MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Khó khăn bủa vây, loạt doanh nghiệp bất động sản lùi lịch mở bán dự án, thu hẹp quy mô đầu tư, cắt giảm nhân sự

14-11-2022 - 09:23 AM | Bất động sản

Đất Xanh dự kiến mở bán lại dự án Gem Riverside (TP Thủ Đức, TP.HCM) sang năm 2023, thay vì đầu quý IV như kế hoạch cũ do thị trường bất động sản nhìn chung đang chững lại. Trước đó, công ty này cũng lùi lịch mở bán 3 dự án ở Bình Dương và TP.HCM.

Theo báo cáo mới đây của Công ty CP Chứng khoán Bản Việt (VCSC) về CTCP Tập đoàn Đất Xanh (mã: DXG), đơn vị này cho biết Ban lãnh đạo công ty dự kiến mở bán lại dự án Gem Riverside (TP Thủ Đức, TP.HCM) sang năm 2023, thay vì đầu quý IV như kế hoạch cũ do thị trường bất động sản nhìn chung đang chững lại.

Trước đó, hồi tháng 9, Công ty Chứng khoán ACB (ACBS) cho biết, Tập đoàn Đất Xanh đã dời kế hoạch mở bán dự án Opal Cityview và DXH Parkview tại Bình Dương từ quý 3/2022 sang năm 2023 và Lux Star tại TP.HCM từ quý 4 năm nay sang năm sau do những khó khăn trên thị trường bất động sản. Thắt chặt tín dụng đối với cả chủ đầu tư và người mua nhà đã ảnh hưởng đến kế hoạch mở rộng quỹ đất, hoạt động bán hàng, thời gian triển khai và bàn giao dự án của công ty này.

Khó khăn bủa vây, loạt doanh nghiệp bất động sản lùi lịch mở bán dự án, thu hẹp quy mô đầu tư, cắt giảm nhân sự - Ảnh 1.

Đất Xanh lùi lịch mở bán dự án Gem Riverside (TP Thủ Đức, TP.HCM) sang năm 2023.

Một doanh nghiệp trong ngành bất động sản khác là Công ty cổ phần Đầu tư Nam Long dự kiến sẽ lùi lịch mở bán ba dự án. Trong đó, dự án đất nền Cần Thơ và hai dự án tại Đồng Nai sẽ chào bán trong năm sau. Cụ thể, tại Đồng Nai, doanh nghiệp này dự kiến chào bán dự án Izumi City (tên thương mại của dự án Dong Nai Waterfront) và Paragon Đại Phước vào đầu năm 2023, lùi lại lịch so với dự kiến ban đầu. Tại Cần Thơ, dự án đất nền của đơn vị này cũng đang có kế hoạch dời lộ trình mở bán sang năm 2023 thay vì cuối năm nay. Những dự án căn hộ phân khúc bình dân ở TP.HCM và Long An vẫn được công ty mở bán theo kế hoạch.

Bên cạnh đó, Tập đoàn Hà Đô, Tập đoàn Vạn Phúc, Công ty Cổ phần Địa ốc Phú Long… cũng có kế hoạch tạm hoãn lịch mở bán các dự án.

Quý IV thường là mùa cao điểm bán hàng nhưng năm nay thì khác. Sau các diễn biến lãi suất tăng, tín dụng thắt chặt cùng tâm lý đầu tư hạn chế khiến doanh nghiệp địa ốc phải tính toán lại kế hoạch kinh doanh.

Ngoài việc thay đổi các kế hoạch ra hàng, theo tìm hiểu, nhiều doanh nghiệp BĐS tại TP.HCM đang phải cắt giảm nhân sự, giảm lương của nhân viên để đưa chi phí hoạt động về mức thấp nhất. Mục tiêu hiện nay của các doanh nghiệp này là tìm cách tồn tại.

Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM cũng cho biết, một số tập đoàn, doanh nghiệp bất động sản phải tinh giản tối đa bộ máy, giảm lực lượng lao động, thậm chí có tập đoàn giảm đến 50% lực lượng lao động. Diễn biến này tác động đến vấn đề an sinh xã hội, hoặc phải giảm lương tác động đến cuộc sống người lao động.

Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp phải thu hẹp quy mô đầu tư, sản xuất kinh doanh như: Hoãn hoạt động đầu tư; dừng thi công dự án hiện hữu hoặc không triển khai dự án mới; dừng phát hành cổ phiếu để tăng vốn.

Để tháo gỡ những khó khăn trên thị trường bất động sản hiện nay, ông Lê Hoàng Châu cũng các doanh nghiệp bất động sản phía Nam đã gửi tới Chính phủ 10 kiến nghị giải pháp để “cứu” thị trường. Trong đó, giải pháp lớn nhất là hoàn thành sửa đổi Luật Đất đai 2013 và một số luật liên quan, đảm bảo tính thống nhất để phát triển thị trường bất động sản an toàn, bền vững.

Ngoài ra cần tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, người mua nhà được tiếp cận nguồn vốn tín dụng đối với các dự án nhà ở giá vừa túi tiền, nhà ở xã hội, nhất là các doanh nghiệp thực hiện tốt các nghĩa vụ nộp thuế cho Nhà nước, có dự án đảm bảo yếu tố pháp lý.


Phương Hoàng

Nhịp sống thị trường

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên