MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Khoản vay 560 triệu USD và mối nguy cấp từ biến đổi khí hậu

Thủ tục cho khoản vay 560 triệu USD với WB đã được tiến hành chỉ trong một tuần...

Chiều 11/7, tại Cần Thơ, Ngân hàng Nhà nước đã ký khoản vay 560 triệu USD với Ngân hàng Thế giới (WB), tập trung cho yêu cầu phát triển đô thị và nâng cao khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu.

Đây là một khoản vay rất lớn, trong tổng 1,4 tỷ USD mà WB tài trợ cho khu vực đồng bằng sông Cửu Long đến thời điểm này.

Nước đã đến chân

Thông thường, khoản vay lớn như vậy mất nhiều thời gian để đàm phán và chuẩn bị thủ tục. Nhưng, Thống đốc Lê Minh Hưng cho biết, đây là hai dự án cấp bách, được ủy quyền của Chủ tịch nước, Ngân hàng Nhà nước tập trung xử lý các thủ tục chỉ trong một tuần.

Cấp bách, theo cách nói của ông Achim Fock - quyền Giám đốc Quốc gia WB tại Việt Nam, vì khu vực này đang rất dễ bị tổn thương trước những biến đổi khí hậu.

Ông Achim Fock dẫn chứng, đồng bằng sông Cửu Long có vị trí đặc biệt quan trọng đối với phát triển kinh tế Việt Nam, khi chiếm 47% diện tích và 56% sản lượng lúa cả nước, chiếm 90% sản lượng xuất khẩu gạo; thủy sản chiếm 70% về diện tích nuôi trồng, 40% sản lượng và 60% kim ngạch xuất khẩu của cả nước.

“Các hiện tượng thời tiết khốc liệt tại đồng bằng sông Cửu Long gần đây, bao gồm lũ lụt, hạn hán và xâm nhập mặn đã tác động tiêu cực lên đời sống người dân trong khu vực - kể cả khu vực đô thị và nông thôn, và đa số trong đó là người nghèo”, đại diện WB nói, cũng như nhấn mạnh sự sẵn sàng hợp tác và hỗ trợ khu vực khắc phục những tổn thương bắt đầu thể hiện rõ từ đầu năm nay.

Cùng nhìn nhận trên, Thống đốc Lê Minh Hưng nêu tại lễ ký trên rằng, khu vực này đang phải đối mặt với những thách thức nghiêm trọng và tác động rất tiêu cực và nặng nề của biến đổi khí hậu cũng như các hoạt động không bền vững ở khu vực thượng nguồn sông Mekong.

Đó là tình trạng nước biển dâng, xâm nhập mặn, hạn hán… khắc nghiệt nhất trong 100 năm qua diễn ra từ đầu năm nay, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất và an sinh xã hội của vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Theo Thống đốc - người từng nhiều năm đại diện cho Việt Nam đi đàm phán với các tổ chức quốc tế về tài trợ vốn cho giảm nghèo và chống biến đổi khí hậu, tình hình trên đe dọa đến an ninh lương thực và phát triển kinh tế-xã hội của vùng, qua đó tác động ngược trở lại phát triển kinh tế xã hội bền vững của cả nước.

Tác động đó đang được lượng hóa rất cụ thể, được đưa ra tại hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ trong 6 tháng cuối năm của Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ cùng ngày.

Khẩn trương tìm giải pháp

Cụ thể, báo cáo tại hội nghị cho thấy, trong đợt hạn, mặn diễn ra đầu năm nay, tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, vụ lúa đông xuân 2015-2016 có diện tích xuống giống toàn vùng là hơn 1,5 triệu ha nhưng năng suất chỉ đạt 66,4 tạ/ha, giảm gần 5 tạ/ha so với niên vụ trước; sản lượng chỉ đạt hơn 10 triệu tấn, giảm gần 1 triệu tấn.

Theo cập nhật mới nhất của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tính tới tháng 6/2016, diện tích nuôi tôm bị thiệt hại vì mặn ở khu vực này đã là 83.000 ha.

Ước tính tổng thiệt hại nông nghiệp toàn vùng là 4.678 tỷ đồng, trong đó lúa là 232.000 ha, hoa màu là 6.561 ha, cây ăn quả và công nghiệp bị thiệt hại hơn 10.800 ha và 226.000 gia đình thiếu nước sạch.

Về vĩ mô, khó khăn trên trong 6 tháng đầu năm nay đã khiến tăng trưởng của ngành nông nghiệp cả nước và vùng đồng bằng sông Cửu Long ở mức âm 0,7%. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến tăng trưởng kinh tế nửa đầu năm chậm lại, trong khi lạm phát với yếu tố lương thực có dấu hiệu tăng lên.

Không dừng lại đó, mức độ bị tổn thương của khu vực này được cảnh báo sẽ tiếp tục mở rộng khắc nghiệt trong tương lai gần.

Theo đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư, 45% diện tích của đồng bằng sông Cửu Long có thể nhiễm mặn vào năm 2030, nếu các đập thủy điện đầu nguồn sông Mekong tích nước, không cung cấp đủ nước để đẩy mặn ra biển.

Gần hơn, theo cảnh báo của Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Văn Hiếu, nếu không có giải pháp ứng phó từ bây giờ thì nền nông nghiệp của vùng sẽ bị kiệt quệ trong vòng ba năm tới.

Trước thực tế và cảnh báo trên, trong tuần này, tại Hậu Giang, lãnh đạo Chính phủ và các bộ ngành cùng tập trung bàn và đưa ra các giải pháp, trong khuôn khổ Diễn đàn Hợp tác kinh tế đồng bằng sông Cửu Long - MDEC 2016. Xúc tiến đầu tư, tổ chức lại sản xuất nông nghiệp, kết nối hành động là nội dung trọng tâm của các hội nghị của MDEC năm nay.

Riêng về nguồn vốn hỗ trợ, với tính chất cấp bách như Thống đốc Lê Minh Hưng nhấn mạnh, bên cạnh việc vận động các nhà tài trợ quốc tế như các khoản vay trên từ WB, ngành ngân hàng cũng sẽ ngồi lại để đánh giá và có những chính sách, nguồn lực hỗ trợ cụ thể trong ngày 12/7.

Theo Minh Đức

VnEconomy

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên