Khoản đầu tư 'có lãi' nhất của Lê Diệp Kiều Trang
Thời điểm Arevo của Lê Diệp Kiều Trang và Sonny Vũ quyết định đưa nhà máy về Việt Nam, nước Mỹ đang trải qua đợt bùng dịch rất lớn. Song, nhà máy mới chỉ đi vào hoạt động được một năm thì đã gặp biến cố lớn, chính là làn sóng Covid-19 mới – nghiêm trọng nhất từ trước đến nay.
Trải qua giai đoạn khó khăn chưa từng có, Lê Diệp Kiều Trang tâm sự: "Mình nhận ra được rằng, để chuẩn bị cho những đợt khủng hoảng thì mình phải tìm được những người có tầm nhìn dài hạn với công ty và nghĩ về những mục tiêu xa hơn".
Thời điểm quyết định vận hành nhà máy Arevo thì dịch bệnh lại bùng phát, Trang và Arevo đã gặp phải những khó khăn gì trong thời gian vừa qua?
Lúc đó, Việt Nam đã vượt qua được đợt bùng dịch đầu tiên và tình hình có vẻ ổn. Mọi thứ hoạt động bình thường và cũng nhờ đó mà mình có thể xây dựng được nhà máy. Khoảng chừng một năm, khi nhà máy bắt đầu chuẩn bị vào hoạt động thì Việt Nam lại có một đợt dịch mới. Mà đợt dịch lần này bùng ra nghiêm trọng hơn mình dự đoán trước và nó làm chậm lại tất cả mọi việc.
Cũng như các doanh nghiệp Việt Nam khác, Arevo không biết trước được khi nào thì những đợt sóng này sẽ qua đi và chừng nào thì chúng ta đến cuối đường hầm. Nói chung, có lẽ doanh nghiệp nào cũng vậy, sống ngày hôm nay, chưa biết ngày mai tình hình của cộng đồng ở TP HCM sẽ như thế nào, và doanh nghiệp của mình như thế nào. Cho nên, Arevo Việt Nam cũng chia sẻ chung những khó khăn như các doanh nghiệp khác ở TP HCM vào thời điểm đó.
Nhà máy Arevo tại TP.HCM
Vậy để vận hành một startup công nghệ trong giai đoạn giãn cách, Arevo đã làm như thế nào để vừa khởi động sản xuất và vừa chuẩn bị cho việc ra mắt sản phẩm mới, với thời gian chế tạo được xem là kỷ lục như vậy?
Trước hết, Arevo cũng chỉ đi tiếp tầm nhìn mà một công ty công nghệ đã có sẵn. Đó là chuyện tự động hóa cho nền sản xuất, đặc biệt là đem một công nghệ 3D sử dụng robot, sử dụng điện toán để tăng năng suất cho một nhà máy. Đây là chuyện mà mình hình dung từ đầu.
Trong giai đoạn khó khăn này thì mình cứ tiếp tục thực hiện những mục tiêu mà trước đó mình đã đặt ra. Với việc tự động hóa và sử dụng điện toán rất nhiều cho công việc sản xuất, không ngạc nhiên khi trong đợt giãn cách vừa qua, điều đó đã giúp Arevo vẫn tiếp tục đi được và đi được nhiều hơn. Nên là tình cờ, niềm tin của mình đã giúp Arevo duy trì hoạt động trong giai đoạn này.
Tuy nhiên, có những vấn đề khác Arevo cũng sẽ bị vướng như đa phần doanh nghiệp sản xuất khác. Đó là Arevo vẫn cần công nhân. Cho dù công nghệ có đi xa như thế nào thì cũng vẫn cần con người. Mà trong giai đoạn dịch bệnh như thế này, nếu không có "3 tại chỗ" thì Arevo cũng không thể nào đi tiếp được.
Không có công nghệ nào có thể hoàn toàn thay thế được con người. Mà con người ở đây không chỉ là công việc họ làm, hay là bao nhiêu giờ công, mà là tinh thần họ đem đến, niềm tin của họ trong việc xây dựng nhà máy, xây dựng công ty.
Nếu như không có các anh em đồng lòng và hết sức kiên cường để vượt qua giai đoạn khó khăn này, thì thực sự là nhà máy sẽ đóng cửa và dừng lại. Cho dù là công nghệ có đi rất xa nhưng nếu con người không có niềm tin và không có sự kiên cường vượt qua giai đoạn khó khăn đó, thì công nghệ cũng dừng lại luôn.
Điều gì đã giúp đội ngũ Arevo có thể thực sự vượt qua khó khăn và duy trì vận hành trong giai đoạn vừa rồi?
Thực sự, khi làn sóng Covid-19 vừa rồi đi qua, nhìn lại, mình có một niềm tự hào vô cùng lớn đối với các anh em người Việt. Các anh em kỹ sư, các anh em công nhân ở nhà máy, các bạn có cùng chung một tố chất mà bây giờ càng ngày mình càng cảm thấy quý hơn ở người Việt. Đó là tính kiên cường.
Khi kể câu chuyện "3 tại chỗ", hơn 100 con người sinh sống ở trong nhà máy suốt 4 tháng, mà trong đó rất nhiều người đã có gia đình, có vợ con. Trong 4 tháng đó, cũng có một vài gia đình bị nhiễm.
Các anh em ở trong nhà máy mà nghe tin gia đình mình, vợ con mình bên ngoài bị nhiễm thì phải nói là như ngồi trên đống lửa. Vậy mà cũng vượt qua được giai đoạn đó và cũng hết sức đồng lòng để mà đi. Mình tin là yếu tố về mặt văn hóa của người Việt, là một điều vô cùng đáng quý.
Đó là sự kiên cường và khả năng thích nghi trong hoàn cảnh rất là gian nan. Đây không chỉ là một người, hai người, mà là một tập thể hơn 100 con người. Và cho dù mình có động viên như thế nào, thì nếu các anh em không có tinh thần đó, mình không nghĩ là mình động viên được.
Nhiều lúc, các anh em cũng động viên ngược lại mình. Để mà lo lắng rất nhiều việc trong thời điểm đó, không phải lúc nào mình cũng lạc quan. Tinh thần này, khi kể lại cho các nhà đầu tư cũng như team của mình ở Mỹ, mọi người đã vô cùng ngạc nhiên và không tin đó là thật. Cho đến lúc thấy thật sự là mọi thứ đã diễn ra như vậy, các bạn đã rất ngưỡng mộ tinh thần đó.
Qua giai đoạn này, mình mới thấy được, thực sự người Việt có tố chất vô cùng đặc biệt. Đó là cái cần phải được nhìn thấy và phát huy, mặc dù cũng không mong muốn là rơi vào hoàn cảnh phải phát huy quá nhiều (cười).
Khi nhìn lại, Trang có thể rút ra bài học gì trong việc vận hành nhà máy vào giai đoạn khó khăn như vậy?
Nếu nhìn lại, có một điều mình nghĩ vô cùng quý và quan trọng đó là khi trời yên bể lặng, khi chưa có khủng hoảng, phải làm sao để trong một tập thể, mọi người cùng chia sẻ được tầm nhìn và đích đến của doanh nghiệp.
Để sau đó, nếu khủng hoảng xảy ra, định hướng của công ty đã có sẵn và mọi người đã chia sẻ ước mơ, mục tiêu, thì điều đó không còn là vấn đề phải tranh cãi.
Chính sự đồng lòng dẫn mọi người đi theo một định hướng và các anh em chia sẻ với nhau được. Chứ khủng hoảng rồi mới nghĩ tới câu chuyện làm sao để xây dựng văn hóa, tầm nhìn, thì nó đã quá trễ rồi. Một điều may mắn là trước đó, mình đã xây dựng được một đội ngũ các anh em cùng chia sẻ về mục tiêu chung này.
Nên trong giai đoạn khó khăn vừa qua, chính các anh em là người vẫn tiếp tục hướng tới mục tiêu chung và họ đã giúp cho nhóm lãnh đạo rất nhiều. Vì phải thú thật là, khủng hoảng này có rất nhiều điều mới với mình. Chưa bao giờ mình phải đối diện và nhất là chưa bao giờ phải đối diện ở Việt Nam.
