MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Khó khăn dần qua đi, đầu tư chứng khoán ra sao trong giai đoạn cuối năm?

Khó khăn dần qua đi, đầu tư chứng khoán ra sao trong giai đoạn cuối năm?

Dựa trên quan điểm khá lạc quan về thị trường, chuyên gia MBS đưa ra dự báo VN-Index trong những tháng cuối năm nay có thể vươn lên vùng mục tiêu khoảng 1.320 điểm.

Sau giai đoạn tăng trưởng liên tục, thị trường chứng khoán đang bước vào giai đoạn “vùng trống thông tin” hỗ trợ. Vậy xu hướng tăng còn được duy trì là điều không ít nhà đầu tư băn khoăn lúc này.

Tại Talkshow Phố Tài chính trên VTV8, bà Trần Thị Khánh Hiền, Giám đốc Khối Nghiên cứu, Công ty CP Chứng khoán MB (MBS) đã có những chia sẻ về cơ hội đầu tư chứng khoán từ nay tới cuối năm.

BTV Mùi Khánh Ly: N ền kinh tế thế giới và trong nước thời gian qua dần có sự cải thiện. Theo bà vào thời điểm này những thông tin không tích cực đã qua hết chưa?

Bà Trần Thị Khánh Hiền, Giám đốc Khối Nghiên cứu, Công ty CP Chứng khoán MB (MBS)

Sau 6 tháng đầu năm với tình hình tương đối khó khăn thì hiện nay, nền kinh tế Việt Nam mặc dù chưa thực sự khởi sắc hoàn toàn nhưng đã có những chuyển biến khá tích cực. Trong tháng 7 và tháng 8 chỉ số sản xuất công nghiệp lần lượt tăng 3,7% và 2,6% đã phản ánh mảng sản xuất và công nghiệp của chúng ta đã bắt đầu có những sự phục hồi khá tích cực. Và một số nhà sản xuất đã bắt đầu nhận được nhiều đơn hàng hơn so với 6 tháng đầu năm. Đặc biệt, trong tháng 8 chỉ số PMI lần đầu tiên vượt ngưỡng 50 điểm, chứng tỏ nền sản xuất của chúng ta đã có những dấu hiệu phục hồi. Những điểm sáng khác của nền kinh tế như đầu tư công hay FDI thì chúng ta vẫn nhìn thấy những con số tương đối tích cực, chẳng hạn như vốn đầu tư công liên tục tăng trên 20% trong 3 tháng gần đây và đặc biệt là tăng gần 30% trong tháng 8. Nhìn chung, trong 8 tháng đầu năm giải ngân đầu tư công tăng khoảng 17%, đạt gần 50% so với kế hoạch, nếu so với những năm gần đây là một con số thực sự ấn tượng.

Dòng vốn đầu tư FDI sau gần một năm khá ảm đạm thì vốn đăng ký mới tăng gần hơn 40% trong tháng 8. Đây là những con số có thể hỗ trợ cho tỷ giá trong nước vẫn được mức như hiện tại. Vì vậy, tôi cho rằng những diễn biến tích cực của thị trường chứng khoán Việt Nam trong thời gian vừa qua phần nào phản ánh được nền kinh tế đang có những chuyển biến tích cực hơn. Tuy nhiên, không phải tất cả những thông tin tiêu cực đã qua đi mà chúng ta vẫn cần phải quan sát thêm những thông tin từ thị trường thế giới như việc FED tiếp tục nâng lãi suất nữa hay không hay liệu Trung Quốc có những động thái giải cứu thị trường bất động sản của họ hay không? Và trong nước chúng ta cũng cần quan tâm đến hai vấn đề, lạm phát và tỷ giá đang là những thách thức trong 4 tháng cuối năm.

Giới phân tích nước ngoài đánh giá Việt Nam đang là điểm sáng của chứng khoán Châu Á, bà đánh giá như thế nào về điều này?

Đúng là thời gian gần đây, đặc biệt là trong một tháng vừa qua thị trường chứng khoán thế giới đã có những diễn biến không mấy tích cực. Chỉ số Dow Jones giảm gần 2% và đặc biệt là các thị trường châu Á như là Trung Quốc giảm khoảng 5%...Điều này có thể được lý giải bởi việc các nhà đầu tư trên thế giới đang lo ngại về sự phân hóa giữa các chính sách tiền tệ của Mỹ và chính sách tiền tệ của các Ngân hàng Trung ương các nước châu Á, khi Mỹ vẫn đang cho thấy xu hướng thắt chặt các điều kiện tài chính, còn các ngân hàng trung ương các nước châu Á, đặc biệt là Nhật Bản hay là Trung Quốc đang có xu hướng tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ để hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế. Điều đó đã dẫn đến nhà đầu tư thế giới lo ngại và có vẻ như họ đang bán ra các tài sản rủi ro như chứng khoán và và dịch chuyển sang những tài sản ít rủi ro hơn như vàng hay USD.

