Khó có “sóng” tỷ giá
Quy mô dự trữ ngoại hối quốc gia tăng tiếp tục tăng sức đề kháng cho cho nền kinh tế tránh được các cú sốc từ bên ngoài.
- 29-10-2016Tỷ giá vẫn cướp đi hàng trăm tỷ lợi nhuận của doanh nghiệp
- 26-10-2016Kỳ vọng tỷ giá sẽ không biến động quá 1% cho cả năm 2016
- 26-10-2016Tỷ giá USD/VND tiếp tục tăng mạnh
Chính sách tỷ giá củng cố niềm tin
Từ ngày 31/10 đến 4/11, Trung Quốc đã hai lần điều chỉnh giảm giá đồng nội tệ nước này. Cụ thể, ngày 1/11, NHTW Trung Quốc giảm giá 0,14% ấn định tỷ giá tham chiếu của đồng nhân dân tệ ở mức 6,7734 nhân dân tệ đổi 1 USD. Đến ngày 4/11/2016, tỷ giá tham chiếu mới của đồng CNY ở mức 6,7514 CNY/1 USD, tương đương mức giảm 0,03%, khiến đồng CNY ở mức giá thấp nhất so với USD trong khoảng 4 năm qua.
Tuy nhiên ở trong nước, tỷ giá VND/USD không những không tăng mà còn giảm. Theo số liệu cập nhật từ Trung tâm Nghiên cứu kinh tế MaritimeBank, chốt ngày 4/11, tỷ giá trung tâm đứng ở mức 22.012 đồng/USD, giảm 33 đồng so phiên cuối tuần trước ngày 28/10. Trên thị trường liên ngân hàng tỷ giá giao dịch khá ổn định trong khoảng 22.326 – 22.331 đồng/USD.
Đây là một khác biệt bởi trước đây, mỗi lần loại ngoại tệ này “hắt hơi” là đồng VND có thể “sổ mũi”. Như năm 2015, cú sốc phá giá 4,6% đồng CNY của Trung Quốc vào ngày 11/8 khiến NHNN phải điều chỉnh tỷ giá thêm 1% vào ngày 19/8, sau khi đã nới tỷ giá hai lần mỗi lần 1% vào ngày 7/1 và 7/5/2015.
Sức ép lên tỷ giá trong năm 2016 không chỉ đến từ lo ngại phá giá đồng CNY của Trung Quốc, mà còn ở những biến động từ tình hình kinh tế thế giới bất ngờ diễn ra như sự kiện Brexit, đảo chính ở Thổ Nhĩ Kỳ… đã khiến cho nhiều đồng ngoại tệ của các nước trên thế giới chao đảo.
Đến thời điểm này, nhiều nước trong khu vực đã phải phá giá mấy chục % như Indonesia, Myanmar… Ngay cả đồng CNY, từ đầu năm đến nay cũng đã mất giá khoảng 5%, trong khi đó đồng VND mới chỉ giảm giá khoảng hơn 0,2% so với đồng USD, cho thấy tỷ giá đang rất ổn định với cơ chế điều hành mới.
Lý do đồng VND vẫn tiếp tục duy trì “sức khỏe” trước biến động của các đồng tiền mạnh trên thế giới được một chuyên gia NH nhận định: đó là việc công bố tỷ giá trung tâm có lên, có xuống hàng ngày đã giảm tâm lý găm giữ ngoại tệ.
Theo vị này, dù có thể dự báo trúng NHNN điều chỉnh ở mức 1 hay 2% nhưng giá cứ lên xuống theo ngày, khó nhà đầu tư (NĐT) nào kiên nhẫn để ôm hàng chờ thời được bởi mức sinh lời thấp, trong khi lãi suất VND vẫn khá hấp dẫn. Điều này đã làm nản lòng người muốn đầu cơ găm giữ ngoại tệ. Áp lực tỷ giá vì thế giảm đi rất nhiều.
Nhìn lại diễn biến thị trường ngoại tệ từ đầu năm đến nay, Phó Tổng giám đốc HDBank Lê Thành Trung khẳng định, chính sách tỷ giá tạo niềm tin lớn cho các thành viên tham gia thị trường. Khi tỷ giá ổn định, các NĐT yên tâm hơn môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam. Biểu hiện rõ qua việc TTCK tăng điểm khá tốt từ mức 600 điểm trong những ngày đầu năm, đến nay đã lên trên 670 điểm và giá trị giao dịch cũng tăng trưởng.
Tuy mức tăng không phải quá lớn nhưng TTCK là hàn thử biểu của nền kinh tế nên sự tăng trưởng đó là đáng khích lệ, nhất là trong bối cảnh chứng khoán nhiều nước sụt giảm mạnh. “Nếu như không có chính sách tỷ giá tốt thì TTCK khó tăng trưởng được như vậy. Bởi nếu tỷ giá không ổn định, đồng VND mất giá ảnh hưởng đến ngay quyết định đầu tư của NĐT, khiến họ không những không đầu tư thêm thậm chí còn rút vốn”, TS Trung bình luận thêm.
