MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Khoa học chứng minh: Càng bừa bộn, càng dễ sinh sáng tạo và năng suất

14-11-2016 - 10:50 AM | Sống

“Một căn phòng hỗn độn là một tâm trí lộn xộn”. Có lẽ nhiều người đã nói câu quen thuộc này với bạn, đặc biệt là các bậc phụ huynh. Nhưng đừng lo lắng, bởi khoa học đã chứng minh rằng, môi trường bừa bộn dễ sinh ra sáng tạo và năng suất.

Thông thường, khi sống trong căn hộ lộn xộn hay làm việc trong môi trường bừa bộn, sẽ luôn có tiếng nói vang vọng, thôi thúc trong đầu rằng: “Hãy dọn dẹp đi!”. Nghe có vẻ là một ý tưởng tuyệt vời bởi đôi khi, dọn dẹp là một phương pháp hiệu quả để xả stress, giảm căng thẳng, tăng cường endorphins giúp bạn cảm thấy dễ chịu và làm việc năng suất hơn.

Nhưng lại có vấn đề khác hiện hữu, khi dọn dẹp xong, bạn quên mất đồ đạc mình từng để ở đâu và bắt đâu tìm chúng giống như một cuộc hành trình dài trong vô vọng.

Dọn dẹp mớ hỗn độn cần có thời gian

Và lẽ dĩ nhiên, khi bạn là một người sáng tạo, bạn sẽ chẳng có thời gian để dọn dẹp và sắp xếp mọi thứ. Bởi khi đó, phần lớn thời gian của bạn là dành cho việc sản sinh ý tưởng. Ngăn nắp chắc chắn có lợi ích của nó, nhưng cũng có nhược điểm.

Trong một cuộc phỏng vấn với The Globe and Mail, Eric Abrahamson - đồng tác giả của Một sự bừa bộn hoàn hảo: Lợi ích ẩn của sự rối loạn, lập luận rằng: Khi mọi người cho rằng, yêu cầu nào đó là phù hợp, họ sẽ có xu hướng “đầu tư quá mức”. Nếu bạn dành 20 giờ để dọn dẹp bàn làm việc, liệu bạn có được đến bù 20 giờ làm việc hiệu quả sau đó? Nếu không, bạn chỉ nên dành ra 5 giờ hoặc ít hơn, bạn vẫn cảm thấy có tâm trạng tốt khi quay trở lại với công việc.

Bừa bộn không phải là lười biếng

Đặc biệt, đối với những người sáng tạo, bừa bộn không có nghĩa là lười biếng. Trường hợp khi một người đặt đồ vật ở nơi nào đó, họ thường có xu hướng nhớ vị trí cuối cùng mà họ để đồ, chứ không phải vị trí mà đồ vật đó luôn xuất hiện.

Thực tế, mớ hỗn độn ấy cũng có… tổ chức đấy. Đi sâu hơn vào nội dung cuốn sách của mình, Abrahamson tuyên bố: “Bừa bộn không phải là sự vắng mặt của trật tự. Một bàn làm việc lộn xộn có thể là có sự ưu tiên cho những đồ dùng quan trọng, các công việc hay vật dụng khẩn cấp có xu hướng ở gần và ngay trên cùng của sự lộn xộn đó. Khi đó, nó vô tình tạo ra một sự bừa bộn hoàn hảo”.

Ngăn nắp rất tốt, nhưng...

Ngăn nắp vẫn có quy ước của nó. Theo báo cáo của Kathleen Vohs - một nhà khoa học tâm lý tại Đại học Michigan: “Nhiều nghiên cứu trước đã cho thấy, một khung cảnh sạch sẽ dễ khiến con người có những hành vi tốt: Không tham gia vào tội ác, không xả rác và trở nên hào phóng hơn. Tuy nhiên, không phải cứ bừa bộn là xấu”.

Nghiên cứu của bà đã được công bố trong Psychological Science (một tạp chí của Hiệp hội Khoa học tâm lý), với mục đích đào sâu vào những nghiên cứu trước đây.

Bà giải thích: “Môi trường bừa bộn giúp truyền cảm hứng một cách đột phá, khác hẳn các phương pháp thông thường, có thể sản sinh ra những ý tưởng mới mẻ, trong khi làm việc trong môi trường gọn gàng giúp bạn hoàn thành theo thứ tự, quy tắc và an toàn hơn”.

Bởi vậy, nhiều người sử dụng khung cảnh bừa bộn như một “nàng thơ” để khuyến khích sự sáng tạo, tự do tư tưởng và tạo ra ý tưởng mới. Ai có thể biết được, đống áo quần ngổn ngang trên giường lại có thể mang lại nguồn cảm hứng cho một bức tranh “kiệt tác” để thêm vào bộ sưu tập đã được treo trên bức tường nhà bạn.

Nguyễn Nguyễn

Lifehack

Trở lên trên