Tuy nhiên, ngược lại với thị trường chứng khoán thế giới thì những yếu tố tích cực của thị trường Việt Nam vẫn đang còn đó và hỗ trợ cho thị trường như tôi đã phân tích ở trên. Hay chỉ tính riêng thị trường chứng khoán cũng đang có những thông tin tích cực hơn, chẳng hạn như hệ thống KRX có thể sẽ được đưa vào vận hành trong năm nay và thứ hai là lãi suất của thị trường Việt Nam đang có xu hướng giảm rất rõ nét. Và nếu nhìn lại diễn biến từ giữa năm 2022 khi thị trường chứng khoán thế giới đi trước với các chỉ số chứng khoán thế giới sự phục hồi, còn bản thân thị trường chứng khoán của chúng ta khi đó vẫn còn những vấn đề nội tại. Và chúng ta cũng chỉ phục hồi mạnh mẽ kể từ tháng 2 và tháng 3 đầu 2023. Có nghĩa là chu kỳ phục hồi của chúng ta đã đi sau so với thị trường chứng khoán thế giới. Điều này lý giải cho việc chúng ta vẫn duy trì được đà tăng trưởng trong thời gian vừa qua và về dài hạn, chúng ta đang có nhiều yếu tố hỗ trợ tích cực hơn so với lại thị trường chứng khoán trong khu vực.

T hời điểm hiện tại như mọi năm luôn được coi là thời điểm “trũng thông tin” và thị trường có thể điều chỉnh . V ậy tại sao, thị trường vẫn đang trong những phiên giao dịch tích cực?

Khác với mọi năm, trong giai đoạn tháng 8, tháng 9 năm nay thì chúng ta đón nhận khá nhiều thông tin tích cực hơn. Chẳng hạn như việc Tổng thống Mỹ Joe Biden sang thăm Việt Nam cũng là một trong những thông tin tích cực, giúp cho mối quan hệ giữa hai nước được nâng lên một tầm cao mới và tôi cho rằng điều này sẽ hỗ trợ cho những ngành ngành nghề kinh tế cơ bản của Việt Nam, như bất động sản khu công nghiệp, năng lượng...Ngoài ra, thị trường chứng khoán ở thời điểm này cũng đang chờ đợi nhiều thông tin tích cực, như việc đưa vào vận hành hệ thống KRX hay những nỗ lực của cơ quan quản lý trong việc thúc đẩy nâng hạng lên thị trường mới nổi của MSCI. Đối với các doanh nghiệp đang niêm yết trên sàn chứng khoán thì sau 6 tháng đầu năm với lợi nhuận chung có mức suy giảm trên 20% thì trong quý 3 và quý 4 sắp tới, chúng tôi dự báo lợi nhuận chung của các doanh nghiệp niêm yết trên thị trường có thể ghi nhận sự tăng trưởng dương nhờ các yếu tố hỗ trợ. Nó cũng lý giải cho việc thị trường chúng ta tiếp tục có những diễn biến tích cực trong những phiên vừa qua.

Với những phân tích ở trên thì theo bà thị trường sẽ diễn biến trong xu hướng như thế nào?

Nhìn về 4 tháng cuối năm 2023 tôi khá lạc quan về diễn biến của thị trường. Bởi những yếu tố tích cực hỗ trợ cho thị trường sẽ nhiều hơn. Bên cạnh đó, tất nhiên chúng ta cũng vẫn còn những quan ngại, như vấn đề lạm phát và tỷ giá cần phải thận trọng và quan sát, có vẻ như là chỉ số đồng USD đang tăng lên khá mạnh mẽ và gây áp lực lên chính tỷ giá Việt Nam đồng hay là việc đồng Nhân dân tệ có mức giảm giá khá mạnh trong thời gian vừa qua cũng ảnh hưởng đến tỷ giá của chúng ta. Tuy nhiên, dựa trên quan điểm khá lạc quan về thị trường, chúng tôi cũng đưa ra dự báo VN-Index trong những tháng cuối năm nay có thể vươn lên vùng mục tiêu khoảng 1.320 điểm.

Trong giai đoạn vừa rồi, nhiều nhà đầu tư tỏ ra tiếc nuối khi hết lần này đến lần khác lỡ các nhịp tăng tích cực. Đến thời điểm này nên có phương án như thế nào cho hiệu quả?

Tôi cho rằng, dù là trong diễn biến tích cực của thị trường thì không phải tất cả được hưởng lợi như nhau mà mỗi ngành nghề, mỗi doanh nghiệp đều phải có câu chuyện riêng. Đơn cử như câu chuyện đầu tư công, tôi cho rằng đây vẫn là một câu chuyện đầu tư trọng điểm trong 2 - 3 năm tới. Ngành hàng không, ngàng du lịch cũng là ngành được hưởng lợi khi những chính sách nới lỏng về visa sẽ thúc đẩy được lượng du khách quốc tế đến với Việt Nam trong thời gian tới. Bên cạnh đó, một số ngành như bất động sản hay vật liệu xây dựng có lẽ đã qua được thời điểm khó khăn nhất và mặc dù chưa hẳn là tích cực nhưng mức độ suy giảm ở những tháng cuối năm 2023 sẽ thấp hơn khá nhiều so với cùng kỳ năm ngoái. Và đặc biệt ở thời điểm nào thì tôi cũng cho rằng nhà đầu tư cần phải đề cao việc quản trị rủi ro cho danh mục và hạn chế sử dụng đòn bảy tài chính, luôn luôn theo dõi những thông tin chính thống, tránh đầu tư theo tin đồn.

Bảo Anh

Nhịp Sống Thị Trường

Trở lên trên