ. Ví dụ, nếu một người có mức lương hàng tháng là 3 triệu và hỏi vay bạn 10 triệu, rõ ràng anh ta sẽ gặp khó khăn vô cùng để trả lại bạn khoản tiền này.
Cần nhớ rằng luôn có những người cho rằng, nếu anh ta cho người khác vay tiền mà không lấy lại được thì đó không phải là điều xấu. Khi đó, anh ta sẽ tự an ủi chính mình, "tiêu tiền để hiểu lòng người" cũng là một cách làm sạch mối quan hệ xã hội của mình. Nhưng tình trạng này nên tránh càng nhiều càng tốt.
Việc cho bạn bè mượn tiền vì mục đích khẩn cấp thể hiện bạn là người tốt bụng và không phải là điều xấu.
Nhưng để bảo vệ chính mình, khi cân nhắc có nên cho người khác vay tiền hay không, bạn hãy nhớ đặt ra 3 câu hỏi này trước khi đưa ra nhận định của riêng mình.
Nhịp sống thị trường