Khóa room ngoại về 0%: Vinaconex có thể làm giống Sabeco
Có hai câu hỏi trong việc khóa room ngoại của VCG về 0% ở thời điểm hiện tại.
- 05-11-2018Ẩn số “room” ngoại tại Vinaconex
Thứ 6 tuần trước, Tổng công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và xây dựng Việt Nam (Vinaconex, mã VCG) gửi văn bản đến Sở GDCK Hà Nội và Trung tâm lưu ký chứng khoán Việt Nam về việc Tổng công ty đã nhận được văn bản xác nhận của Ủy ban chứng khoán về việc Vinaconex xác định tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa là mức 0% vốn điều lệ.
Quy định này căn cứ vào văn bản số 1883/ĐTKDV-ĐT2 ngày 04/10/2018 của Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) đề nghị các đại diện vốn của SCIC tại Vinaconex phối hợp thực hiện thủ tục với SSC và VSD để chốt tỷ lệ sở hữu nước ngoài phục vụ cho việc bán vốn của SCIC tại VCG.
Có hai câu hỏi trong việc khóa room ngoại của VCG về 0% ở thời điểm hiện tại.
Thứ nhất, nhà đầu tư nước ngoài đang sở hữu 10,86% vốn cổ phần tại VCG bao gồm PYN Elite Fund (sở hữu 31,37 triệu cổ phiếu, tương đương 7,1%) và Market Vector Vietnam ETF (sở hữu 7,9 triệu cổ phiếu, tương đương 1,79% số liệu cập nhật tại thời điểm 9/11), ngoài ra còn nhiều nhà đầu tư ngoại cá nhân khác. Khi Vinaconex khóa room ngoại về 0%, các nhà đầu tư này có phải bán ngay lập tức hay được phép bán dần và không được mua lại nữa.
Thứ hai, việc khóa room ngoại để phục vụ cho việc bán vốn của SCIC tại VCG. Ngày 22/11 tới đây SCIC cùng Viettel đều tổ chức bán đấu giá trọn lô số cổ phần Vinaconex đang nắm giữ, lần lượt 255 triệu cổ phần Vinaconex (tương đương 57,71% vốn) và 94 triệu cổ phiếu (tương đương 21,28% vốn). Tổng khối lượng chào bán là 349 triệu cổ phần (gần 79% vốn). Với giá khởi điểm 21.300 đồng/cp, tổng giá trị chào bán là 7.433,7 tỷ đồng.
Vinaconex cũng đã bổ sung thông tin về đợt chào bán quy định tỷ lệ sở hưu nước ngoài tại Vinaconex tối đa là 0% kèm theo ghi chú "Trong trường hợp có mâu thuẫn về nội dung tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại Vinaconex tại Bản công bố thông tin và Quy chế đấu giá với nội dung trên đây thì nội dung trên đây sẽ được ưu tiên áp dụng.".
Phóng viên NDH đã có cuộc trao đổi với ông Đỗ Trọng Quỳnh, Thành viên HĐQT kiêm Tổng giám đốc Vinaconex về câu chuyện này. Ông Quỳnh cho biết việc khóa room ngoại để đảm bảo các quy định của Nhà nước về sở hữu nhà đầu tư nước ngoài, do đó trong quá trình đấu giá, Vinaconex phải rà soát lại các ngành nghề kinh doanh.
Trong đăng ký kinh doanh của Vinaconex, có một số ngành nghề thuộc ngành nghề kinh doanh có điều kiện không cho phép nhà đầu tư nước ngoài sở hữu cổ phần, theo qui định tại Nghị định số 60/2015/NĐ-CP ngày 26/6 2015 của Chính phủ, Phụ lục 4 trong Luật đầu tư 2014 và các văn bản hướng dẫn chuyên ngành (nghĩa là tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài là 0%) bao gồm: xuất khẩu lao động; xây dựng và vận hành các nhà máy điện lớn.
Tuy nhiên, một vấn đề là Vinaconex niêm yết tại Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội từ năm 2008, cách đây 10 năm, và khối ngoại vẫn giao dịch cổ phiếu VCG. Tại sao thời điểm này Vinaconex mới rà soát lại room ngoại. Ông Quỳnh cho rằng nhà đầu tư nước ngoài khi mua cổ phần tại một doanh nghiệp cần tìm hiểu kỹ về các ngành nghề kinh doanh của doanh nghiệp đó trước khi đầu tư. Còn việc thay đổi ngành nghề để có thể mở room ngoại, việc này theo ông Quỳnh phải mất 3-4 tháng trình đại hội cổ đông và phụ thuộc vào ý kiến của các cổ đông lớn.
Khi Vinaconex chính thức khóa room ngoại về 0%, liệu nhà đầu tư nước ngoài có bắt buộc phải bán ra toàn bộ cổ phần đang nắm giữ hay không, hay có thể chờ thời điểm bán ra và sau đó không được mua lại. Ông Quỳnh cho rằng việc này UBCK chưa có hướng dẫn cụ thể.
Theo tìm hiểu của NDH, với quy định của MVIS Vietnam Index, một công ty có cổ phiếu nằm trong rổ chỉ số phải có room ngoại ít nhất 5% tại kỳ review. Nếu Vinaconex khóa room, VanEck Vectors Vietnam ETF, quỹ ETF đang lấy chỉ số MVIS Vietnam Index làm tham chiếu tự động sẽ bán toàn bộ cổ phiếu VCG đang nắm giữ vào kỳ cơ cấu danh mục tháng 12 tới đây. Trong khi đó, số cổ phần của Pyn Elite đang nắm giữ, trong trường hợp Vinaconex khóa room, cũng bắt buộc phải bán ra hoặc chuyển nhượng lại cho nhà đầu tư trong nước.
SCIC nói gì?
Liên quan đến thông tin Vinaconex giảm tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa tại Vinaconex về 0%, trao đổi với phóng viên NDH, ông Nguyễn Đức Chi Chủ tịch HĐTV SCIC, Chủ tịch HĐQT của Vinaconex cũng xác nhận về danh sách ngành nghề kinh doanh của VCG đang có hoạt động xuất khẩu lao động và xuất khẩu thuốc lá, đây là ngành nghề có điều kiện giới hạn room ngoại ở 0%. Sở dĩ bây giờ doanh nghiệp mới công bố khóa room về 0% là do công ty vừa tiến hành rà soát lại các nội dung và quy định để chuẩn bị hồ sơ đấu giá sắp tới. Còn các quy định cũ hiện nay được thiết lập từ khi doanh nghiệp cổ phần hóa.
Mặt khác, ngành nghề cốt lõi của Vinaconex là bất động sản cũng giới hạn tỷ lệ sở hữu nước ngoài ở mức 49%. Vì vậy, việc này khóa room cũng không ảnh hưởng nhiều khi SCIC bán trọn lô 57,7% vốn của Vinaconex.
Đối với đợt cổ phần hóa sắp tới, ông Chi chia sẻ, khối ngoại sẽ không được tham gia hoặc nhà đầu tư nước ngoài có thể thành lập các doanh nghiệp trong nước, để đấu giá thông qua đơn vị này tương tự như thương vụ mua Sabeco.
Trường hợp tập đoàn Thái tham gia đấu giá Sabeco đã thành lập pháp nhân trong nước - Vietnam Beverage để mua gần 53,4% vốn của doanh nghiệp bia lớn nhất Việt Nam (do room ngoại tại Sabeco chỉ ở 49%).
Nếu như không có việc khóa room ngoại, dù không thể mua cổ phần từ SCIC, nhà đầu tư nước ngoài vẫn có thể tham giá đấu giá cạnh tranh lô cổ phần của Viettel. Tuy nhiên, với thông tin khóa room về 0% như hiện nay, khối ngoại sẽ không thể tham gia mua bất cứ phiên đấu giá nào của Vinaconex.
Lần đấu giá cổ phần VCG đầu tiên của SCIC đã không như mong đợi khi giá tham chiếu thời điểm đó ở mức cao (25.600 đồng/cp). Lần đấu giá này, mặc dù khóa room ngoại song khi được hỏi về khả năng thành công của thương vụ chào bán cổ phần Vinaconex sắp tới, Tổng giám đốc VCG Đỗ Trọng Quỳnh cho rằng việc thành công phụ thuộc vào cung cầu của thị trường.
Về kết quả kinh doanh, Tổng công ty vẫn đang phấn đấu để hoàn thành kế hoạch năm. Lũy kế 9 tháng đầu năm, doanh thu VCG giảm 4% còn 6.381 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế đạt 368 tỷ đồng, giảm 41% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong năm 2018, VCG đặt mục tiêu kinh doanh với 4.492 tỷ doanh thu và 491 tỷ lợi nhuận sau thuế. Với kết quả đạt được, công ty đã hoàn thành gần 75% kế hoạch năm.
Người đồng hành