Khi tăng trưởng vượt VN-Index trở thành "nhiệm vụ bất khả thi": Vỏn vẹn 3 quỹ làm được
Việc VN-Index tăng xấp xỉ 50% trong năm qua đã khiến cho việc đạt mức tăng trưởng cao hơn chỉ số chung trở thành bài toán quá khó đối với phần đồng các nhà quản lý quỹ. Tuy vậy, vẫn có 2 quỹ đạt mức tăng trưởng tới 60%.
Các năm trước đây, việc "chiến thắng" VN-Index, tức đạt mức tăng trưởng giá trị tài sản ròng (NAV) cao hơn mức tăng trưởng của VN-Index thường là mục tiêu không quá khó đối với các quỹ ngoại đầu tư dành phần lớn tài sản đầu tư vào thị trường chứng khoán Việt Nam.
Tuy nhiên, mức tăng trưởng 48% của VN-Index trong năm 2017 thực sự đã trở thành một thách thức lớn nhất là khi chỉ số chịu tác động mạnh bởi một số cổ phiếu vốn hóa lớn không được nhiều quỹ đầu tư lựa chọn và/hoặc nắm giữ với tỷ trọng cao như PV GAS, Sabeco, FLC Faros hay Petrolimex ...
Theo thống kê của chúng tôi, trong năm 2017 chỉ có 2 quỹ đã thắng được VN-Index là Dragon Capital VEIL và JPMorgan Vietnam Opportunity Fund với mức tăng trưởng lần lượt là 60% và 52%.
Các quỹ lớn khác đa phần có mức tăng trưởng trong khoảng từ 35%-45% khi tính theo đồng USD. Một số quỹ tính tài sản bằng đồng Euro như PYN Elite Fund hay Vietnam Equity Fund gặp bất lợi về tăng trưởng khi đồng tiền này tăng giá 13-14% so với VND hay USD.
Với mức tăng trưởng chỉ 18%, Vietnam Holding - hiện đang quản lý khối tài sản 200 triệu USD - là quỹ có thành tích kém nhất trong số các quỹ lớn.
Là quỹ có quy mô lớn nhất với tài sản lên đến 1,55 tỷ USD, việc VEIL đạt mức tăng trưởng 60% trong năm qua là một thành tích rất ấn tượng. Các cổ phiếu chủ chốt trong danh mục của VEIL như MWG, VNM, ACB, HPG, ACV... đều có mức tăng rất ấn tượng trong năm qua.
Vốn không có nhiều động thái giao dịch đáng chú ý, việc quỹ JPMorgan VOF đạt mức tăng trưởng 52% trong năm qua là một bất ngờ lớn. Các cổ phiếu lớn nhất trong danh mục của quỹ này gồm có VNM, HPG, SAB, VIC và FPT.
Sau khi luôn nằm trong nhóm "đội sổ" 2 năm trước, 2 quỹ FTSE Vietnam ETF và Van Eck Vietnam ETF đạt được thành công lớn với mức tăng trưởng lần lượt là 45% và 35%.
Tăng trưởng 33%, Quỹ VinaCapital VOF cũng trở thành quỹ thứ 2 sau VEIL có tổng tài sản đạt trên 1 tỷ USD. Tăng trưởng của VinaCapital VOF không cao so với mặt bằng chung do thời gian đầu năm quỹ này vẫn nắm giữ khá nhiều tiền mặt, đầu tư private equity và bất động sản. Hiện tại, VinaCapital VOF đã giảm đáng kể các khoản đầu tư bất động sản để tập trung vào cổ phiếu niêm yết và cổ phiếu OTC.
Các quỹ nội nhìn chung cũng có mức tăng trưởng trong khoảng 35-45% tương tự như các quỹ ngoại. Quỹ có thành tích tốt nhất là quỹ ETF SSIAM VNX50 với mức tăng 60%, tức tương đương với Dragon Capital VEIL. Quỹ này đầu tư theo chỉ số VNX50 với những cổ phiếu có tỷ trọng cao nhất là VIC, VNM, HPG, SAB và MSN.
Ngoài SSIAM VNX50 còn có 2 quỹ mở khác đạt mức tăng trưởng trên 40% là VFMVF1 và VFMVF4.
Trí Thức Trẻ