Kho báu mới nổi của Việt Nam được hơn một nửa thế giới săn đón: Xuất khẩu tăng 3 chữ số trong tháng đầu năm, Ấn Độ, Trung Quốc mạnh tay gom hàng
Hiện mặt hàng tỷ đô này của Việt Nam đã phủ sóng hơn 160 quốc gia và vùng lãnh thổ.
- 22-02-2024Đối thủ của Honda CR-V ra mắt phiên bản 2024: Giá khởi điểm hơn 534 triệu đồng, phạm vi hoạt động hơn 600km
- 20-02-2024Quốc gia có diện tích gấp 6 lần Việt Nam đang trở thành 'cứu tinh' cho các hãng xe Trung Quốc: Là sân sau để thâm nhập thị trường Mỹ, thuế nhập khẩu cực hấp dẫn
- 19-02-2024Soán ngôi Hàn Quốc, Trung Quốc trở thành 'ông trùm' cung cấp cho Việt Nam một mặt hàng cực quan trọng, nước ta chi gần 9 tỷ USD nhập khẩu
Theo số liệu thống kê sơ bộ từ Tổng cục Hải quan, một trong những mặt hàng mới nổi của Việt Nam thu về hàng trăm triệu USD trong tháng 1 là chất dẻo nguyên liệu. Cụ thể trong tháng 1, nước ta thu về hơn 268 triệu USD từ xuất khẩu 254.683 tấn chất dẻo, tăng mạnh 33,8% về lượng và tăng 33,9% về trị giá so với tháng trước đó. So với cùng kỳ năm 2023, mặt hàng này đã chứng kiến mức tăng trưởng 114,4% về lượng và tăng 91,3% về trị giá.
Xét về thị trường, 3 quốc gia nhập khẩu nhiều chất dẻo nhất từ Việt Nam là Indonesia, Trung Quốc và Ấn Độ.
Cụ thể, trong tháng 1/2024, xuất khẩu nhựa sang Indonesia đạt 64.476 tấn với trị giá hơn 67,8 triệu USD, chiếm tỷ trọng 25%.
Đối với Trung Quốc, xuất khẩu chất dẻo trong tháng đầu năm đạt 43.591 tấn và thu về hơn 36,6 triệu USD. Bên cạnh đó nước ta xuất sang Ấn Độ đạt 19.134 tấn và thu về hơn 20,1 triệu USD.
Trong năm 2023, Việt Nam đã thu về hơn 2,1 tỷ USD từ xuất khẩu mặt hàng này, giảm 6,1% về trị giá so với năm 2022.
Chất dẻo, hay còn gọi là nhựa hoặc polymer là loại nguyên liệu quan trọng được dùng làm vật liệu sản xuất nhiều loại vật dụng, phục vụ đời sống con người cũng như phục vụ cho sự phát triển của nhiều ngành và lĩnh vực kinh tế như điện, điện tử, viễn thông, giao thông vận tải, thủy sản, nông nghiệp,...
Hiện nay Việt Nam có thể sản xuất được các nguyên liệu như PVC, PP, PET, PS, PE, với tổng công suất gần 3 triệu tấn/năm. Nguồn nguyên liệu trong nước có thể đáp ứng 30% nhu cầu thị trường nội địa, 70% còn lại được nhập khẩu từ các quốc gia trên thế giới như Arab Saudi, Hàn Quốc, Thái Lan, Nhật Bản, Mỹ, Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Malaysia, Singapore…
Cùng với sự phát triển của khoa học công nghệ, chất dẻo còn được ứng dụng và trở thành vật liệu thay thế cho những vật liệu truyền thống tưởng chừng như không thể thay thế được là gỗ, kim loại, silicat,... Do đó, ngành công nghiệp nhựa ngày càng có vai trò quan trọng trong đời sống cũng như sản xuất của các quốc gia.
Theo báo cáo của Hiệp hội Nhựa Việt Nam, tốc độ tăng trưởng của ngành nhựa trong 5 năm qua duy trì ở mức từ 12 - 15%/năm. Tổng doanh thu ngành nhựa hiện đã đạt trên 25 tỷ USD. Hiện sản phẩm nhựa Việt đã xuất khẩu đến hơn 160 quốc gia trên thế giới, có mặt khắp các thị trường khó tính như Mỹ, Nhật Bản, Úc và cộng đồng các quốc gia châu Âu như Đức, Pháp, Anh, Ý, Hà Lan, Tây Ban Nha…
Kim ngạch xuất khẩu nhựa tăng trưởng đều qua các năm, từ 3 tỉ USD trong năm 2018 lên 5,5 tỉ USD trong năm 2022, với mức tăng trưởng trung bình từ 12 - 20%/năm. Tính chung toàn ngành nhựa Việt Nam có gần 4.000 doanh nghiệp trên cả nước, trong đó 90% là doanh nghiệp nhỏ và vừa, tập trung chủ yếu tại khu vực phía Nam.
Các sản phẩm xuất khẩu chủ lực là bao bì, các loại tấm, phiến, màng nhựa; các sản phẩm dùng trong vận chuyển đóng gói, nhựa gia dụng, đồ dùng trang trí, vải bạt tarpaulin.
Kỳ vọng lớn nhất của ngành nhựa Việt Nam hiện nay là những hiệp định thương mại, đặc biệt là Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) có hiệu lực, thuế quan của hầu hết các sản phẩm nhựa xuất khẩu vào thị trường EU được gỡ bỏ. Đây là lợi thế lớn để gia tăng sản lượng xuất khẩu của ngành nhựa Việt Nam ở thị trường quan trọng này.
Nhịp sống thị trường