Khi việc học không còn là độc quyền của con người
Cách mạng công nghiệp 4.0 đang làm thay đổi nền tảng cách chúng ta sống, học tập và làm việc. Máy móc có thể “học” rất nhanh, rất hiệu quả và ứng dụng tốt hơn cả con người.
Với chủ đề “Tương lai của giáo dục”, sự kiện Forbes Talks của Forbes Việt Nam vừa diễn ra tại TP.HCM đã thu hút hơn 350 khách mời là các diễn giả nổi tiếng, các chuyên gia về giáo dục, nhà hoạch định chính sách, lãnh đạo các doanh nghiệp và công chúng quan tâm tới giáo dục.
Trong từng phần trình bày và phiên thảo luận, các diễn giả đã chia sẻ những góc nhìn trong đầu tư vào giáo dục, những xu hướng mới và các khuyến nghị dành cho ngành giáo dục, nhất là ở bậc giáo dục đại học.
Nhiều ngành nghề sẽ biến mất
Ông Nguyễn Bảo Hoàng - Chủ tịch Công ty Truyền thông Tương tác, đơn vị đại diện thương mại của Forbes Việt Nam chia sẻ: “Sự phát triển của công nghệ đang mang tới những thay đổi sâu rộng trong mọi mặt của đời sống xã hội, trong đó có giáo dục. Tại Việt Nam, lĩnh vực giáo dục đang chuyển mình với sự tham gia của khối tư nhân và tác động của công nghệ vào cách con người học tập, trang bị các kiến thức và kỹ năng mới”.
Theo ông Phạm Minh Tuấn - nhà sáng lập kiêm CEO của TOPICA Edtech Group (Tổ hợp Công nghệ giáo dục), 47% việc làm sẽ mất đi trong 10-20 năm tới. Điều này đồng nghĩa sẽ có hàng trăm triệu người trên thế giới (trong đó có lao động Việt Nam) sẽ mất việc.
Ông Tuấn dẫn chứng: “Tại châu Âu và Mỹ, Adidas đã thử nghiệm được 1 năm những nhà máy sản xuất giày không cần ánh đèn vì 100% là máy móc. Nếu điều này xảy ra tại các doanh nghiệp da giày, dệt may Việt Nam thì sẽ hơn 2 triệu người lao động thất nghiệp”.
Những công việc được dự đoán sẽ mất đi gồm chuyên viên tín dụng, lễ tân, nhân viên thực hiện các giao dịch, lái xe,… Các công việc an toàn là ca sĩ, bác sĩ và giáo viên (bậc phổ thông),...
Cùng với đó, rất nhiều công việc mới sẽ xuất hiện. Đó là những việc mà ở thời điểm hiện tại chúng ta còn chưa thể hình dung ra được. Cũng giống chúng ta chưa bao giờ hình dung xe ôm lại có thể trở thành “xe ôm công nghệ” như hiện nay.
Giáo dục nhân bản sẽ lên ngôi
TS Đỗ Mạnh Cường - Thường trực Hội đồng giáo dục, Giám đốc chuyên môn Tập đoàn Nguyễn Hoàng (NHG) - cho rằng: “Tiến bộ của công nghệ thông tin đã giúp chúng ta rất nhiều việc, không phải chỉ trong công việc hay sinh hoạt thường nhật mà còn trong ngay cả việc dạy và học. Người học ngày nay có thể học mọi lúc mọi nơi, có thể có những “người thầy” dạy học trò không biết mệt mỏi, hoạt động liên tục không cần ăn uống, trả lời hàng trăm lần cho một câu hỏi mà không hề cáu giận hay bực bội…”
Tuy nhiên, ông Cường cho rằng cũng chính sự phát triển của công nghệ, của trí tuệ nhân tạo khiến việc học không còn là độc quyền của con người. Máy có thể học rất tốt, rất nhanh, ứng dụng còn chính xác hơn con người.
“Người ta từng nghĩ rằng tư duy logic đỉnh cao của con người nằm ở môn cờ vua nhưng cách đây 20 năm, điều đấy đã thay đổi. Khi siêu máy tính Deep Blue của IBM với tích hợp trí tuệ nhân tạo lần đầu tiên đã đánh bái đại kiện tướng cờ vua người Nga, Garry Kimovich Kasparov. Thời điểm đó đánh dấu tư duy logic không còn là của riêng con người nữa”, TS Mạnh Cường dẫn chứng.
Trong tương lai rất gần, robot với trí tuệ nhân tạo (AI) có thể thay thế con người để tạo nên các sản phẩm ngày một chính xác hơn với chi phí thấp hơn, có thể thay thế con người trong rất nhiều công việc (nhất là những công việc nguy hiểm).
Vấn đề (problem) mà giáo dục phải giải quyết trong tương lai chính là “Làm sao để sống trọn vẹn phẩm giá Người trong một thế giới có rất nhiều thứ giống như người nhưng không phải là Người!” Câu trả lời tuy không khó, nhưng không sẵn có. Bất chấp robot (công nghệ) với AI hiện đại đến đâu, thì những gì do chúng tạo ra vẫn chỉ là các sản phẩm và chúng ta đánh giá cao công nghệ là bởi chức năng tạo ra sản phẩm của nó.
Máy móc, công nghệ có thể tạo ra sản phẩm, nhưng chỉ con người mới có thể tạo ra giá trị, vì giá trị chỉ được tạo ra khi các sản phẩm ấy đi vào trong tương quan giữa người với người hay với thế giới xung quanh. Vậy thì, đừng để lối đánh giá con người theo chức năng chi phối chúng ta, mà phải đánh giá con người theo phẩm tính của họ và giá trị họ tạo ra trên nền tảng hiểu rõ bản thân và người khác. Đó là lý do giáo dục nhân bản, lấy giá trị con người làm trọng vốn là sứ mạng muôn thủa của giáo dục sẽ ngày càng lên ngôi.
Xem ngoại ngữ là ngôn ngữ thứ hai là một thí dụ khác. Ông Nguyễn Ngọc Thủy - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Anh ngữ Apax - cho rằng trong xu thế hội nhập toàn cầu, con người giao tiếp với nhau không chỉ cần hiểu ngôn ngữ mà còn phải hiểu văn hóa của nhau. Đặc biệt, trong hợp tác, cần phải tư duy cùng nhau.
Việc học tiếng Anh ngày nay không chỉ là học ngôn ngữ mà là học văn hóa, tư duy toàn cầu. Cách dạy và học tiếng Anh cũng cần có sự thay đổi, chuyển từ giáo dục ghi nhớ sang khuyến khích sáng tạo.
Giáo dục không chỉ là chuyện học và chẳng ai lại mong muốn mình trở thành một cái máy học. Chỉ con người mới làm ra giá trị người, và giá trị ấy được làm ra bằng giáo dục. Trên các bức tường, sổ tay của NHG có câu “Con người làm nên tất cả, giáo dục làm nên con người” – TS. Đỗ Mạnh Cường.
Ngày trước, người ta dạy và học nặng về từ vựng, ngữ pháp nhưng bây giờ cần tập trung vào khả năng biểu đạt ngôn ngữ và xem tiếng Anh như là ngôn ngữ thứ hai thay vì là một ngoại ngữ.
Ông Nguyễn Ngọc Thủy - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Anh ngữ Apax.