Mình hơn 40 tuổi, từ lúc sinh ra đến giờ ở Việt Nam mình chưa bao giờ thấy mọi thứ như thế. Hoàn cảnh sống chưa bao giờ có những ngày tháng khó khăn như vậy, nên chính mình cũng rất là bỡ ngỡ và sốc. Nhưng vì có một tập thể, hơn 100 con người phía sau đều rất bằng lòng và tin tưởng giúp đỡ mình nên mọi người cứ thế tiến lên thôi.
Xe đạp SuperStrata - chiếc xe đạp có khung nguyên khối làm từ sợi carbon đầu tiên trên thế giới do Arevo sản xuất.
Khi dịch bệnh dần được kiểm soát, cùng với những kinh nghiệm vận hành nhà máy trong 4 tháng vừa rồi, theo Trang, yếu tố nào sẽ giúp Arevo có cơ hội trỗi dậy?
Thật ra bây giờ Arevo mới vừa qua đợt giãn cách khó khăn nhất của TP HCM. Nhưng thử thách và những khó khăn trong nền kinh tế vẫn còn đó, bài toán vẫn chưa giải được và vẫn chưa hết.
Rất khó để trả lời đâu là cơ hội để doanh nghiệp trỗi dậy. Tùy vào đặc thù của mỗi doanh nghiệp mà sẽ có những cơ hội khác nhau. Với doanh nghiệp công nghệ cao như Arevo, thì công ty cũng chỉ đi tiếp con đường mà trước đó đã vạch ra. Đợt giãn cách vừa rồi làm Arevo chậm lại. Cũng may là Arevo không dừng lại, công ty vẫn tiếp tục kiên cường đi tiếp, nhưng cũng không đi được nhanh như mình muốn.
Bây giờ Arevo sẽ phải đuổi theo những chặng đường chưa đi được trong giai đoạn vừa rồi. Có một điều mà mình cảm thấy rất may mắn, là những nhà đầu tư đứng đằng sau các công ty công nghệ cao, họ có cái nhìn dài hạn và họ đầu tư vào công ty không phải chỉ trong ngắn hạn.
Họ thông cảm cho những chậm trễ khách quan trong hoàn cảnh dịch bệnh và khủng hoảng, nên mình cũng còn nhận được sự hỗ trợ và ủng hộ rất lớn từ những nhà đầu tư. Đó là lý do tại sao những công ty công nghệ thường vẫn còn nguồn lực về tài chính để đi tiếp.
Mình nhận ra được rằng, để chuẩn bị cho những đợt khủng hoảng thì mình phải tìm được những người có tầm nhìn dài hạn với công ty và nghĩ về những mục tiêu xa hơn. Như vậy, nếu khủng hoảng xảy ra, doanh nghiệp cũng sẽ vượt qua được dễ dàng hơn.
Còn nếu như xung quanh mình là những người ngắn hạn, thì cho dù đó là nhà đầu tư, khách hàng, đối tác hay là tập thể nhân viên thì những giai đoạn như vừa rồi sẽ khó khăn hơn rất nhiều.
Sản phẩm thứ 3 của Arevo được phát triển và sản xuất tại Việt Nam - ghế Mishima.
Trang có thể chia sẻ một lời khuyên cho các startup Việt Nam, startup công nghệ Việt Nam trong quá trình vận hành hậu Covid-19?
Từ kinh nghiệm bản thân trong đợt Covid-19 vừa rồi, mình rút ra được rằng, tầm quan trọng của tập thể và đội ngũ là vô cùng to lớn. Cho dù chúng ta có sử dụng những công nghệ tối tân như thế nào, chúng ta theo đuổi những ngành khoa học công nghệ tiên tiến đến đâu, thì nó vẫn không thay thế được con người cũng như tinh thần đồng đội.
Đợt dịch vừa rồi là minh chứng rõ nhất cho thấy, bản chất của một doanh nghiệp, bản chất của một sản phẩm hay công nghệ, hay bản chất của một thành công đều xuất phát từ con người.
Vậy nên, đầu tư vào con người là sự đầu tư quan trọng nhất, có lời nhất và sẽ giữ được lợi ích lâu dài nhất.
Cảm ơn chị!