MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Trong khi rượu vang Úc và Pháp đứng bên bờ vực khủng hoảng, đây là cách người Mỹ thoát hiểm ngoạn mục

16-04-2021 - 20:21 PM | Tài chính quốc tế

Trong khi rượu vang Úc và Pháp đứng bên bờ vực khủng hoảng, đây là cách người Mỹ thoát hiểm ngoạn mục

Đại dịch Covid-19 từng khiến những người trồng nho Mỹ đau đầu lo lắng nhưng điều họ sợ nhất đã không bao giờ xảy ra bất chấp đại dịch tàn phá nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Một ngành công nghiệp, nhiều số phận đối nghịch

Brianne Day sản xuất nhiều loại rượu vang tại thung lũng Willamette và Applegate ở miền nam Oregon, Mỹ. Khi đại dịch xảy ra vào tháng 3/2020, điều Day lo sợ nhất là hoạt động sản xuất, kinh doanh của mình bị đình trệ, dẫn tới lượng hàng tồn kho tăng đột biến.

"Tôi từng rất hoảng sợ. Tôi không biết tương lai nhà máy rượu của mình và các công ty khác trong ngành công nghiệp này sẽ ra sao. Tôi cũng không biết các nhà phân phối của mình sẽ xoay sở như thế nào. Không có họ, toàn bộ hệ thống kinh doanh của tôi sẽ náo loạn", Brianne Day chia sẻ.

Mùa xuân năm 2020 là thời điểm các doanh nghiệp rượu của Mỹ đều loay hoay tìm cách bán sản phẩm. Họ lo rằng mình không thể trả lương cho công nhân, không thể chi trả các hóa đơn và không biết doanh nghiệp của mình sẽ tồn tại như thế nào.

Khi rượu vang Úc và Pháp đứng bên bờ vực khủng hoảng, đây là cách người Mỹ thoát hiểm ngoạn mục - Ảnh 1.

Điều tồi tệ nhất đã không xảy ra đối với ngành công nghiệp rượu vang Mỹ.

Thời điểm dịch bệnh bùng lên ở Trung Quốc và lan ra toàn cầu, sự hoảng loạn bao trùm thế giới. Tuy nhiên, một năm sau đó, người thắng kẻ thua có lẽ đã lộ diện. Trong ngành công nghiệp rượu vang ở Mỹ, điều tồi tệ nhất đã không xảy ra. Thay vào đó, họ tìm ra cách thích nghi với những thay đổi của dịch bệnh, thậm chí tăng trưởng nhờ các gói kích thích của Chính phủ Mỹ.

Thực tế, những gì mà ngành công nghiệp rượu vang Mỹ đạt được đang khiến nhiều nước khác phải ghen tị. Điển hình nhất là Australia. Mắc kẹt trong cuộc chiến thương mại với Trung Quốc, thị trường quan trọng bậc nhất của rượu vang Úc, các nhà sản xuất nước này lâm vào tình cảnh sống chung với hàng tồn và hy vọng một ngày nào đó, mâu thuẫn giữa hai nước sẽ hạ nhiệt.

Không chỉ có Australia, Pháp, quốc gia xuất khẩu rượu vang hàng đầu thế giới, cũng đang loay hoay. Khi đại dịch Covid-19 làm cả châu Âu tê liệt, ngành công nghiệp rượu vang Pháp còn phải đương đầu với kiểu thời tiết cực đoan chưa từng suất hiện trong 30 năm qua. Cuộc chiến thương mại với Mỹ xung quanh cáo buộc EU trợ giá cho máy bay Airbus tiếp tục khiến các nhà sản xuất rượu vang Pháp lâm vào tình cảnh khó chồng khó.

Người Mỹ thoát hiểm như thế nào?

Giống như các nhà sản xuất rượu vang nhỏ, cách bán hàng của những người như bà Day là đưa sản phẩm của mình vào các nhà hàng sang trọng bên cạnh các thương hiệu lớn, có người giới thiệu về sản phẩm trực tiếp với khách hàng. Kiểu làm này khiến các thương hiệu nhỏ có cơ hội phát triển trong một ngành công nghiệp cạnh tranh.

Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 đã khiến cách làm này trở nên vô hiệu. Nó buộc các nhà sản xuất phải thay đổi phương thức kinh doanh. Họ hướng tới bán hàng trực tiếp cho người mua thay vì dựa vào mạng lưới phân phối đến các nhà hàng, vốn đã bị đóng cửa phần lớn khi nước Mỹ áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội để ngăn virus lây lan.

Dù được tiếp cận các gói hỗ trợ kinh tế khổng lồ của chính phủ Mỹ, những người sản xuất rượu vang cũng phải khẳng định rằng thay đổi hoạt động là điều then chốt. Mô hình sản xuất, kinh doanh được thu hẹp lại và sắp xếp một cách hợp lý để loại nhỏ những điều không cần thiết trong tình cảnh khó khăn bao trùm.

Khi rượu vang Úc và Pháp đứng bên bờ vực khủng hoảng, đây là cách người Mỹ thoát hiểm ngoạn mục - Ảnh 2.

Thay đổi phương thức kinh doanh là yếu tố sống còn với các doanh nghiệp rượu vang Mỹ trong đại dịch Covid-19.

Phương thức bán hàng truyền thống giờ đây cũng được thay thế bằng các cuộc giới thiệu sản phẩm thông qua ứng dụng Zoom. Họ gửi video sản phẩm quay bằng điện thoại tới khách hàng. Dù không thể giữ lại tất cả người lao động dù được tiếp cận các khoản vay của Chương trình Bảo vệ tiền lương, họ vẫn giữ lại một nhóm nhỏ hơn những người làm công.

"Doanh số bán hàng trực tiếp của chúng tôi tăng cao. Tôi cảm giác rằng mọi người đều đang cố gắng để có thể bán rượu", Matt Licklider, chủ một thương hiệu rượu vang ở California, cho biết.

Đã từ lâu, một số nhà phân tích thúc giục các nhà sản xuất rượu Mỹ tăng cường bán hàng trực tuyến trên Internet. Mặc dù nhiều người miễn cưỡng thay đổi phương pháp bán hàng truyền thống nhưng đại dịch đã buộc họ phải tiến mạnh lên phía trước.

Thay vì tiếp xúc với khách hàng tại các phòng trưng bày, việc tăng cường bán hàng trên Internet mang tới cho các nhà sản xuất rượu vang Mỹ cơ hội tiếp cận lượng khách hàng lớn hơn. Những mẫu thử nhỏ cũng được gửi tới nhà khách hàng. Đây là phương thức hiệu quả mà nhiều nhà sản xuất rượu phải thừa nhận rằng họ tiếc khi đã bỏ qua chúng suốt thời gian qua.

Những cơ hội mới từ đại dịch

Bà Nancy Irelan cùng chồng là Michael Schnelle điều hành một nhà máy rượu ở vùng Finger Lakes của New York. Họ không bao giờ nghĩ rằng đại dịch có thể mang đến cho họ một cơ hội bất ngờ như vậy. Khi việc du lịch bằng máy bay trở nên khó khăn trong năm 2020, nhiều người tìm đến Finger Lakes như một điểm nghỉ dưỡng.

Dù phần lớn thị phần bị ảnh hưởng bởi đại dịch, họ nghĩ ra cách mới là xây dựng các khu nếm thử rượu ngoài trời để tận dụng tối đa lượng du khách tới với nơi đây. Họ cũng phải tăng cường thêm số nhân viên để đảm bảo quy định phòng chống dịch mà chính quyền đặt ra.

Khi rượu vang Úc và Pháp đứng bên bờ vực khủng hoảng, đây là cách người Mỹ thoát hiểm ngoạn mục - Ảnh 3.

"Thật có ích khi chúng tôi là một nhà sản xuất nhỏ bé. Quy mô khiến chúng tôi thích nghi nhanh chóng với những biến cố. Chúng tôi đang làm khá tốt", bà Irelan cho biết.

Tuy nhiên, không thể phủ nhận các đám cháy rừng ở Bờ Tây đang làm ngành công nghiệp rượu vang của nước Mỹ gánh chịu những thiệt hại khổng lồ. Thậm chí, những gì chúng đe dọa gây ra còn vượt xa thiệt hại tổng thể từ đại dịch.

Khi cháy rừng xảy ra, những doanh nghiệp rượu vang đang phải vật lộn để phục hồi từ đại dịch lại tiếp tục phải chạy đua để thu hoạch sớm. Tuy nhiên, việc làm này khiến những chai rượu không có được màu đặc trưng của loại nho được thu hoạch đúng độ chín. Chúng sẽ được bán với giá thấp hơn một chút.

Linh Anh

Nhịp sống kinh tế

Trở lên trên