MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đi du lịch chỉ để quay những video 15 giây: TikTok đang thay đổi cả ngành du lịch Trung Quốc như thế nào?

12-09-2019 - 12:09 PM | Tài chính quốc tế

Câu chuyện không phải là bạn đã ở đâu mà là bạn được nhìn thấy đã ở đâu.

Nằm ở giữa lưng chừng núi nhìn xuống sông Dương Tử, Động Hồng Nhai là công trình kiến trúc độc đáo của Trùng Khánh với ngôi nhà lợp ngói nhiều tầng bề thế mang đậm nét cổ xưa. Hình ảnh quần thể này nổi bật trong màn đêm nhờ những biển hiệu nhấp nháy của các quán bar, nhà hàng đã thu hút được rất nhiều sự chú ý kể từ khi nó được xây dựng năm 2006.

Tuy nhiên, năm ngoái lượng khách đến đây tăng đột biến. Lý do chính là bởi Động Hồng Nhai bất ngờ xuất hiện dày đặc trên Douyin, ứng dụng mạng xã hội phổ biến ở Trung Quốc nơi người dùng chia sẻ các bức ảnh và những video chỉ dài khoảng 15 giây. Cuối năm ngoái, bạn sẽ phải xếp hàng tới 3 giờ đồng hồ để có thể vào trong. Đột nhiên Hồng Nhai Động - địa điểm cũng khá thú vị nhưng ít người lựa chọn sẽ ghé thăm - trở thành điểm du lịch hút khách nhất Trung Quốc chỉ sau Tử Cấm Thành.

Mạng xã hội đang làm thay đổi toàn bộ bức tranh ngành du lịch toàn cầu. Thay vì mục tiêu đi nghỉ đơn thuần, một số người đổ xô tới những trang trại dâu tây ở vùng xa xôi hẻo lánh hay những vùng đất băng giá để chụp những bức ảnh sẽ tạo ấn tượng mạnh với bạn bè trên Instagram.

Các mạng xã hội của phương Tây như Instagram bị cấm ở Trung Quốc. Nhưng các ứng dụng nội địa thì rất phổ biến. Ra đời năm 2016, Douyin hay còn được biết đến nhiều hơn ở nước ngoài với tên gọi TikTok hiện đã có 230 triệu người dùng thường xuyên hàng tháng. Không giống như những người dùng Instagram chủ yếu theo dõi ảnh của những người mà họ theo dõi, các fan của Douyin thường sử dụng ứng dụng này để xem những video hot chỉ dài khoảng 15 giây. Các chủ đề được quan tâm nhiều nhất là "đồ ăn" và "phong cảnh".

Ở Trung Quốc, việc chụp ảnh và quay video khi đang ở những địa điểm đang hot như Hồng Nhai Động rồi đăng lên các ứng dụng như Douyin và Kuaishou được gọi là daka. Mục tiêu không phải là tạo ra những video được dàn dựng công phu hay những bức ảnh đẹp đẽ mà đơn giản là để khoe rằng bạn cũng đã đặt chân đến những địa điểm nổi tiếng. Vẻ đẹp của địa điểm cũng không quan trọng bằng thực tế là mọi người đang đổ xô đến đó để "daka".

Giới trẻ Trung Quốc hiện coi daka là mốt thời thượng. Có thể tìm thấy những nhóm "daka zu" lang thang ở Trùng Khánh hay các địa điểm khác, cố gắng check in tại nhiều địa điểm hot nhất có thể chỉ trong 1 ngày. Trên mạng cũng có nhiều bài viết hướng dẫn cách hiệu quả nhất để đạt được điều này. Các công ty du lịch thiết kế cả "daka tour" để phục vụ nhu cầu của du khách.

Giống như các nhà hàng và cửa hiệu ở những nước khác cố thu hút khách hàng bằng cách trang trí không gian cho phù hợp với những bức ảnh Instagram, các chủ cửa hàng ở Trung Quốc cũng làm điều tương tự để phù hợp với trào lưu daka. Ví dụ, một quán cafe ở Bắc Kinh được dựng lên ở bên trong container.

Cơn sốt daka xuất phát từ nguyên nhân rất thực tế. Giới trẻ Trung Quốc sinh sống ở thành thị có rất ít thời gian nghỉ ngơi. Trong năm đầu đi làm, họ chỉ có thể hi vọng sẽ được nghỉ 1 ngày mà thôi, và thường xuyên phải làm thêm giờ mà không được trả lương thêm. Vì thế họ phải tận dụng tối đa quỹ thời gian nghỉ ngơi ít ỏi của mình. Douyin đánh trúng tâm lý này với câu slogan: "Hãy làm cho mỗi giây đều trở nên ý nghĩa".

Thu Hương

Economist

Trở lên trên