Khó khăn đã qua, câu chuyện của cổ phiếu dệt may sẽ được viết tiếp?
Theo báo cáo vĩ mô QI/2017 của VEPR, xuất khẩu dệt may Việt Nam đạt 5,6 tỷ USD tăng trưởng 10,2% so với cùng kỳ. Một số doanh nghiệp đã ghi nhận kết quả kinh doanh khởi sắc và đặt mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận ấn tượng.
- 30-03-2017Chủ tịch Vitas: Xuất khẩu dệt may năm nay sẽ tăng trưởng 13-14%
- 16-02-2017[Infographic] Toàn cảnh hoạt động xuất khẩu nhóm hàng dệt may năm 2016
- 13-02-2017Nhiều doanh nghiệp dệt may đã có đơn hàng đến hết quý 2
Ngành dệt may sụt giảm mạnh cuối năm 2016 vì TPP
Năm 2016 được coi là năm khó khăn nhất đối với ngành dệt may trong vòng 10 năm trở lại đây, các doanh nghiệp trong ngành đã phải đối mặt với nhiều thách thức không nhỏ và chịu áp lực cạnh tranh gay gắt.
Đầu tiên phải kể đến việc hàng dệt may Việt Nam gặp bất lợi lớn do phải chịu mức thuế suất cao hơn so với các nước khác. Tại thị trường châu Âu, hàng dệt may Việt Nam phải chịu mức thuế suất từ 9 - 12% thì mức thuế suất áp dụng cho các hàng may mặc của các nước khác như Bangladesh, Campuchia, Lào lại bằng 0%.
Mức lương tối thiểu tăng nhanh, công nghệ lạc hậu thâm dụng lao động và bất lợi về thuế suất đã khiến hàng dệt may Việt Nam đánh mất lợi thế cạnh tranh về chi phí thấp. Cũng vì lý do đó mà nhiều đơn hàng dịch chuyển từ Việt Nam sang các nước khác có chi phí rẻ hơn, các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong nước rơi vào cảnh khan hiếm đơn hàng.
Khi đó, mọi kỳ vọng lại đổ dồn về Hiệp định hợp tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP). Theo ước tính, kim ngạch xuất khẩu dệt may của Việt Nam đến năm 2025 lên đến 50 tỷ USD, tăng gấp 2 lần so với 27 tỷ USD năm 2015 khi TPP có hiệu lực. Tuy nhiên, việc Mỹ bất ngờ tuyên bố rút khỏi TPP sau khi tân tổng thống Mỹ Donald Trump đắc cử khiến cho hiệp định này gặp đình trệ, kỳ vọng giờ trở thành nỗi thất vọng, triển vọng ngành dệt may được đặt dưới dấu hỏi lớn.
Đối mặt với hàng loạt tin tức xấu liên quan đến triển vọng ngành và kết quả kinh doanh, các cổ phiếu của các doanh nghiệp dệt may niêm yết trên thị trường chứng khoán không tránh khỏi tình trạng sụt giảm thị giá.
Tuy nhiên, xét ở nhiều khía cạnh khác lại cho thấy không có TPP, dệt may Việt Nam vẫn còn đó những tiềm năng chưa khai thác hết.
TPP không phải là tất cả?
Từ cái nhìn khách quan hơn, các chuyên gia đã đưa ra nhiều ý kiến cho rằng, ngành dệt may không bị tác động nhiều thậm chí còn để lộ ra một số điểm sáng cho ngành dệt may Việt Nam.
Theo thống kê của Tổng cục Hải Quan, năm 2016, nhóm ngành dệt may đạt tổng giá trị kim ngạch đạt 23,8 tỷ USD tăng 4,6% so với năm 2015. Cụ thể, Hoa Kỳ tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất (chiếm tới 48% kim ngạch xuất khẩu). Đáng chú ý, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may vào Mỹ luôn tăng 12-13%/năm, kèm theo gia tăng mức thị phần.
Một điểm sáng khác đến từ việc nhiều doanh nghiệp đã mạnh dạn đầu tư xây dựng nhà máy dệt, nhuộm mới theo cả quy mô chiều rộng lẫn chiều sâu nhằm đón đầu TPP về lâu dài sẽ giúp ngành dệt may Việt Nam hoàn thiện quy trình sản xuất, chủ động nguồn nguyên liệu.
Có thể kể đến một vài mức đầu tư lớn trong ngành như nhà máy số 1 tại Vĩnh Long của Công ty cổ phần Dệt May- Đầu Tư - Thương mại Thành Công (TCM- HOSE) hay dự án nhà máy dệt sợi số 4 của Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Đức Quân (FTM -HOSE) với công suất 8.700 tấn/năm - giúp nâng tổng công suất lên 25.700 tấn/năm (vươn lên trở thành doanh nghiệp có quy mô lớn nhất Việt Nam về dệt sợi cotton).
Với hàng loạt dự án hướng tới mục tiêu gia tăng quy mô và hoàn thiện chuỗi sản xuất, hướng tới những giá trị hợp đồng lớn, nhiều chuyên gia trong ngành dự báo biên lợi nhuận của ngành dệt may Việt Nam tiếp tục gia tăng. Bên cạnh đó, các hiệp định thương mại như FTA Việt Nam – EU, FTA Việt Nam -Hàn Quốc và hàng loạt các hiệp định thương mại khác hứa hẹn sẽ là một nguồn bổ trợ thương mại lớn cho hoạt động xuất nhập khẩu Dệt May trong bối cảnh thiếu vắng TPP.
Khó khăn qua đi, tương lai còn ở phía trước
Theo báo cáo vĩ mô QI/2017 của VEPR, xuất khẩu dệt may Việt Nam đạt 5,6 tỷ USD tăng trưởng 10,2% so với cùng kỳ. Một số doanh nghiệp đã ghi nhận kết quả kinh doanh khởi sắc và đặt mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận ấn tượng.
Năm 2017, Dệt may Thành Công (TCM) dự kiến lợi nhuận tăng trưởng tới 58% đạt 182 tỷ đồng sau khi công bố kết quả kinh doanh 3 tháng đầu năm kỷ lục với mức doanh thu 346 tỷ đồng và 29,54 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế (tăng trưởng 114%). Tương tự là trường hợp của công ty Đầu tư và Thương mại TNG (TNG) khi đặt mục tiêu kinh doanh tăng trưởng tới 2.200 tỷ đồng doanh thu và 115 tỷ đồng sau thuế tăng 42% so với năm 2016. Với Sợi Thế Kỷ (STK - HOSE), mục tiêu doanh thu gần 1.915 tỷ đồng, tăng 41%. Lợi nhuận sau thuế dự kiến tăng gấp 3 lần lên 87 tỷ đồng.
Các dấu hiệu tích cực trên cho thấy thời kỳ khó khăn nhất đã qua đi và các doanh nghiệp dệt may hoàn toàn có quyền tự tin đối mặt với các thách thức sắp tới.
Thêm một động thái tích cực khác thắp sáng lại cơ hội TPP cho ngành dệt may Việt Nam là việc Nhật Bản đang nỗ lực thay thế Mỹ tái khởi động lại hiệp định này. Như vậy, tiềm năng phát triển cho ngành dệt may vẫn còn nhiều, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp có uy tín, đầu tư mở rộng sản xuất và giảm thiểu chi phí nhờ áp dụng công nghệ hiện đại cho nhà máy mới như TCM, GIL, FTM và các doanh nghiệp dệt may khác.
Trí Thức Trẻ