Khoản nợ 2,5 nghìn tỷ USD khiến cả Warren Buffett cũng bị cuốn vào vòng xoáy, đe dọa tạo ra cuộc khủng hoảng lớn hơn cả năm 2008 (P.1)
Trước khi dịch Covid-19 diễn ra, Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) đã khuyến khích hàng loạt tập đoàn lớn nợ hàng nghìn tỷ USD để kinh doanh. Giờ đây khi khủng hoảng diễn ra vì đại dịch, chính phủ Mỹ đang dùng tiền thuế của dân để mua lại những khoản nợ này và tiếp tục cho các công ty vay để tránh đổ vỡ hàng loạt.
- 25-08-2020Quyết định bước ngoặt của Warren Buffett đã 2 lần giúp người đàn ông này trở thành tỷ phú
- 22-08-2020Cách tiêu tiền của tỷ phú Warren Buffett
- 20-08-2020Chân dung 'Warren Buffett của Trung Quốc', từng là cánh tay phải của Jack Ma: Xinh đẹp, tài năng và vẫn độc thân
Câu chuyện người hùng cứu công ty thoát phá sản
Vào năm 2013, hãng US Airway chấp nhận sáp nhập với American Airlines vốn đang trên bờ vực phá sản, tạo nên một liên doanh hàng không lớn nhất nước Mỹ cùng khối nợ khổng lồ.
Tại thời điểm đó, khủng hoảng 2008 đang dần trôi qua và nền kinh tế cũng như ngành du lịch đã dần hồi phục. Hãng American tái cấu trúc lại mức giá và dần dần mọi chuyến bay của hãng đều đầy người trở lại, qua đó tối đa hóa doanh thu cũng như lợi nhuận.
Trước sự phục hồi nhanh chóng của thị trường, CEO mới nhậm chức là Doug Parker đã cam kết đảm bảo lợi ích cho nhà đầu tư để gọi vốn. Chỉ có điều vị giám đốc này gọi vốn ít nhất tới 18 lần trong 6 năm qua và với 25 tỷ USD tiền nợ. Với số tiền dư dả, American Airlines mua máy bay mới, nâng lương hưu cho nhân viên cùng hàng loạt chính sách đầu tư khác. Vào năm 2014, hãng thực hiện thanh toán cổ tức, điều lần đầu tiên diễn ra trong suốt 34 năm lịch sử của American Airlines, đồng thời mua lại hàng tỷ USD cổ phiếu từ cổ đông.
Cảm nhận được lợi ích khi nắm giữ cổ phiếu của American Airlines, nhiều nhà đầu tư đổ tiền vào cổ phiếu này. Thậm chí Berkshire Hathaway của huyền thoại Warren Buffett cũng mua cổ phiếu của hãng. Thế là từ vị thế một hãng hàng không sắp phá sản, cổ phiếu của American Airlines bật tăng trong năm đầu tiên CEO Parker nắm quyền, nhờ đó vị giám đốc này được thưởng 10 triệu USD.
Thế rồi dịch Covid-19 diễn ra và American Airlines ở trong tình cảnh cháy túi vì những chi tiêu hoang phí trước đây. Chính phủ phải hỗ trợ khẩn cấp 5,8 tỷ USD khoản vay ưu đãi trong gói cứu trợ 25 tỷ USD cho ngành hàng không với American Airlines. Hàng loạt nhà đầu tư bán tháo cổ phiếu của hãng bao gồm cả Berkshire. Giá cổ phiếu của hãng giờ đây chỉ bằng 1/3 so với thời tung 12 tỷ USD mua lại cổ phiếu năm 2014.
Chỉ trong vòng 6 năm lãnh đạo, CEO Parker đã khiến American Airlines nợ ròng thêm 7 tỷ USD và tỷ lệ nợ trên doanh thu của hãng cao tới 45%, gấp đôi so với cuối năm 2014.
FED cảnh báo nhưng không ai nghe
Trong những năm sau khủng hoảng 2008, FED đã bơm tiền vào nền kinh tế và giữ chính sách lãi suất thấp, khuyến khích hàng loạt công ty như American Airlines nợ nần để đầu tư và kinh doanh bất chấp doanh thu của họ có chi trả được hay không.
Từ Coca Cola, McDonald's cho đến IBM hay GM đều bị thu hút với tín dụng khi lãi suất gần 0%. Phần lớn các tập đoàn đều vay nợ vượt quá mức cần thiết để chi trả cổ tức, mua lại cổ phiếu, làm hài lòng các cổ đông và thu hút nhà đầu tư mua trái phiếu, đẩy giá cổ phiếu lên và tiếp tục lặp lại.
Thế rồi hàng loạt những vụ mua lại và sáp nhập (M&A) diễn ra với số tiền vay nợ dư dả, đẩy chỉ số S&P 500 lên mức cao chưa từng có và những giám đốc của các công ty lớn tha hồ nhận tiền thưởng vì đem về lợi ích cho cổ đông.
Năm 2017, chính sách cắt giảm thuế của Tổng thống Mỹ Donald Trump càng khiến các tập đoàn điên cuồng với những khoản vay nợ.
Những công ty lớn có trái phiếu rác
Theo điều tra của tạp chí Forbes với 455 công ty thuộc S&P 500 ngoại trừ ngân hàng và những hãng giàu tiền mặt như Apple, Amazon, Google hay Microsoft, bình quân các doanh nghiệp Mỹ đã tăng nợ ròng lên 300% chỉ trong 10 năm qua, tương đương 2,5 nghìn tỷ USD vào bản cân đối tài chính của mình.
Nghiên cứu chỉ ra rằng cứ mỗi 1 USD tăng trưởng trong 10 năm qua, các công ty Mỹ phải vay nợ thêm 1 USD tương ứng. Phần lớn các doanh nghiệp thuộc S&P 500 chỉ có tỷ lệ 0,2 USD nợ ròng trên mỗi USD doanh thu trong thời kỳ tăng trưởng đầu 2014 thì nay con số này đã đạt 0,38 USD trên mỗi USD doanh thu.
Trớ trêu thay khi dịch Covid-19 bùng phát, những tập đoàn lớn của Mỹ phải đối diện với sự thật rằng doanh thu của họ bị teo lại, trong khi những khoản nợ thì vẫn còn đó.
Cách đây 1 năm, Chủ tịch FED Jerome Powell đã cảnh báo thị trường nhưng chẳng ai nghe khi chứng khoán liên tục phá những kỷ lục. Người đứng đầu FED đã nhấn mạnh về những trái phiếu gần ở mức rác (Junk Bond) mà các công ty đang phát hành vì khả năng thanh toán thấp nhưng nhà đầu tư vẫn mua vì kỳ vọng vào một thị trường tăng trưởng.
"Những nhà đầu tư, quỹ tài chính hay các nhà hoạch định cần tập trung giải quyết rủi ro này khi mọi thứ vẫn đang tươi sáng", Chủ tịch Powell nhấn mạnh.
Trên thực tế, FED khá coi trọng tính nguy hiểm của việc các doanh nghiệp vay nợ quá nhiều, đẩy trái phiếu xuống gần mức rác. Vào ngày 23/3/2020, FED gây bất ngờ cho Phố Wall khi tuyên bố sẽ tham gia thị trường trái phiếu mở và sẽ mua vào những trái phiếu rác nhằm hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong mùa Covid-19.
Chủ tịch FED Jerome Powell
Giờ đây, FED dành hẳn 750 tỷ USD, bao gồm 75 tỷ USD tiền thuế của người dân, trong gói 2,3 nghìn tỷ USD cho việc giúp các doanh nghiệp sống sót mùa dịch Covid-19. Vậy là khi các doanh nghiệp vay nợ vô tội vạ để làm hài lòng cổ đông thì khi khủng hoảng, chính phủ và người dân lại phải đứng ra duy trì cho các công ty này không bị đổ vỡ.
Báo cáo của hãng tư vấn Refinitiv cho thấy trong 2 tháng quá, ít nhất 392 công ty đã phát hành 617 tỷ USD trái phiếu, bao gồm cả những trái phiếu loại rác. Thậm chí, nhà đầu tư Warren Buffett cũng đã phải thốt lên trong Đại hội cổ đông của Berkshire rằng: "Tất cả những ai phát hành trái phiếu vào cuối tháng 3 và trong tháng 4/2020 nên gửi lời cảm ơn đến FED (ám chỉ FED đã mua hộ trái phiếu, cấp vốn cho các công ty sống sót mùa dịch)".
(Còn tiếp)
Tổ Quốc/Forbes