MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Khó cưỡng chế dứt điểm ở 8B Lê Trực

13-05-2017 - 08:32 AM | Bất động sản

Dù các phần vi phạm của công trình 8B Lê Trực đã được chỉ đạo xử lý cưỡng chế phá dỡ nhưng đến nay mọi việc vẫn đang gặp khó khăn.

Sở Xây dựng Hà Nội vừa đề xuất TP cho phép chỉ định thầu để Công ty TNHH Tư vấn ĐH Xây dựng (Công ty Xây dựng) hoàn thiện hồ sơ tham gia lập, thẩm định phương án phá dỡ giai đoạn 2 công trình 8B Lê Trực. Đồng thời, yêu cầu Công ty CP Tập đoàn Phương Bắc (Công ty Phương Bắc) giữ nguyên tháp cẩu lắp đặt trên mặt đường Trần Phú - Kim Mã phục vụ phá dỡ giai đoạn tiếp theo.

Sau trì hoãn lại xin dừng

Công ty Phương Bắc (đơn vị được ký hợp đồng phá dỡ giai đoạn 1) đã lần thứ hai gửi văn bản đến UBND TP Hà Nội và các cơ quan chức năng kiến nghị dừng phá dỡ giai đoạn 2, đồng thời cho phép tháo dỡ tháp cẩu lắp đặt trên mặt đường Trần Phú - Kim Mã.


Công trình 8B Lê Trực Ảnh: Nguyễn Quyết

Công trình 8B Lê Trực Ảnh: Nguyễn Quyết

Tập đoàn này cho biết đã phá dỡ giai đoạn 1 (tầng 19) công trình 8B Lê Trực đúng tiến độ (hoàn thành ngày 27-10-2016). Xét theo số tầng vi phạm thì đã xử lý xong. Tuy nhiên, chủ đầu tư tự điều chỉnh chiều cao các tầng và không giật cấp theo giấy phép xây dựng được cấp. Vì vậy, các cơ quan chức năng vẫn tiếp tục chỉ đạo Công ty Phương Bắc lập biện pháp phá dỡ giai đoạn 2. Do tính chất phức tạp về kiến trúc và kết cấu của tòa nhà nên việc đưa ra biện pháp phá dỡ rất khó, sẽ phải bỏ hầu như các cột và dầm biên chịu lực của tòa nhà.

Ngày 10-10-2016, Công ty Phương Bắc có công văn đề nghị đơn vị thiết kế tòa nhà là Công ty Xây dựng thiết kế phương án phá dỡ giai đoạn 2. Trên cơ sở đó, UBND quận Ba Đình (Hà Nội) mời Công ty Xây dựng (đơn vị thiết kế tòa nhà 8B Lê Trực) tham gia lập phương án phá dỡ đối với phần khoảng lùi (giật cấp). Đơn vị này chấp thuận về nguyên tắc, đồng thời tiếp cận hồ sơ lập phương án và sau đó tạm đưa ra mức phí dự kiến hơn 1,5 tỉ đồng. Nếu thiết kế phương án phá dỡ giai đoạn 2 được đánh giá là tuyệt đối an toàn, Công ty Phương Bắc sẽ có căn cứ hoàn chỉnh biện pháp thi công trình cơ quan chức năng.

Tuy nhiên, đến nay, đơn vị thiết kế vẫn chưa đưa ra được phương án phá dỡ. Tiến độ không đạt do chủ đầu tư không cung cấp tài liệu. Từ đó, Công ty Phương Bắc đề nghị dừng phá dỡ giai đoạn 2, đồng thời xin được tháo dỡ cẩu trục tháp và vận thăng lồng tại công trình vì sợ tiềm tàng nhiều rủi ro và mất an toàn cho người dân tham gia giao thông trên tuyến đường xung quanh cũng như sinh sống trong khu vực liền kề tòa nhà.

Phải làm đúng quy định

Trước đề xuất trên, theo đại diện Sở Xây dựng Hà Nội, sở này và các cơ quan chức năng đang thực hiện đúng chỉ đạo của Thành ủy và UBND TP Hà Nội về xử lý vi phạm tại dự án 8B Lê Trực; không chấp nhận đề xuất dừng phá dỡ phần sai phạm giai đoạn 2. Công ty Phương Bắc được chọn ký hợp đồng phá dỡ giai đoạn 1, không có thẩm quyền đề xuất dừng phá dỡ, việc lập và lên phương án phá dỡ giai đoạn 2 vẫn tiến hành bình thường.

Ông Võ Nguyên Phong, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội, cho biết đã yêu cầu giữ nguyên kế hoạch thực hiện và khẳng định các vi phạm của công trình này đã được Thủ tướng, UBND TP Hà Nội chỉ đạo cưỡng chế phá dỡ. Vì thế, yêu cầu Công ty Phương Bắc duy trì cần trục tháp và vận thăng lồng tại công trình. UBND quận Ba Đình chỉ đạo, đôn đốc UBND phường Điện Biên và Công ty Xây dựng khẩn trương hoàn thiện phương án phá dỡ giai đoạn 2. Ông Nguyễn Phong Cầm, Phó Chủ tịch UBND quận Ba Đình, tổ tưởng tổ công tác đặc biệt xử lý sai phạm tại tòa nhà 8B Lê Trực, khẳng định sẽ không có chuyện cho dừng thực hiện cưỡng chế, cũng không có việc tòa nhà này sắp được đưa vào hoạt động trước khi cưỡng chế xong.

Chủ đầu tư: "Phá nữa thì sập tòa nhà"

Ông Trần Đức Minh, Tổng Giám đốc Công ty CP May Lê Trực (chủ đầu tư dự án 8B Lê Trực), khẳng định đang ở giai đoạn cưỡng chế nên chủ đầu tư không có quyền can thiệp vào việc tiếp tục hay dừng. Chỉ mong muốn chính quyền làm thế nào để dân đã thiệt hại đỡ khổ. "Dân đã mua nhà thì giờ là tài sản của họ rồi, chủ đầu tư chỉ còn một phần nhỏ, tài sản chính là của người dân. Việc phá dỡ hiện đã đến phần kết cấu chính, nếu cứ đập tiếp thì ảnh hưởng nghiêm trọng đến tòa nhà. Nếu tiếp tục phá, nhẹ thì nghiêng, nặng thì sập nhà" - ông Minh nói.

Theo Nguyễn Quyết - Thùy Dương

Người lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên