MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Khi review "đểu" lộng hành từ YouTube đến TikTok: Reviewer ảo tưởng sức mạnh, người dùng tiền mất tật mang!

20-02-2023 - 11:36 AM | Tài chính quốc tế

Hàng loạt người dùng mạng xã hội trở thành reviewer. Hàng loạt sản phẩm đủ loại được hứa hẹn đã qua “đánh giá chân thực”. Nhưng thay vì yên tâm hơn, người tiêu dùng lại càng thêm phần lo lắng về vấn nạn review đểu khi niềm tin của họ bị định giá bằng tiền hoa hồng quảng cáo.

Sự “lên ngôi” của văn hóa review

Sau khi bùng nổ trong đại dịch COVID-19 như một vị cứu tinh, mua sắm trực tuyến tiếp tục được dự đoán đầy triển vọng. Theo Sách trắng Thương mại điện tử 2022 , đến 74,8% người dùng Internet tham gia vào xu hướng mua sắm qua mạng. Tuy nhiên, vì không thể trải nghiệm sản phẩm trực tiếp như mua sắm tại chỗ, nghề review ngày càng được quan tâm hơn để đáp ứng nhu cầu tham khảo chất lượng của người dùng trước khi quyết định mua hàng.  

Bên cạnh đó, chiến lược quảng bá của các sàn thương mại điện tử cũng là tác nhân rất lớn khiến văn hóa review trở thành làn sóng như hiện tại. Tiêu biểu nhất là mô hình Affiliate Marketin g (Tiếp thị liên kết). Cụ thể, người đăng ký được nhận tiền với mỗi lượt giới thiệu mua hàng thành công. Riêng Lazada, đối với ngành thời trang, sức khỏe - sắc đẹp, túi ví - du lịch, tỷ lệ tiền hoa hồng có thể lên đến 13%.

Theo khảo sát của Forrester Research do Pepper Jam thực hiện, hầu hết các nhà quảng cáo tham gia đều đồng ý rằng đây là mô hình thu hút được lượng khách hàng cao đứng đầu. Và đặt trong bối cảnh ở Việt Nam, nó hoàn toàn phù hợp với xu hướng mua hàng qua giới thiệu từ các KOL, KOC, influencer - những người có khả năng tạo ra mạng lưới lớn để tiếp cận đúng đối tượng. Với một mô hình “lợi cả đôi bề” như vậy, không quá khó hiểu khi nó ngày càng trở nên thịnh hành và thậm chí có phần lấn át quảng cáo truyền thống.

Chính vì vậy, người người nhà nhà đua nhau trở thành reviewer. Từ thần tượng, Youtuber đến TikToker, thậm chí những trang chuyên về lĩnh vực khác cũng bắt đầu “đá chéo sân” hay đăng lại các nội dung review kèm với hàng loạt đường dẫn sản phẩm và mã ưu đãi khủng. Miếng mồi ngon từ thị trường này là không thể phủ nhận, nhưng liệu nó có thể đặt lên bàn cân với niềm tin của người tiêu dùng?

Khi niềm tin bị bán rẻ

Số lượng reviewer ngày càng tăng, thế nhưng trong thực tế, niềm tin của người tiêu dùng đã phần nào lao dốc. Tình trạng review đểu diễn ra tràn lan và ngày càng xuất hiện nhiều biến tướng, chỉ vì tiền phần trăm hoa hồng “nhỏ giọt”.

Xuất phát một phần từ việc các sàn thương mại điện tử thường yêu cầu đối tác của mình chỉ cần thu hút được người mua, lượt tương tác gần như đóng vai trò quyết định. Chính vì vậy, không ít reviewer “tự phát” tuy có tiếng nhưng lại thiếu hiểu biết về sản phẩm mình giới thiệu, đụng đâu là khen đó để đẩy mạnh kích cầu. Thậm chí, một số “văn mẫu” review đã trở nên quá quen thuộc như “những món đồ nhất định phải có”, “chắc chắn bạn sẽ thích” khiến người xem không khỏi lắc đầu ngán ngẩm.

Bên cạnh đó, nhiều reviewer thậm chí chưa từng sử dụng sản phẩm mà chỉ đi “cóp nhặt” video.

Một kênh YouTube tên D. còn làm hẳn một video chỉ cách biến đường dẫn từ các clip review có nhiều lượt truy cập thành của mình và bình luận “dụ” mua ngay phía dưới. Đây được xem là một giải pháp rất hữu hiệu cho những reviewer muốn bắt đầu "hành nghề" nhưng thiếu vốn, vừa “tiết kiệm tiền” mua đồ, thuê mẫu mà còn dễ dàng phủi trách nhiệm nếu sản phẩm có vấn đề.

Nghiêm trọng hơn, tình trạng này còn biến tướng đến nỗi các trang review dẫn link giới thiệu sai sản phẩm nhưng lại sử dụng hình ảnh người nổi tiếng, gây ảnh hưởng tiêu cực đến danh tiếng của họ. Như câu chuyện của TikToker Diệp Lê chia sẻ, dù mua áo ở một trung tâm thương mại danh tiếng, nhưng cô bị ăn cắp video rồi chèn đường dẫn trang bán hàng trên sàn Shopee kèm dòng quảng cáo: “Hot TikToker Diệp Lê mua áo ở link này”.

Không chỉ tạo thị trường cho sản phẩm kém chất lượng, reviewer "đểu" còn “đem con bỏ chợ” chính khách hàng của mình. Tiêu biểu gần đây là vụ việc TikToker Cô Đào gây tranh cãi cộng đồng mạng. Tuy dành nhiều lời khen ngợi cho kem nâng tôn E., nhưng khi bị phàn nàn về chất lượng, cô gái chỉ phản hồi hời hợt, cho rằng “nền da phải tốt” thì sản phẩm mới có thể phát huy (dù trước đó trong clip review ban đầu không hề đề cập đến).

Trước thực trạng trên, nhiều người tiêu dùng mua sản phẩm về không như giới thiệu cũng chỉ biết ngậm ngùi “rút kinh nghiệm”. “Đơn hàng trực tuyến thường có giá trị không cao, không đủ căn cứ pháp lý để tố cáo nên mình thường im lặng chấp nhận. Nhưng nếu tình trạng này cứ tiếp diễn thì chắc chẳng ai dám tin reviewer nữa”, L. T. Vân (19 tuổi) chia sẻ.

Tuy nhiên, mua lầm quần áo, phụ kiện có thể bỏ qua, nhưng đối với các mặt hàng như mỹ phẩm, thực phẩm chức năng,... nó sẽ trở thành mối đe dọa trực tiếp đến sức khỏe người dùng. Diễm My (27 tuổi) đã chi hơn 5 triệu đồng vì nghe review thuốc giảm cân “thần kỳ” trên mạng. Tuy nhiên, thứ mà cô gái nhận lại chỉ là căn bệnh loét dạ dày nghiêm trọng, phải điều trị trong thời gian dài nhưng cũng không thể chữa dứt điểm.

Từ một nghề cần nói thật, giới review giờ đây lại “dấp dáng” hình bóng của các trò lừa đảo kiểu mới, gây ra nhiều hậu quả khôn lường. Để chủ động bảo vệ quyền lợi của mình, người tiêu dùng nên cân nhắc kỹ trước khi chọn mua sản phẩm tránh việc đặt niềm tin sai chỗ.

Theo Kim Ngọc

Nhịp sống thị trường

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên