Khi những ý tưởng sáng tạo chủ động đi tìm nhà đầu tư
Nhiều ý tưởng sáng tạo từ các bạn trẻ trên khắp Việt Nam đã ra đời, cùng hướng đến mục tiêu xây dựng một hệ sinh thái tuần hoàn dành cho nhựa. Nhưng liệu các ý tưởng này có thành dự án thực khi thiếu nguồn vốn ngay từ bước đầu?
Xây dựng và kết nối các đối tác trong hệ sinh thái tuần hoàn nhựa tại Việt Nam là bước khởi đầu quan trọng để thúc đẩy phát triển bền vững. Hệ sinh thái này bao gồm các doanh nghiệp, tổ chức phi Chính phủ, cơ quan Chính phủ, các nhà nghiên cứu và từng cá nhân trong cộng đồng. Mỗi đối tác đóng vai trò thiết yếu trong việc thúc đẩy các giải pháp tuần hoàn nhựa từ thu gom, phân loại đến tái chế và tái sử dụng.
Chương trình "Giải pháp đổi mới tuần hoàn nhựa 2024" thúc đẩy giải pháp từ các cá nhân và tổ chức trên cả nước trong việc phát triển công nghệ tái chế rác thải nhựa.
Mặc dù việc xây dựng hệ thống quản lý chất thải nhựa hiện tại tại Việt Nam còn hạn chế, đặc biệt là việc cụ thể hóa trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất - Extended Producer Responsibility (ERP), nhưng đó cũng là cơ hội để các doanh nghiệp và tổ chức đóng góp vào việc hoàn thiện khung pháp lý, đồng thời tạo ra những giải pháp đột phá cho nền kinh tế tuần hoàn.
Để tạo điều kiện thuận lợi cho các giải pháp tuần hoàn nhựa, khối hợp tác Công – Tư đã có nhiều biện pháp khuyến khích, hỗ trợ về mặt pháp lý, nguồn vốn, giúp doanh nghiệp và cộng đồng dễ dàng tham gia vào các hoạt động tái chế và tái sử dụng.
Chương trình "Giải pháp đổi mới tuần hoàn nhựa 2024" đã ra đời, với mục tiêu tìm kiếm, thúc đẩy, vinh danh giải pháp từ các đối tượng cá nhân và tổ chức trên cả nước trong việc phát triển công nghệ tái chế rác thải nhựa. Qua đó, góp phần giải quyết vấn đề rác thải nhựa và hỗ trợ cho việc thực hiện quy định EPR. Đây cũng là nơi mà các sáng kiến chủ động tìm kiếm cơ hội tiếp cận thị trường và nhà đầu tư.
Các ý tưởng lọt Top 20 trong cuộc thi Giải pháp đổi mới tuần hoàn nhựa 2024
Chương trình đã tổ chức các buổi tư vấn, đào tạo bài bản và hỗ trợ kỹ thuật từ chuyên gia, giúp các đội thi có thể triển khai và mở rộng các giải pháp của mình một cách hiệu quả, qua đó kết nối các đội thi với các nhà đầu tư tiềm năng và tổ chức tài chính. Bên cạnh đó, các dự án có cơ hội giới thiệu giải pháp của mình trước các nhà đầu tư, gia tăng huy động vốn và nhận được sự hỗ trợ cần thiết, giảm thiểu rủi ro và tăng khả năng thành công trên thị trường.
Buổi đào tạo trực tuyến Top 20 đội thi do Văn phòng Hội đồng EPR Quốc gia - Bộ Tài Nguyên và Môi trường, BSI Group, Unilever Việt Nam và Britcham đã phối hợp tổ chức
Trong buổi đào tạo dành cho top 20 chương trình Giải pháp Đổi mới Tuần hoàn nhựa 2024, đại diện của Văn phòng Hội đồng EPR Quốc gia - Bộ Tài Nguyên và Môi trường, BSI Group, Unilever Việt Nam và Britcham đã chia sẻ những thông tin và kiến thức thực tế liên quan đến các tiêu chuẩn trong tái chế, giúp các đội cải thiện dự án của họ và chuẩn bị tốt hơn trong vòng thi sắp tới.
Đào tạo trực tiếp cho Top 20 cùng đại diện các doanh nghiệp
Tại đây, bà Lý Kim Chi, Chuyên gia về Bền Vững đến từ BSI Group đã cung cấp những kiến thức quan trọng về các tiêu chuẩn quốc tế và trong nước liên quan đến tái chế, vật liệu nhựa. Vấn đề này đã được sự quan tâm đông đảo từ phía các đội thi và rất nhiều những câu hỏi được đặt ra trong buổi đào tạo.
Ngoài ra, bà Phương Hà, đại diện Văn phòng Hội đồng EPR Quốc gia, Bộ Tài nguyên và Môi trường, chia sẻ tới các đội thi những kiến thức quan trọng về EPR, chính sách hỗ trợ tài chính và hướng dẫn cụ thể liên quan đến Quỹ và Luật Bảo vệ môi trường. Buổi đào tạo cũng mang đến cơ hội quan trọng để các đội thi khám phá các kiến thức thực tiễn từ hoạt động tái chế nhựa của Unilever, thông qua nội dung trình bày của bà Nur Evvira Sabrina - Chuyên gia Quản lý Thu mua Nhựa Bền vững, cùng sự điều phối của bà Võ Lương Bình Nguyên - Trưởng phòng Phát triển Bền vững tại Unilever Việt Nam.
"Chúng tôi rất vinh dự khi nhận được những phản hồi tích cực từ phía các đội thi tham gia buổi đào tạo. Với vai trò là thành viên ban tổ chức, tôi hy vọng chương trình Giải pháp đổi mới tuần hoàn nhựa 2024 là bệ phóng cho các ý tưởng sáng tạo trong lĩnh vực tuần hoàn nhựa, mở ra cơ hội để các dự án phát triển và thực hiện các giải pháp hiệu quả," bà Võ Lương Bình Nguyên cho biết. Đại diện của Unilever Việt Nam cũng mong muốn sự hỗ trợ từ các chuyên gia, tổ chức tài chính, và nhà đầu tư đóng vai trò quyết định trong việc hiện thực hóa các ý tưởng và thúc đẩy sự phát triển bền vững của ngành công nghiệp nhựa.
Bà Võ Lương Bình Nguyên - Trưởng phòng Phát triển Bền vững tại Unilever Việt Nam.
Chương trình "Giải pháp đổi mới tuần hoàn nhựa 2024" được tổ chức với sự phối hợp giữa Bộ Tài nguyên và Môi trường, Unilever Việt Nam, Hiệp hội Doanh nghiệp Anh BritCham, Quỹ Khởi nghiệp Doanh nghiệp Khoa học và Công nghệ Việt Nam (SVF). Cuộc thi đã thu hút sự tham gia của hơn 100 dự án đăng ký và đã lựa chọn ra Top 20 sau nhiều vòng sàng lọc, tuyển chọn, đào tạo. Chung kết cuộc thi dự kiến diễn ra vào tháng 9/2024 nhằm vinh danh Top 5 sáng kiến xuất sắc, hiệu quả nhất về thu gom, phân loại và tái chế rác thải bao bì nhựa phù hợp với thị trường Việt Nam.
Tổ Quốc