Khoản nợ gần 7.000 tỷ đồng của nhà máy đóng tàu Dung Quất
Ủy ban Quản lý vốn nhà nước vừa kiến nghị phương án xử lý tái cơ cấu Công ty TNHH một thành viên Công nghiệp tàu thủy Dung Quất (DQS). Theo đó, nhiều ý kiến ủng hộ phương án tái cơ cấu doanh nghiệp, từng bước xử lý khoản nợ phải trả của DQS.
- 20-10-2023Tìm phương án "giải cứu" Công ty Công nghiệp tàu thủy Dung Quất
- 05-06-2023Dự án thép 53.500 tỷ ở Bình Định "chạy đua" công suất với Hoà Phát Dung Quất: Ai đứng sau?
- 06-05-2023Vay hơn 750 triệu USD 'lên đời' nhà máy lọc dầu Dung Quất
Ủy ban Quản lý vốn nhà nước đã trình phương án xử lý DQS trên cơ sở đề xuất của Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam ( PVN ). Phương án mới nhất được PVN đề xuất để tái cơ cấu DQS gồm: Tái cơ cấu khoản vay, xử lý tồn tại tài chính, tài sản; không đưa vào báo cáo tài chính DQS một số khoản tài chính còn tồn đọng. Thực hiện thanh lý hàng tồn kho, xóa nợ cho nhà thầu không còn hoạt động; thanh lý tài sản cố định để tái cơ cấu trả nợ gốc, xóa lãi vay, xóa nợ.
Cùng với đó, PVN sẽ đầu tư thêm 928 tỷ đồng để đầu tư các hạng mục tàu, phụ trợ và phá dỡ tàu cũ để tái cơ cấu và duy trì hoạt động. Khi có cơ chế tài chính để khoanh nợ, xóa nợ và hỗ trợ thêm dòng tiền, sẽ giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn, tận dụng cơ hội thị trường để hồi phục.
PVN cũng cho rằng do thiếu cơ chế để xử lý các tồn tại, nên chưa tạo điều kiện cho DQS mở rộng sản xuất kinh doanh, trả nợ gốc vay tồn đọng. Nếu cho phá sản DQS , chủ nợ sẽ không thu được lãi vay. Dẫn tới PVN có thể tổn thất hơn 1.000 tỷ đồng đã trả nợ thay cho DQS.
Đến cuối năm 2022, DQS có tổng tài sản là 5.763 tỷ đồng và nợ phải trả 6.976 tỷ đồng.
Trước đó, tại cuộc họp về xử lý dự án Nhà máy đóng tàu Dung Quất , nhiều bộ ngành ủng hộ phương án tái cấu trúc nhà máy đóng tàu Dung Quất để doanh nghiệp này tiếp tục sản xuất kinh doanh, phát huy giá trị tài sản vẫn đang còn là phương án hợp lý vì vừa đỡ thiệt hại nhất cho ngân sách nhà nước.
Theo đại diện Bộ Tài chính, cần thiết tái cơ cấu lại DQS. Bộ Tài chính đề nghị DQS và PVN làm việc với các chủ nợ để thống nhất phương án xử lý bảo đảm hợp pháp và hài hòa.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông nhấn mạnh để phương án tái cơ cấu bảo đảm khả thi cho DQS cần làm rõ giải pháp về xử lý tài chính bảo đảm chặt chẽ; cần rà soát lại các cơ chế, quy định về xử lý tài chính để có phương án phù hợp.
Nhà máy đóng tàu Dung Quất là một trong 12 dự án thua lỗ, yếu kém mà ngành Công thương được Chính phủ chỉ đạo tích cực tháo gỡ. Năm 2010, PVN nhận chuyển giao nhà máy đóng tàu Dung Quất từ Vinashin.
Sau khi nhận chuyển giao, PVN đưa ra nhiều giải pháp, nỗ lực giúp công ty vượt qua khó khăn như: Điều chuyển lãnh đạo năng lực từ đơn vị khác về DQS, xử lý khoản nợ của đơn vị. Từ dự án thua lỗ, DQS từng bước chuyển sang có lãi. Kể từ khi về PVN, DQS đã có lãi 5 năm với tổng số lãi gần 166 tỷ đồng.
Tiền phong