Khiêm tốn thì rất khó để trở thành CEO, và đây là lý do vì sao
Nhún nhường khiêm tốn có lẽ là phẩm chất tốt đẹp cuối cùng dành cho những người nắm giữ các vị trí có tầm ảnh hưởng, từ chính trị gia, nhân viên điều hành cấp cao cho đến các nghệ sĩ hàng đầu.
Nhiều nghiên cứu phản ánh rõ thiên kiến cho rằng những nhà lãnh đạo khiêm tốn thường nhũn nhặn, cảm xúc luôn ổn định, ham học hỏi, và ít khi thể hiện những nét tính cách bốc đồng như sự tự cao hoặc vị kỷ.
Có lẽ điều đáng nói nhất là các công ty và tập thể được lãnh đạo bởi những cá nhân khiêm tốn thì thường làm việc hiệu quả hơn. Nhưng dù cho phẩm chất này tốt cho doanh nghiệp, thì cũng thật là khó khi yêu cầu các CEO phải tỏ ra thực sự khiêm tốn.
Thành công sẽ bào mòn dần sự khiêm tốn
Một điểm mạnh nổi bật ở những lãnh đạo khiêm tốn là sự tự ý thức – tin tưởng vào khả năng của bản thân, và đánh giá đúng những hạn chế của mình. Trong khi đó, chúng ta thường đánh giá quá cao những điểm mạnh của mình và không hề chú ý đến giới hạn của bản thân. Các CEO cũng không phải ngoại lệ, trên thực tế có thể họ còn đánh giá quá cao khả năng của mình.
Lý do cho chuyện này là vì các CEO cực kỳ tự tin. Sự tự tin làm nên thành công trong sự nghiệp chính là yếu tố quan trọng để lãnh đạo một tổ chức. Tuy nhiên thành công lại đến từ nhiều yếu tố, và đôi khi các CEO bỏ qua một yếu tố khá quan trọng, đó là may mắn. Và chính sự tự tin đó sẽ có lúc làm hại cho cả tổ chức. Nghiên cứu cho thấy những CEO tự tin thái quá thường trả giá quá cao trong các thương vụ mua lại, chấp nhận những rủi ro vô lý, ra mắt nhiều sản phẩm mới không thành công và có hiệu quả công việc không ổn định.
Cư xử “như một CEO”
Nghiên cứu cho thấy nhiều công việc thu hút nhiều người với những tính cách đặc biệt. Các nhà tuyển dụng lại chủ yếu dựa vào phán đoán (đôi khi là chủ quan) để xem tính cách của ứng viên có phù hợp với vị trí và tổ chức hay không.
Các CEO thường ghi điểm cao hơn so với những người khác về các nét tính cách như tham vọng, quyết đoán và ưa mạo hiểm. Những người có tính cách như vậy đặc biệt giỏi “giả vờ” để phù hợp với các tiêu chí cho một vị trí nào đó. Sự khiêm tốn thực sự, vì thế, có thể chỉ là một nét tính cách hiếm hoi tồn tại trong các ứng viên cho vị trí CEO.
Những rào cản đặt ra cho một lãnh đạo khiêm tốn
Những CEO khiêm tốn thường coi lãnh đạo là một hoạt động chung và chủ động tìm kiếm lời khuyên từ người khác. Mặc dù cách này có thể có tác dụng với một số quyết định cần cân nhắc và phân tích, nhưng nó lại rất tốn thời gian.
Các công ty hiệu quả cao thường có khả năng đưa ra những quyết định cực nhanh. Thực tế cho thấy các CEO kiêu ngạo thường nhanh hơn khi phải đưa ra những quyết định quan trọng, chẳng hạn như về việc áp dụng các công nghệ mới.
Các CEO cũng được kỳ vọng là sẽ đưa ra những dự đoán chính xác về tương lai. Nhờ sự tự ý thức, các CEO khiêm tốn thường đưa ra những kỳ vọng thực tế hơn, và nhiều khi nó lại đi chệch hướng so với kỳ vọng đầy ảo tưởng của đám đông xung quanh.
Tuy nhiên, các chuyên gia phân tích thường đánh giá cao các dự đoán khả quan và nhiều triển vọng. Vì thế, các CEO khiêm tốn có thể gặp bất lợi khi đưa ra những dự báo thận trọng, dù là thực tế hơn.
Một số nghiên cứu cho thấy khả năng tự ý thức ở những lãnh đạo giỏi có thể sẽ cao hơn ở giai đoạn cuối trong sự nghiệp, tức là họ sẽ trở nên khiêm tốn hơn khi sắp nghỉ hưu. Tuy nhiên, lợi ích có được từ tuổi tác và kinh nghiệm có thể sẽ bị bù trừ bởi những xu hướng xuất hiện khi họ đã ở đoạn cuối sự nghiệp. Chẳng hạn, những CEO sắp nghỉ hưu thường có xu hướng giảm thiểu đầu tư vào các hoạt động đổi mới, và những người có tuổi nghề càng cao thì lại càng ngại thay đổi.
Giữ được sự khiêm tốn trong suốt những giai đoạn thăng tiến quả thực là khó cho các CEO. Những người sở hữu đức tính này thực sự nhiều khi lại phải đối mặt với chính những thử thách lớn, và có khả năng hủy hoại mọi lợi ích mà đức tính khiêm tốn mang lại.