MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Khó giảm lãi suất cho vay và nợ xấu

27-04-2016 - 16:58 PM | Tài chính - ngân hàng

Cần có sự quyết tâm, đột phá về chính sách để xây dựng thị trường mua bán nợ, để có thể xử lý nợ xấu một cách thực chất.

TS. Nguyễn Trí Hiếu
TS. Nguyễn Trí Hiếu
Chuyên gia tài chính
308 bài viết
  • Việc can thiệp tỉ giá bằng cách bán ngoại tệ ra thị trường cần cẩn trọng, vì đây là con dao 2 lưỡi trong bối cảnh dự trữ ngoại tệ của Việt Nam đang ở xung quanh 3 tháng nhập khẩu - ngưỡng an toàn

Khi nợ xấu được xử lý mới có thể kéo giảm lãi suất, giảm chi phí vốn cho doanh nghiệp (DN), tạo sức sống cho nền kinh tế. Đây là đề xuất của các chuyên gia về vấn đề được coi là cấp thiết với hệ thống ngân hàng hiện nay.

Xử lý nợ xấu như “lấy thảm che rác”

Thời gian qua, chúng ta đã có nhiều nỗ lực trong quá trình tái cơ cấu ngân hàng, thể hiện ở số lượng ngân hàng yếu kém được xử lý và kéo giảm tỷ lệ nợ xấu xuống dưới 3%. Tuy nhiên, theo TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế trung ương (CIEM), đây mới là kết quả thể hiện ở con số, nợ xấu ngân hàng thực chất vẫn tồn tại trong nền kinh tế. “Việc xử lý mới chỉ như là “quét rác xuống thảm”, hay là “lấy thảm che rác” mà thôi”, TS Nguyễn Đình Cung bình luận.

TS Nguyễn Đình Cung phân tích, xét về tổng thể, nợ xấu phải được đưa ra khỏi nền kinh tế và thay vào đó luồng tiền mới thì hệ thống ngân hàng khi đó mới vận hành bình thường, đúng vai trò là huyết mạch của nền kinh tế. Còn hiện nay, nợ xấu vẫn nằm trong nền kinh tế, không những khiến cho hệ thống không thể vận hành bình thường mà còn tạo ra chi phí cho toàn xã hội. Một chi phí rõ nhất là trong lãi suất, ngân hàng gánh chi phí nợ xấu khiến họ không thể giảm lãi suất và kết quả là DN phải chịu lãi suất cao trong khi lạm phát của nền kinh tế rất thấp.

Việc phải gánh chi phí vốn cao khiến nền kinh tế phải đối đầu với hai khó khăn. Thứ nhất là mặt bằng lãi suất chung của DN Việt Nam cao hơn hẳn các DN nước ngoài, khiến khả năng cạnh tranh của họ giảm. Điều này càng góp thêm vào những khó khăn chồng chất cho DN Việt vốn đang “thiếu sức sống”. Khó khăn thứ hai là với chi phí lãi suất cao, khiến các DN khó triển khai các dự án đầu tư bình thường. Để có hiệu quả, lựa chọn của DN phải là những dự án có lợi suất cao để bù chi phí và đương nhiên đi kèm với rủi ro cao. Cuối cùng, điều này lại dẫn tới nguy cơ tăng nợ xấu.

Chưa xử lý nợ xấu, khó giảm lãi suất cho vay

Chính vì vậy, một điều được kỳ vọng ở nhiệm kỳ Chính phủ mới là việc xử lý nợ xấu sẽ đi vào thực chất sau khi đã có những kết quả bước đầu. Để giải quyết được vấn đề này, TS Nguyễn Đình Cung cho rằng, phải có bước đột phá về chính sách để tạo ra thị trường mua bán nợ. Việc xử lý bằng thị trường, để thị trường điều tiết sẽ không chỉ xử lý vấn đề hiện tại mà còn là thông lệ tốt để xử lý nợ xấu sau này, bởi nợ xấu là vấn đề luôn song hành cùng với hoạt động ngân hàng.

Cũng cùng quan điểm này, chuyên gia tài chính ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, giải pháp tốt nhất để xử lý nợ xấu là xây dựng “chợ” mua bán nợ xấu. Với chợ này, tất cả những nợ xấu được đưa lên mua bán công khai, minh bạch, qua đó thu hút người mua bán, kể cả thu hút nguồn lực từ nhà đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, ông cũng cho rằng đây không chỉ là việc của riêng ngành Ngân hàng mà đòi hỏi sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. “Hiện nay vướng mắc nhất để xử lý nợ xấu theo hướng thị trường là hành lang pháp lý chưa hoàn thiện. Các chính sách pháp luật phải thay đổi để phù hợp thông lệ quốc tế thì mới giải quyết được vấn đề mua bán nợ. Gỡ được các vướng mắc trong mua bán nợ, thanh lý tài sản đảm bảo, thị trường mua bán nợ sẽ ‘tấp nập’”, chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu bình luận.

Tuy nhiên, khi giải quyết nợ xấu với cơ chế thị trường, sẽ không phải các bên đều có lợi mà sẽ có những bên liên quan phải chấp nhận thiệt hại, mà rõ nhất là các ngân hàng, nhưng đây là điều phải chấp nhận nếu muốn mang lại hiệu quả lớn hơn nhiều cho tổng thể nền kinh tế, theo TS Nguyễn Đình Cung. “Nếu chưa xử lý nợ xấu dứt điểm thì đừng mong hệ thống tài chính ngân hàng vận hành bình thường, đừng mong giảm lãi suất cho vay. Giảm lãi suất cho vay hiện nay là điều quan trọng để giảm chi phí vốn, chi phí tài chính cho DN Việt Nam, vốn đang hụt hơi trong hội nhập, cạnh tranh”, TS Nguyễn Đình Cung nhấn mạnh.

"Nếu chưa xử lý nợ xấu dứt điểm thì đừng mong hệ thống tài chính ngân hàng vận hành bình thường, đừng mong giảm lãi suất cho vay. Giảm lãi suất cho vay hiện nay là điều quan trọng để giảm chi phí vốn, chi phí tài chính cho DN Việt Nam, vốn đang hút hơi trong hội nhập, cạnh tranh".

T.S Nguyễn Đình Cung

Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương.

Theo H.Y

Thời báo tài chính

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên