Khi 'vàng trắng' bị giả danh
Vấn đề bảo hộ các thương hiệu, bản quyền trong lĩnh vực nông sản đang được đặt ra ngày càng cấp bách với câu chuyện mới nhất liên quan tới “vàng trắng” tỏi Lý Sơn.
- 05-11-2018Bị UBND Lý Sơn tố mạo danh tỏi đen huyện đảo này trên sóng Shark Tank, CEO 8x giải thích là do “hiểu lầm”
- 01-11-2018Một doanh nghiệp bị yêu cầu đính chính vì "nổ" về tỏi Lý Sơn trên truyền hình
- 31-10-2018Bất lực bảo vệ thương hiệu tỏi Lý Sơn
Trong một chương trình truyền hình, một công ty tuyên bố đang tiêu thụ 300kg tỏi cô đơn Lý Sơn mỗi tháng. Chưa hết, doanh nghiệp cũng “tiết lộ thêm” họ đang có 3 ha nguyên liệu tỏi tại Lý Sơn.
Thế nhưng thông tin trên đã vấp phải sự phản đối từ chính quyền Lý Sơn khi họ khẳng định cả huyện đảo mỗi tháng chỉ cung ứng ra thị trường khoảng 500 kg tỏi cô đơn. Sau đó, công ty đã giải thích rằng có sự hiểu lầm trong cách diễn đạt.
Câu chuyện “hiểu nhầm” sản phẩm tỏi Lý Sơn, tuy có vẻ… ỏm tỏi nhưng xét cho đến cùng chỉ cần đôi lời giải thích “nói lại cho rõ”, cùng lắm là lời đính chính, mọi chuyện cũng sẽ qua vì thực chất nó chưa gây ra những hậu quả nào cụ thể.
Nhưng trong thực tế đời sống, việc lợi dụng thương hiệu tỏi Lý Sơn đang gây hậu quả lớn cho chính thương hiệu này.
Khi xảy ra câu chuyện “hiểu nhầm” về thương hiệu tỏi Lý Sơn trên chương trình truyền hình thì cũng là lúc mặt hàng tỏi Lý Sơn đang kêu cứu cho một cuộc giải cứu mới. Những năm qua, tỏi đã từ nhiều nơi lên tàu tìm ra đảo Lý Sơn. Chẳng cần điều tra, bất cứ ai cũng hiểu những loại “tỏi nhái” này sẽ được trà trộn lợi dụng danh tiếng tỏi Lý Sơn để đánh lừa người tiêu dùng.
Và hậu quả đã thấy rõ, chỉ trong thời gian ngắn, người tiêu dùng trong ma trận tỏi không thể phân biệt đâu là tỏi Lý Sơn thật nên đã quay lưng với loại đặc sản này.
Từ một loại hàng hóa được người tiêu dùng ưa chuộng thậm chí được săn đón trở nên khan hiếm, “vàng trắng” tỏi Lý Sơn đã tồn đọng lớn, giá tỏi cũng giảm xuống chỉ còn 20-30% những năm trước.
Không quá lời nếu nói rằng tỏi nhái đã bức tử thương hiệu tỏi Lý Sơn. Trao đổi với truyền thông, lãnh đạo huyện đảo Lý Sơn cho rằng rất khó để hạn chế tình trạng tỏi các nơi lên tàu tìm về Lý Sơn. Điều này có thể không sai, tuy nhiên, hành vi chở tỏi về Lý Sơn không thể cấm nhưng cơ quan chức năng hoàn toàn có thể kiểm tra, giám sát quá trình thu hoạch chế biến đóng gói tỏi Lý Sơn. Những hành vi trà trộn làm giả mặt hàng tỏi Lý Sơn hoàn toàn có thể bị phát hiện xử lý.
Tất nhiên để thực hiện điều này một cách hiệu quả, trước hết chính quyền và người dân Lý Sơn phải thực hiện việc xây dựng chỉ dẫn địa lý cho tỏi Lý Sơn. Bên cạnh đó các doanh nghiệp tham gia quá trình phân phối mặt hàng cũng cần đầu tư nhiều hơn từ khâu lựa chọn bao bì, nhãn mác, tem chống hàng giả…
Hơn khi nào hết, người dân sản xuất tỏi Lý Sơn cũng như chính quyền huyện đảo cần tận dụng triệt để các biện pháp nhằm gìn giữ thương hiệu tỏi của chính mình và đó cũng chính là cách bảo vệ người tiêu dùng, thiết lập niềm tin giữa nhà sản xuất với những khách hàng của mình.
Nhìn rộng hơn, vấn đề thương hiệu, bản quyền trong lĩnh vực nông sản của Việt Nam là câu chuyện đang nóng lên trong thời gian qua. Theo một thống kê, hiện nay, có tới 90% nông sản của Việt Nam xuất khẩu dưới dạng thô. Còn thị trường trong nước, khoảng 80% nông sản được tiêu thụ mà không có nhãn hiệu, thương hiệu.
Chúng ta hẳn vẫn còn nhớ các vụ việc như cà phê Buôn Ma Thuột nhưng nhãn hiệu lại bị đăng ký bởi doanh nghiệp tại Trung Quốc, nước mắm Phú Quốc nhưng nhà sản xuất lại từ nước ngoài, hay phở Việt Nam hiện bán rất chạy ở Mỹ nhưng lại “made in Thái Lan”…
Mới đây, tại phiên họp Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã lưu ý tình trạng bản quyền giống. Thời gian qua, Việt Nam có nhiều giống cây trồng quý nhưng do chưa chú trọng đúng mức bảo hộ bản quyền giống nên nhiều giống cây trồng đã rơi vào tay nước khác. Thủ tướng cho rằng, đây là vấn đề có tính lâu dài, các bộ, ngành liên quan cần báo cáo cụ thể và có giải pháp.
Nhìn rộng hơn, rõ ràng ngành nông nghiệp cần có cách làm bài bản hơn trong bảo vệ các thương hiệu, giá trị nông sản Việt Nam.
Chinhphu.vn