Chia sẻ với phóng viên, Giám đốc một DN xuất nhập khẩu về đồ da dụng cho biết, với phương thức điều hành theo cơ chế tỷ giá trung tâm của NHNN triển khai từ đầu năm, DN này cũng đã có các biện pháp dự phòng rủi ro tỷ giá giảm thiểu chi phí đáng kể. Nhất là DN không phải đi gom ngoại tệ trên thị trường tự do vì cung ngoại tệ NH khá tốt nên đáp ứng đủ nhu cầu thanh toán.
Nhờ tỷ giá ổn định, NHNN đã mua vào một lượng ngoại tệ tương đối lớn quy mô dự trữ ngoại hối quốc gia tăng kỷ lục, đến tháng 9/2016 đạt trên 40 tỷ USD, tiếp tục tăng sức đề kháng cho cho nền kinh tế tránh được các cú sốc từ bên ngoài.
Áp lực nào lên tỷ giá cuối năm?
Theo phân tích của một chuyên gia làm việc lâu năm tại NHNN thì các yếu tố tạo áp lực lên tỷ giá đang giảm dần. Một trong những yếu tố tác động đến tỷ giá thường được nhắc tới đó là cung – cầu ngoại tệ. Nếu những năm trước đây thời điểm này DN nhập khẩu hàng hóa rất mạnh để phục vụ dịp lễ, tết, thì năm nay do kinh tế tăng trưởng thấp hơn kỳ vọng, nhập khẩu giảm, kéo theo là cầu ngoại tệ thấp.
Trong khi đó nguồn cung lại đang khá dư dả. Vốn FDI được giải ngân rất tốt, nguồn kiều hối ổn định, nhất là sắp tới thị trường sẽ có nguồn ngoại tệ lớn từ hoạt động mua bán, sáp nhập, thoái vốn từ các tập đoàn kinh tế lớn dự báo diễn ra rất mạnh.
Đơn cử, riêng phần thoái vốn khỏi Vinamilk giúp Chính phủ thu về 900 triệu USD. Tiếp đó là những cái tên ông lớn Habeco, xa hơn là Sabeco… “Là người kinh doanh tiền tệ, trong bối cảnh cầu yếu, cung thừa nhiều như vậy không ai dại tạo sóng lớn và biến mình thành nạn nhân để sóng cuốn đi. Từ giờ đến cuối năm, tỷ giá thay đổi không đáng kể”, vị này đưa ra quan điểm.
Trung tâm nghiên cứu kinh tế MaritimeBank cùng chung nhận định, với dự trữ ngoại hối 40 tỷ USD, mức cao nhất từ trước đến nay thì việc NHNN can thiệp để bình ổn tỷ giá là rất khả thi. Đồng thời, lượng kiểu hối chuyển về nước năm nay được dự đoán khá lớn xấp xỉ năm ngoái ở mức 12 tỷ USD, đặc biệt là dịp sát Tết cuối năm.
Tuy nhiên những yếu tố trên cũng không đủ để khẳng định không còn áp lực nào lên tỷ giá từ nay đến cuối năm. Bởi lẽ, nền kinh tế thế giới vẫn đang đứng trước nhiều biến động khó lường. Có thể tỷ giá phải chịu những tác động từ thị trường thế giới như USD tăng giá, CNY tiếp tục bị phá giá… Đó là tình huống từ bên ngoài, còn nội tại, theo Tổng cục Thống kê, sau khi xuất siêu 864 triệu USD trong tháng 9, tháng 10 đã chuyển sang nhập siêu 200 triệu USD. Tình hình nhập siêu dự kiến có thể tiếp tục tăng lên trong 2 tháng còn lại của năm nay.
Với xu hướng đang diễn ra, mức độ nhập siêu của Việt Nam từ Trung Quốc có nguy cơ gia tăng mạnh hơn. Chưa kể một số nước trong khu vực ASEAN cũng có xu hướng giảm giá đồng nội tệ, để duy trì ổn định tỷ giá, theo TS Nguyễn Trí Hiếu, Chính phủ cần có chính sách ngoại hối linh hoạt để trung hòa được với xu hướng đó nhằm tránh nguy cơ nhập siêu ngày càng lớn vào Việt Năm, tăng sức cạnh tranh cho các DN trong nước.
Dù khả năng có sóng tỷ giá là rất nhỏ, nhưng TS Võ Trí Thành cho rằng, cẩn thận vẫn không thừa. Bên cạnh nguồn lực dự phòng, NHNN phải đảm bảo có các biện pháp đủ linh hoạt để không mất đi tính thị trường, tạo ra những bước nhảy không cần thiết trong tỷ giá.
Thời báo Ngân hàng