MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

"Khó chia sẻ với những địa phương đã không đóng ngân sách lại còn kéo dài dự án gây thất thoát, lãng phí lớn!"

Dù cảm thông với sự khó khăn của ngân sách Nhà nước cũng như đồng cảm với các địa phương đang gặp khó khăn, nhưng ông Trần Anh Tuấn, đại biểu TP Hồ Chí Minh cho rằng “khó chia sẻ” với những địa phương đã không nộp ngân sách còn kéo dài dự án, gây thất thoát, lãng phí.

Trao đổi bên lề kỳ họp Quốc Hội sáng này 1/11, ông Trần Anh Tuấn, đại biểu TP Hồ Chí Minh đã có những chia sẻ với báo chí về vấn đề phân bổ ngân sách cho các địa phương.

Ông có bình luận gì về việc chỉ có 13/63 tỉnh thành có điều tiết ngân sách về Trung ương?

Theo tôi, con số 13/63 tỉnh thành có điều tiết ngân sách về Trung ương vẫn còn khá khiêm tốn. Nếu chúng ta không có ưu tiên trong đầu tư cho những địa phương tự cân đối thì sẽ làm mất đi động lực để những địa phương này đóng góp thêm. Mặt khác, những địa phương chưa tự điều tiết được cần có sự nỗ lực hơn trong quá trình phát triển kinh tế xã hội.

Tôi thấy có nhiều địa phương gặp khó khăn, đặc biệt là những địa phương ở miền núi, tuy nhiên, cần có sự nỗ lực chung mạnh hơn nữa, làm sao để chúng ta có thể nâng số địa phương tự cân đối ngày một cao hơn, phấn đấu được từ 25 – 30 địa phương. Như vậy, phát triển chung của Việt Nam sẽ cải thiện hơn rất nhiều, tăng trưởng chung sẽ rất cao vì hiện nay chúng ta mới phát triển ở mức bình quân của các nước Đông Nam Á, tốc độ tăng trưởng chỉ đang dao động quanh mức 6%.

Chúng ta phải đột phá hơn nữa. Do đó, cần phải có sự nỗ lực của chính các địa phương. Nó vừa góp phần làm giảm đi gánh nặng cho ngân sách, cho những địa phương đang tự cân đối được, vừa tạo động lực tăng trưởng kinh tế.

Có ý kiến cho rằng một số địa phương thì “nai lưng ra làm”, một số khác lại phụ thuộc quá nhiều, ông nghĩ gì về điều này?

Những địa phương đấy cũng đang cố gắng làm, tuy nhiên, điều kiện để phát triển của họ vẫn còn nhiều hạn chế, bất lợi... như ở miền Trung chẳng hạn, lũ lụt, hạn hán nhiều, hạ tầng lại chưa phát triển thì làm sao thu hút được các nhà đầu tư. Cho nên tôi nghĩ cần chia sẻ với các địa phương đó trong việc phát triển.

Tuy nhiên, những địa phương đó cũng cần phải cố gắng nhiều hơn nữa trong việc thu hút đầu tư, nâng cao hiệu quả đầu tư, tránh thất thoát. Việc kéo dài dự án gây thất thoát của những địa phương không tự cân đối được ngân sách là điều không thể chấp nhận được.

Ở những địa phương lớn, nhu cầu đầu tư của họ lớn, quản lý cũng phức tạp bởi quy mô, dân số, mật độ dân số lớn, dẫn đến việc đền bù giải toả khó khăn, do đó có thể thời gian kéo dài. Nhưng đối với những địa phương kia thì việc quản lý dự án đầu tư sẽ đơn giản hơn. Do đó, nếu để kéo dài, gây thất thoát lãng phí thì tôi rất khó để chia sẻ. Cần phải có đầu tư hiệu quá, không thể để dự án đội vốn, kéo dài thời gian.

Tuy nhiên, trong 50 địa phương đó, không phải địa phương nào cũng khó khăn, vậy nguyên nhân từ đâu?

Theo tôi, nhu cầu phát triển của mỗi địa phương rất lớn nhưng nguồn thu để đáp ứng chưa nhiều vì nền tảng “cứng”, “mềm” đều chưa ổn dẫn đến việc thu hút đầu tư còn hạn chế. Vì vậy, việc cân đối được rất khó khăn.

Trong thời gian tới, tôi cho rằng cần có một quá trình đánh giá tổng thề về mức độ đầu tư và hiệu quả thu được để có thể cảnh báo địa phương nào cần nỗ lực hơn nữa trong đầu tư phát triển.

Mặt khác, bộ máy chính quyền cũng là một vấn đề cần xem xét, chi thường xuyên hiện cao quá. Tỉnh thành phố nào cũng có các cấp giống nhau, trong khi những địa phương có quy mô khác nhau nên cũng cần linh hoạt về bộ máy sao cho gọn nhẹ để chi ít lại. Trong trung dài hạn, cơ chế chính sách không nên đánh đồng giữa các tỉnh thành mà nên tuỳ theo ngưỡng quy mô để có bộ máy hành chính phù hợp.

TP Hồ Chí Minh có bị hụt hẫng vì bị giảm ngân sách?

Quy mô kinh tế ngày càng tăng nhưng giảm về đầu tư phát triển nên đây là thách thức lớn cho thành phố. Dư địa phát triển trong dài hạn cũng bị hạn chế kìm lại khi đầu tư bị bóp lại.

Tuy nhiên chúng tôi cũng chia sẻ với Chính phủ, đồng tâm cam khó với các địa phương khác. Chúng tôi đang có những biện pháp để huy động nguồn lực điều tiết cũng như dự kiến xây dựng những đột phá tạo sự chủ động cho nguồn lực của thành phố.

Xin cảm ơn ông!

Đức Minh

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên