Khó đảm bảo quyền lợi gần 18 ngàn lao động bị nợ bảo hiểm
Theo số liệu của Bảo hiểm xã hội Việt Nam thì tính đến ngày 31/10/2018, số nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp phải tính lãi là 6.760 tỷ đồng...
- 12-08-2018Khoảng 7.200 tỷ đồng nợ bảo hiểm trong 7 tháng năm 2018
- 01-08-2018Doanh nghiệp ô tô, công nghệ cao bị “bêu tên” vì nợ bảo hiểm xã hội
- 07-04-2018Doanh nghiệp chây ỳ nợ bảo hiểm xã hội: Sẽ chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra
Việc bảo đảm quyền lợi của người lao động theo quy định tại khoản 7 điều 10 Luật Bảo hiểm xã hội là báo cáo vừa được Chính phủ gửi đến Quốc hội.
Chính phủ nhận định, thời gian qua, tình trạng chậm đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp tại các doanh nghiệp có xu hướng giảm hằng năm nhưng tổng số tiền chậm đóng vẫn còn cao gây ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động.
Đến ngày 31/10/ 2018, số nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp phải tính lãi là 6.760 tỷ đồng. Riêng đối với doanh nghiệp đã giải thể, phá sản, rút giấy phép kinh doanh, chủ bỏ trốn tính đến tháng 9/2018 là 2.270 doanh nghiệp với số nợ bảo hiểm phải tính lãi khoảng 147 tỷ đồng, ảnh hưởng đến quyền lợi của khoảng 17.728 người lao động.
Chính phủ cũng nêu một số nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng trên, trong đó có nguyên nhân từ công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo hiểm chưa được thường xuyên, việc xử lý vi phạm pháp luật về bảo hiểm, trong đó có hành vi chậm đóng tiền bảo hiểm ở nhiều nơi còn chưa nghiêm.
Bên cạnh đó, ý thức chấp hành pháp luật của một số chủ sử dụng lao động chưa nghiêm, nhất là khu vực ngoài nhà nước. Nhiều doanh nghiệp thực sự gặp khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh, phải thu hẹp sản xuất kinh doanh, ngừng hoạt động, phá sản, chủ sở hữu là người nước ngoài bỏ trốn khỏi Việt Nam.
Ngoài ra, người lao động còn thiếu thông tin về việc đóng tiền bảo hiểm của mình hoặc do áp lực việc làm nên không dám đấu tranh với người sử dụng lao động để bảo vệ quyền lợi của mình. Nhiều nơi chưa có tổ chức công đoàn hoặc có tổ chức công đoàn nhưng chưa đấu tranh mạnh mẽ với người sử dụng lao động để thực hiện vai trò đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích của người lao động.
Từ năm 2016, Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 quy định tổ chức công đoàn có quyền khởi kiện ra tòa án đối với hành vi vi phạm pháp luật về bảo hiểm xã hội gây ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động, tập thể người lao động. Tuy nhiên, do có vướng mắc trong quy trình tố tụng nên việc khởi kiện của tổ chức công đoàn gặp nhiều khó khăn, báo cáo tiếp tục nêu nguyên nhân.
Thời gian qua, cũng đã có một số biện pháp được thực hiện nhằm đảm bảo quyền lợi của người lao động nhưng Chính phủ đánh giá, việc bảo đảm quyền lợi của người lao động vẫn chưa được giải quyết triệt để trong trường hợp doanh nghiệp phá sản, rút giấy phép kinh doanh hoặc có chủ là người nước ngoài bỏ trốn mà còn nợ tiền đóng bảo hiểm.
Chính phủ cho biết, liên quan đến nguồn kinh phí đảm bảo quyền lợi của người lao động trong các doanh nghiệp nói trên, có 2 phương án được đề xuất. Một là lấy từ số tiền lãi mà người sử dụng lao động phải nộp do vi phạm quy định về trốn đóng, chậm đóng tiền bảo hiểm theo quy định tại khoản 3 điều 122 của Luật Bảo hiểm xã hội và hai là lấy từ ngân sách nhà nước.
Tuy nhiên, do Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Việc làm và Luật Ngân sách nhà nước đều không quy định nội dung chi đối với trường hợp này nên cả hai phương án trên đều không thực hiện được.
Để giải quyết vấn đề này, thì cần phải sửa đổi, bổ sung cả ba luật nói trên.
Vướng mắc nữa, theo báo cáo là việc bảo đảm quyền lợi của người lao động trong các doanh nghiệp này không đảm bảo nguyên tắc công bằng, bình đẳng giữa các đối tượng tham gia, có thể tạo tiền lệ cho các doanh nghiệp lợi dụng trốn đóng, chậm đóng, không khuyến khích tăng cường tính tuân thủ pháp luật về bảo hiểm. Mặt khác, thông lệ quốc tế cũng không quy định việc xử lý đối với trường hợp này.
Về giải pháp, Chính phủ báo cáo, sẽ tiến hành rà soát, thống kê cụ thể số người lao động bị ảnh hưởng quyền lợi trong các doanh nghiệp phá sản, rút giấy phép kinh doanh, có chủ bỏ trốn (số người lao động, thời gian nợ và tiền lương đóng bảo hiểm của từng người cụ thể). Từ đó làm cơ sở cho việc nghiên cứu, đánh giá tác động một cách toàn diện, thận trọng (tránh tạo tiền lệ để các doanh nghiệp khác lợi dụng tiếp tục trốn đóng làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động) và đề xuất trong quá trình sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội và các luật khác có liên quan, đồng bộ với các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu được nêu tại nghị quyết Trung ương 28 về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội.
Vneconomy