MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Khi Shark Phú đi gọi vốn: Vay mẹ vợ 80 triệu đồng để nhập lô hàng đầu tiên, không có tài sản thế chấp vay ngân hàng, phải thông qua công ty ủy thác

19-11-2018 - 17:42 PM | Doanh nghiệp

Nhưng dù là "gọi vốn" từ mẹ vợ hay công ty ủy thác, thì theo Shark Phú, cái gốc rễ vẫn là ở lòng tin.

Tại buổi đàm thoại Phương thức huy động vốn trong thế giới phẳng thuộc Shark Tank Forum 2018 diễn ra tuần qua, chủ tịch Sunhouse đã kể về chuyện gọi vốn của chính bản thân mình trong những ngày đầu lập nghiệp.

Vay mẹ vợ 80 triệu để nhập công hàng đầu tiên

“Tôi đi làm ở Ford, có dành dụm sau khi sửa nhà xây nhà thì còn 2.000 đô, quy ra khoảng 30 triệu đồng. Ông bạn làm cùng công ty mua nhà thì vay 10 triệu đồng (đến bây giờ vẫn chưa trả), còn lại 20 triệu, bắt đầu khởi nghiệp”, Shark Phú kể về số vốn xuất phát điểm.

20 triệu đồng vào thời điểm năm 1999 là một xuất phát điểm rất khiêm tốn để kinh doanh. Shark Phú kể rằng với số tiền đó, ông chỉ có thể mua một số lượng hàng rất nhỏ, dần dần tích lũy mà số tiền đó lớn lên.

Với công hàng lớn đầu tiên, số tiền cần để nhập về là 10.000 đô - khoảng 180 triệu đồng. Với số tiền Shark Phú đã tích lũy lúc ấy thì mới đủ 100 triệu đồng.

"Mình thiếu mất 80 triệu, thì vay ai? Vay mẹ vợ", chủ tịch Sunhouse kể lại.

Ông nhớ lại: "Giai đoạn đó không có cơ chế như quỹ đầu tư như bây giờ, mình chỉ có cách là đi vay vốn của bố mẹ, của anh chị em, hàng xóm láng giềng. Nhưng không đơn giản vì hồi đó ai cũng nghèo".

Và có lẽ vay từ mẹ vợ thì lại càng không đơn giản.

Shark Phú nói: "Vay mẹ vợ thì rất khó khăn, đúng không? Lúc đó mình phải thể hiện là mình không phải chơi bơi, không dùng tiền làm việc gì mất mát".

Khi Shark Phú đi gọi vốn: Vay mẹ vợ 80 triệu đồng để nhập lô hàng đầu tiên, không có tài sản thế chấp vay ngân hàng, phải thông qua công ty ủy thác - Ảnh 1.

Shark Phú tại buổi đàm thoại "Phương thức huy động vốn trong thế giới phẳng" thuộc Shark Tank Forum 2018. Ảnh: Fanpage Shark Tank Việt Nam

Không có tài sản thế chấp để vay ngân hàng, phải thông qua công ty ủy thác

Shark Phú kể tiếp về giai đoạn sau đó: "Sau này, mình tiếp tục làm ăn lớn hơn. Hồi đó, mình không thể vay được ngân hàng vì mình đã có gì đâu, chưa có tài sản thế chấp".

Chủ tịch Sunhouse kể rằng khi có ít vốn, để có thể vẫn nhập được hàng, ông thông qua các công ty nhận ủy thác, bằng cách trả một khoản phí để công ty đó nhận hàng cho mình, sau khi lấy hàng bán thì trả tiền lại cho họ.

"Mình tuyệt đối giữ đúng lời hứa. Lời mình nói ra, mình phải chuẩn bị tất cả phương án dự phòng để làm sao để giữ được lời nói hứa đó".

"Thông thường họ lại giữ hàng hóa. Mỗi khi cứ xuất một đơn hàng thì mình mang tiền đến trả sau đấy. Dần dần mình giữ chữ tín, tất cả những lời mình nói ra đều đúng", Shark Phú kể.

"Sau này họ ngại, mỗi lần xuống kho để kiểm tra hàng thì họ bảo: Thôi, OK, tao tin mày, mày cứ lấy bán".

Sau 2 - 3 năm làm việc với các công ty ủy thác, công ty của ông Phú dần có uy tín hơn. Dần dần, các ngân hàng vốn cho công ty ủy thác vay, sau đó cũng cho thẳng Shark Phú vay: "Dần dần họ (các ngân hàng - PV) biết là nếu mà đến thẳng mình được thì có thể charge (thu lãi - PV) được lãi suất cao hơn. Công ty ủy thác kia lớn rồi, uy tín cao nên họ lấy lãi suất thấp.

Vậy là mình tiếp cận được ngân hàng", Shark Phú cho hay.

Cái gốc rễ là lòng tin

Đúc kết lại chuyện đi gọi vốn của mình, Chủ tịch Sunhouse kết luận: "Nếu chúng ta nhìn từ lịch sử xa xưa đến bây giờ, thì cuối cùng cách huy động vốn của chúng ta có hai việc. Một là 'đánh' vào lòng thương: Bố mẹ thương mình, muốn mình thành công thì cho mình vay, anh chị em muốn mình thành công thì cho mình vay.

Thứ hai là những người xung quanh mình, ngân hàng, công ty ủy thác - họ nhìn vào lợi ích nào đó từ khoản cho mình vay, họ thu được lãi. Và họ tin rằng mình không làm mất tiền của họ, họ sẽ cho mình vay".

Theo Shark Phú, dù rằng càng về sau, dù các phương thức, hình thức gọi vốn càng đa dạng hơn và dễ dàng hơn, nhưng bản chất gốc rễ không thay đổi nhiều.

"Bây giờ, các nhà đầu tư, các quỹ cũng đưa tiền với hy vọng kiếm được gì từ mình. Các Shark cũng vậy, tất cả cũng như vậy. Cuối cùng phải chốt lại trong 2 ý. Một là họ thương mình, hai là họ hy vọng kiếm được gì từ khoản đầu tư cho mình. Khi họ tin rằng ông không làm mất của tôi, thì họ sẽ rót tiền".

Và cái gốc rễ của tất cả, là lòng tin của người khác với mình, theo Shark Phú.

"Cách thức bây giờ có nhiều phát triển, có nhiều công cụ phát triển hơn, rồi dần dần có nhiều cách thức huy động vốn hơn, thì công thức gốc rễ vẫn là chỗ đó. Bằng cách thức nào thì các bạn cũng phải duy trì điều đó", Shark Phú kết luận.

Theo Thảo Thảo

Trí thức trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên