MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Khi Thủ tướng "truy bài" và người dân chấm điểm quan chức

15-09-2021 - 10:33 AM | Xã hội

Khi Thủ tướng "truy bài" và người dân chấm điểm quan chức

Nếu ngành giáo dục áp dụng những cuộc thi thực chất như cách "truy bài" của Thủ tướng Phạm Minh Chính, thì chắc chắn nạn "phao thi" sẽ không có nhiều bộ mặt đến như vậy.

Lẽ ra, họ phải giật mình...

Thầy giáo tổ chức truy bài sau khi đã thực hiện triệt để vai trò giám thị, thì không học sinh lười nhác nào có thể qua mặt.

Những câu hỏi chất vấn quan chức một số tỉnh trong cuộc họp trực tuyến vừa qua, không tự nhiên phát ra trên ghế salon trong phòng Thủ tướng . Bởi trước khi chất vấn, vị tướng ấy đã thực hiện nhiều chuyến thị sát chiến trường, đến tận những cao điểm nóng bỏng nhất của trận địa Covid-19 .

Trong chiến tranh, những người không muốn bại trận, phải tuyệt đối không dẫm vào vết xe đổ của người đi trước. "Vết xe đổ" đầu tiên đã xuất hiện 19 ngày trước ở phường Bình Chuẩn, thành phố Thuận An, Bình Dương. Khi thị sát, Thủ tướng đã đề nghị người dân gọi điện đến các số điện thoại khẩn cấp của phường, nhưng đều không liên lạc được.

"Vết xe đổ" quan liêu trong chống dịch ấy đã lặp lại lần nữa cách đây 14 ngày, khi Thủ tướng bất ngờ thị sát phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân – một ổ dịch phức tạp nhất lúc bấy giờ của Hà Nội. Sở chỉ huy chống dịch của phường này không người trực, dù đã có 349 người dân nhiễm Covid-19.

Sau chuyến thị sát quyết liệt của Thủ tướng, Chủ tịch TP.HCM đã tổ chức đối thoại với dân, Bí thư Đà Nẵng cũng bất ngờ vi hành thị sát và lắng nghe nguyện vọng của cần lao...

Sự sâu sát ấy cùng hình ảnh chiếc áo đẫm mồ hôi của người đứng đầu Chính phủ, lẽ ra phải khiến những vị quan liêu giật mình, thậm chí xấu hổ...

Khi Thủ tướng truy bài và người dân chấm điểm quan chức - Ảnh 1.

Thủ tướng kiểm tra khu cách ly F1 của công nhân viên chức Tân cảng Sài Gòn tại Trường Mầm non Sơn Ca, thành phố Thủ Đức. Ảnh: Báo Chính phủ

Kỳ sát hạch, vùng xanh và ghế nóng

Những học trò quay cóp giỏi, thường có một niềm tự hào lệch lạc về khả năng đó của mình. Họ quên rằng, dùng phao thiện nghệ đến mấy, cũng không thể qua mắt giám thị lão luyện. Nếu không bị "lập biên bản" thì chỉ có hai khả năng: Một là giám thị cho qua, hai là giám thị vô trách nhiệm.

Một vị cố GS Sử học nổi tiếng ở Việt Nam, đã có cách ra đề khiến sinh viên rất khó quay cóp, rất khó lười nhác, rất khó học vẹt. Ngay từ buổi học đầu tiên của học phần, ông đã để lộ đề thi kết thúc học phần: Anh chị học được điều gì từ mấy ngàn năm lịch sử của dân tộc Việt Nam?

Kiểu "truy bài" thực chất và bất ngờ của Thủ tướng, cũng sẽ khiến các dạng phao thi mất tác dụng. Kể cả có trả lời trôi chảy đi chăng nữa, thì điểm số của bài thi còn phụ thuộc vào một chỉ số quan trọng nhất: Kết quả chống dịch thực tế. "Tỉnh anh từ chỗ xanh rờn đến đỏ quạch" – Thủ tướng phê phán cái kết quả thực tế ấy bằng hình ảnh như vậy.

Nếu "vùng xanh" biến thành "vùng đỏ" vẫn tái diễn theo một kịch bản lúng túng, thì những chiếc ghế đang mát mẻ cũng có thể biến thành ghế nóng bất cứ lúc nào.

Một tướng tài thực sự có thể thất bại chiến thuật - thua một vài trận nhỏ, nhưng không bao giờ để thất bại chiến lược - thua những trận sống còn. Không ai ngăn cản những người lúng túng hôm nay trở thành người sâu sát ngày mai, trừ phi họ ngồi nhầm ghế!

Khi Thủ tướng truy bài và người dân chấm điểm quan chức - Ảnh 2.

Khi một phóng viên phương Tây hỏi lý do phong một người trẻ như ông Võ Nguyên Giáp làm đại tướng, Chủ tịch Hồ Chí Minh trả lời rất đơn giản mà sâu sắc: Đánh thắng Đại tá phong Đại tá; đánh thắng Thiếu tướng phong Thiếu tướng; thắng Trung tướng phong Trung tướng; thắng Đại tướng phong Đại tướng.

Chống Covid-19 chính là kỳ thi sát hạch hiệu quả nhất, sàng lọc chỉ huy tốt nhất. Trên chiến trận ấy, người cầm quân vừa phải thể hiện được cả văn và võ: An dân, bảo vệ sinh mạng của dân và phát triển kinh tế. Toàn thua trận, sao xứng với ghế cao?

Cuộc chiến chống dịch của Bắc Giang, đã từng rất gian nan, nhưng ở đó có ông Bí thư Tỉnh ủy sâu sát, mở máy điện thoại công khai 24/24 để lắng nghe dân, liên tục xin ý kiến từ lãnh đạo, trân trọng chuyên gia và đoàn kết cùng cộng sự, nên Bắc Giang không thể thua trận.

Quận 6 TP.HCM có bà bí thư quận ủy không ngần ngại chiếc ghế, chấp nhận xé rào cấp thuốc điều trị F0 cho dân vì "với tư cách người đứng đầu, không thể thấy có cách cứu dân mà không làm", nên quận này đã từng bước đẩy lui dịch.

Những người chứng minh được tài điều binh khiển tướng mới có thể nắm phần thắng trong trận chiến này. Tướng mơ ngủ, tướng quan liêu, tướng thiếu bản lĩnh, dù chưa kéo cờ trắng, thì cũng sẽ thất bại toàn tập trong lòng dân.

Từ xưa đến nay, điểm số do nhân dân chấm, rất hiếm khi nhầm lẫn.

Theo Bùi Hải

Tổ Quốc

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên