MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Khoa học chứng minh, thông minh với giàu chẳng liên quan gì đến nhau

24-12-2016 - 10:05 AM | Tài chính quốc tế

Thành công không chỉ xuất phát từ khả năng bẩm sinh mà nó còn phụ thuộc vào những kỹ năng được trau dồi và nuôi dưỡng trong suốt giai đoạn trưởng thành.

Trí thông minh của một đứa trẻ sẽ quyết định bao nhiêu % tương lai của chúng? Nhà kinh tế học James Heckman đã chứng minh thực ra câu trả lời không phải như mọi người vẫn nghĩ. Trong khi hầu hết chúng ta đều cho rằng IQ có một mối liên hệ chặt chẽ đối với mức thu nhập hay nói cách khác, những người thông minh thì sẽ giàu có, một khảo sát của James Heckman được thực hiện gần đây đã đưa ra một kết quả khác.

Theo nghiên cứu của Heckman và cộng sự được đăng trên Kỷ yếu Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia Mỹ tháng trước, thành công về mặt tài chính tỷ lệ thuận với sự tận tâm – một đặc điểm tính cách được hội tụ bởi tính siêng năng, kiên trì và kỷ luật.

Để đi đến kết luận này, ông và cộng sự đã nghiên cứu 4 bộ số liệu đối với hàng nghìn người Mỹ, Anh và Hà Lan, bao gồm bảng điểm IQ, kết quả bài kiểm tra năng lực cơ bản, điểm số ở trường học và đánh giá tính cách. Trong đó một vài bộ số liệu yêu cầu theo dõi đối tượng đến vài thập kỷ, không chỉ là thu nhập cá nhân mà còn là lý lịch tư pháp và sự thỏa mãn đối với cuộc sống.

Nghiên cứu chỉ ra rằng điểm số và kết quả bài kiểm tra thành tựu dự đoán thành công của một người trưởng thành chính xác hơn là những điểm số IQ. Điểm số không chỉ phản ánh trí thông minh mà còn là những “kỹ năng phi nhận thức” như kiên trì, thói quen học tập tốt và khả năng hợp tác – hay nói cách khác là tính ngay thẳng. Về cơ bản, những thứ đó thuộc về tính cách, bản chất của con người hơn là trí thông minh.

Heckman – người chia sẻ giải thưởng Nobel kinh tế năm 2000 – cũng là đồng sáng lập của trung tâm kinh tế phát triển thuộc trường đại học Chicago – tin rằng thành công không chỉ xuất phát từ khả năng bẩm sinh mà nó còn phụ thuộc vào những kỹ năng được trau dồi và nuôi dưỡng trong suốt giai đoạn trưởng thành. Nghiên cứu của ông đã khẳng định tầm quan trọng của nuôi dạy trẻ trong giai đoạn hình thành tính cách.

Tất nhiên, IQ cũng có những tầm quan trọng nhất định. Một số người với IQ 70 không có khả năng làm những việc mà người có IQ 190 coi là dễ dàng. Nhưng Heckman nói rất nhiều người không tìm được việc làm bởi họ không có kỹ năng – thứ mà không đo đạc được bằng bài kiểm tra trí thông minh. Ví dụ như họ không biết cách cư xử hòa nhã trong khi phỏng vấn. Họ đến muộn hoặc ăn mặc trang phục không thông minh. Hoặc trong công việc, họ tỏ ra là họ làm việc không nhiều hơn khả năng tối thiểu.

John Eric Humphries – đồng tác giả của nghiên cứu trên – cho biết ông hy vọng bài nghiên cứu này có thể làm sáng tỏ quan điểm sai lầm về khả năng của con người. Ngay cả những bài kiểm tra IQ - được thiết kế để đánh giá khả năng giải quyết vấn đề bẩm sinh của con người cũng đánh giá nhiều hơn là trí thông minh. Trong một nghiên cứu năm 2011, nhà tâm lý học Angela Duckworth thuộc trường đại học Pennsylvania chỉ ra rằng điểm số IQ cũng phản ánh nỗ lực, quyết tâm của người làm.

Tuy nhiên, dạy kiến thức trong trường học thì dễ hơn là dạy phẩm chất, tính cách. Ví dụ như mức độ của phẩm chất là một thứ không rõ ràng. Liệu có phải là giống như IQ, càng cao thì càng tốt hay không. Các nhà nghiên cứu phẩm chất con người cho biết mức độ trung bình là tốt nhất đối với nhiều loại tính cách. Bạn sẽ không muốn mình là người nội tâm quá vì bạn sẽ không nói gì cả, hoặc hướng ngoại quá vì bạn sẽ không thể ngừng nói và lắng nghe.

Anh Sa

Bloomberg

Trở lên trên