Khoản lãi bất ngờ trên mỗi lít xăng, một chủ cây xăng lần đầu bật mí
Chiết khấu xăng, dầu tăng cao trong thời gian qua do tình hình xăng, dầu thế giới dần ổn định, hai nhà máy lọc dầu là Nghi Sơn và Dung Quất đã đi vào sản xuất đảm bảo.
- 23-07-2024Thêm 2 thương nhân phân phối xăng dầu trả giấy phép
- 20-07-2024Nghiên cứu thành lập sàn giao dịch xăng dầu
- 18-07-2024Giá xăng dầu tiếp tục giảm mạnh từ 15 giờ chiều nay, RON 95 sát mốc 23.000 đồng/lít
Trước tháng 3/2024, chiết khấu xăng, dầu ở mức thấp, thậm chí có thời điểm về 0. Tuy nhiên, sau thời điểm trên, mức chiết khấu tăng cao.
Trao đổi với Báo Nghệ An, bà Trần Thị Loan - chủ cửa hàng xăng, dầu ở thị trấn Giát, huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An) chia sẻ: Từ tháng 3/2024, chiết khấu xăng, dầu tăng cao, bình quân đạt từ 1.100 đồng/lít đến 1.400 đồng/lít.
Theo bà Loan, mức chiết khấu này duy trì được sự ổn định suốt hơn 5 tháng qua. Mỗi ngày cửa hàng bán được gần trên 6.000 lít xăng, dầu, với chiết khấu này đơn vị đủ tiền lương trang trải cho 4 lao động và trừ các chi phí khác vẫn còn có lãi 600 đồng/lít. Hiện nay nguồn cung xăng, dầu khá ổn định, cứ 2-3 ngày là được đơn vị cung ứng xăng, dầu cấp 20m3 xăng, dầu.
Công ty Xăng dầu Nghệ An chiếm 55% thị phần, có 83 cửa hàng xăng, dầu trên địa bàn tỉnh. Ông Võ Anh Tuấn - Phó Giám đốc công ty này nói: Từ khoảng tháng 3/2024 đến nay, mức chiết khấu cho các cửa hàng bán lẻ xăng, dầu đạt khá cao từ 1.200 -1.500 đồng/lít, có những thời điểm tăng lên 2.000 đồng/lít.
Nguồn hàng của đơn vị ổn định, từ đầu năm 2024 đến nay, Công ty Xăng dầu Nghệ An đã cung ứng 426.000m3 xăng, dầu cho 3 tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, trong đó cung ứng cho Nghệ An 192.000m3, cung ứng cho Hà Tĩnh, Quảng Bình là 234.000m3.
Còn theo Ông Nguyễn Văn Hiệp - Trưởng phòng Quản lý thương mại Sở Công Thương Nghệ An, nguyên nhân chiết khấu xăng, dầu tăng cao trong thời gian qua là do hiện nay tình hình xăng, dầu thế giới dần ổn định, hai nhà máy lọc dầu là Nghi Sơn và Dung Quất đã đi vào sản xuất đảm bảo.
Khi các tập đoàn, thương nhân đầu mối có lãi thì họ sẽ chia sẻ, nâng mức chiết khấu với hệ thống phân phối. Thời gian qua, Sở Công Thương tỉnh này đã có các văn bản gửi cấp, ngành có thẩm quyền, như đề nghị Bộ Tài chính xem xét các chi phí hợp lý để doanh nghiệp đầu mối tăng chiết khấu cho các cửa hàng bán lẻ xăng, dầu.
Doanh nghiệp bán lẻ muốn tự quyết giá bán lẻ xăng dầu
Mới đây, Bộ Công Thương gửi Bộ Tư pháp thẩm định hồ sơ dự thảo nghị định về kinh doanh xăng dầu. Bộ Công Thương giữ đề xuất doanh nghiệp đầu mối, phân phối xăng dầu sẽ tự quyết giá bán lẻ trên cơ sở các yếu tố do Nhà nước công bố.
Theo đó, Nhà nước chỉ công bố giá sản phẩm xăng dầu thế giới, premium bình quân 7 ngày/lần, thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu căn cứ các yếu tố cố định như chi phí thuế, chi phí kinh doanh, lợi nhuận định mức... để công bố giá bán xăng dầu trên thị trường. Giá bán lẻ xăng dầu (riêng dầu mazut là giá bán buôn) của thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu trên thị trường không được vượt quá giá được tính toán theo công thức quy định.
Ông Nguyễn Xuân Thắng - Giám đốc Công ty TNHH Xăng dầu Hải Âu Phát cho biết với Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp, nếu để doanh nghiệp đầu mối tự quyết định giá bán lẻ thì doanh nghiệp phân phối sẽ rơi vào tình trạng bị chèn ép. Rất có thể sẽ xảy ra tình trạng đứt gãy cung ứng như thời gian trước do sự bất công, doanh nghiệp bán lẻ bị "đè" chiết khấu, chiếm dụng chi phí…
Vì thế, ông Thắng đề nghị cho phép thương nhân đầu mối định giá bán buôn mức một; cho phép thương nhân phân phối định giá bán buôn mức hai và giá bán lẻ; cho phép doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu quyết định giá bán lẻ.
Cũng theo Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp, một số doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu cho rằng dự thảo nghị định quy định cố định về lợi nhuận định mức là 300 đồng/lít, giá xăng dầu sẽ gồm các yếu tố khác như chi phí tạo nguồn và chi phí kinh doanh định mức, nhưng không quy định rõ cơ cấu tỷ lệ chi phí của các khâu tham gia chuỗi cung ứng xăng dầu, tỷ lệ hoặc mức chiết khấu tối thiểu trong điều kiện bất thường để tránh tình trạng đẩy khó về doanh nghiệp phân phối, bán lẻ.
Đời sống & pháp luật