MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Khó quản hướng dẫn viên du lịch ngoại quốc

Việc xử phạt hướng dẫn viên du lịch người nước ngoài hoạt động "chui" gặp nhiều khó khăn do doanh nghiệp lữ hành phớt lờ quy định, cố tình sử dụng hoặc tiếp tay.

Mới đây, cơ quan chức năng phát hiện một hướng dẫn viên du lịch (HDVDL) quốc tịch Bulgaria đứng thuyết minh trong một đoàn khách tham quan Hội trường Thống Nhất (quận 1, TP HCM). Trong khi đó, theo quy định của pháp luật, hướng dẫn viên ở Việt Nam phải mang quốc tịch Việt và phải có thẻ hành nghề. Thanh tra Sở Du lịch TP đã mời HDVDL này về trụ sở để làm việc. Đáng nói là công ty tổ chức chuyến tham quan cố tình né tránh cơ quan chức năng trong quá trình giải quyết.

Cùng ngày, Thanh tra Sở Du lịch TP lập biên bản đối với 4 trường hợp tương tự.

Hoạt động "chui"

Ghi nhận tại một số khu vực có đông du khách trên địa bàn quận 1, như: Nhà thờ Đức Bà, Bưu điện TP..., nhiều đoàn khách quốc tế sử dụng HDVDL người nước ngoài không có giấy phép hành nghề, không đeo thẻ thuyết minh nhưng vẫn cầm cờ, giới thiệu địa điểm tham quan bằng nhiều ngôn ngữ. Nếu thấy người lạ hỏi chuyện, họ cất "đồ nghề", lảng tránh. Thời gian qua, TP HCM phát hiện và xử lý 18 trường hợp HDVDL "chui".

Khó quản hướng dẫn viên du lịch ngoại quốc - Ảnh 1.

Hướng dẫn viên du lịch người nước ngoài dẫn khách tham quan ở TP HCM Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Tình trạng HDVDL nước ngoài trà trộn trong khách du lịch để hành nghề không phải mới xuất hiện ở TP HCM và nhiều địa điểm du lịch nổi tiếng khác. Vừa qua, Thanh tra Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch kiểm tra 120 công ty và chi nhánh công ty kinh doanh lữ hành quốc tế tại một số địa bàn du lịch trọng điểm (Hà Nội, TP HCM, Khánh Hòa...) đã thu hồi 7 giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế, tước 30 giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế, dừng hoạt động 143 thẻ HDVDL quốc tế. Cơ quan chức năng lập hồ sơ chuyển vụ việc có yếu tố nước ngoài sang cơ quan công an xử lý vi phạm, buộc xuất cảnh đối với 50 người nước ngoài hành nghề trái phép trong lĩnh vực du lịch.

Quy củ nhưng chưa đủ

Căn cứ Luật Du lịch 2017 và Nghị định 158/2013/NĐ-CP, người có hành vi sử dụng thẻ HDVDL giả có thể chịu mức phạt 10 triệu đồng/lần vi phạm; người nước ngoài có thể bị phạt tới 20 triệu đồng/lần vi phạm. Nhiều ý kiến cho rằng so với trước năm 2017, công tác quản lý, giám sát hoạt động hướng dẫn du lịch hiện quy củ, bài bản hơn. Dù vậy, cơ quan chức năng vẫn khó tìm ra hướng giải quyết đối với HDVDL người nước ngoài.

Một đại diện Hội HDVDL Việt Nam (VTGA) cho hay Luật Du lịch 2017 nêu rõ nhiều điều kiện cấp thẻ HDVDL. Trong đó, HDVDL phải có quốc tịch Việt Nam, thường trú tại Việt Nam, đầy đủ năng lực hành vi dân sự. Như vậy, căn cứ pháp luật hiện hành, tất cả HDVDL người nước ngoài hoạt động ở Việt Nam đều không có giấy phép. Theo Sở Du lịch TP HCM, việc xử phạt gặp nhiều khó khăn do doanh nghiệp lữ hành phớt lờ quy định, không ít doanh nghiệp cố tình sử dụng hoặc tiếp tay HDVDL "chui". Chưa kể, số lượng HDVDL được cấp phép không thể đáp ứng nhu cầu thị trường. Đơn cử, hằng năm, TP HCM đón hơn 30 triệu lượt khách du lịch trong nước và quốc tế nhưng chỉ hơn 3.000 HDVDL có phép hoạt động.

Thời gian qua, cơ quan có thẩm quyền đưa ra nhiều giải pháp từng bước quản chặt hơn đội ngũ HDVDL, đặc biệt là HDVDL ngoại quốc. Điển hình, website huongdanvien.vn (do Tổng cục Du lịch quản lý) đăng tải thông tin hơn 21.000 HDVDL (cả nội địa lẫn quốc tế) đang hoạt động hợp pháp trên khắp tỉnh, thành. Website luôn cập nhật nhanh chóng, đầy đủ thông tin cá nhân, thời hạn thẻ, chi tiết vi phạm (nếu có); cơ quan xử phạt, nhận phản ánh… Du khách có thể dùng điện thoại thông minh quét mã QR trên thẻ đeo của HDVDL, hệ thống sẽ kết nối trực tiếp với website và hiện thông tin trên màn hình điện thoại. Thẻ có mã QR nhưng quét không ra thông tin là thẻ giả. Ảnh HDVDL in trên thẻ khác với ảnh trên website cũng là thẻ giả. Tuy nhiên, mã QR mới được áp dụng với những thẻ HDVDL làm từ năm 2018. Tổng cục Du lịch đang triển khai kế hoạch trang bị mã QR cho toàn bộ hệ thống thẻ HDVDL nội địa và quốc tế trước năm 2021.

Tại TP HCM, Trung tâm Điều hành HDVDL Việt Nam hoạt động từ năm 2018 với mong muốn bảo vệ quyền lợi HDVDL và phát hiện sai phạm, đưa hoạt động hướng dẫn du lịch đi vào khuôn khổ. Theo bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Phó Giám đốc Sở Du lịch TP, thời gian tới TP tăng cường giám sát, kiểm tra hoạt động hành nghề của HDVDL cũng như doanh nghiệp lữ hành. Từ đó, cơ quan chức năng có thể kịp thời phát hiện, xử lý những trường hợp vi phạm, cương quyết không để tình trạng HDVDL hoạt động trái phép.

Cả nước hiện có hơn 14.800 HDVDL quốc tế, hơn 8.600 HDVDL trong nước. Nếu chia đều cho lượng khách nước ngoài vào Việt Nam (15,6 triệu lượt khách quốc tế năm 2018), mỗi HDVDL quốc tế phục vụ hơn 1.000 du khách/năm.



Theo Di Lâm

Người lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên