Khoảng 1,3 - 1,5 triệu tỷ đồng được hệ thống ngân hàng cấp cho nền kinh tế năm 2023
Theo Ngân hàng Nhà nước, nguồn vốn tín dụng trong năm 2023 sẽ được kiểm soát chặt chẽ hơn và tập trung hơn.
- 21-01-2023Kinh tế Việt Nam 2023: Tận dụng những “cơn gió xuôi” để “vượt gió ngược”
- 20-01-2023Thành tựu phát triển kinh tế năm 2022: Dấu ấn đầu tư nước ngoài
- 19-01-2023Tái cơ cấu ngành Công Thương để thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế
Trong năm 2023, lượng vốn cấp cho nền kinh tế được Ngân hàng Nhà nước định hướng tăng trưởng khoảng 14 - 15%. Đồng thời, với phương châm chủ động, nhưng vẫn phải linh hoạt để ứng phó với từng diễn biến, thời điểm của kinh tế thế giới. Do vậy, cơ quan điều hành chính sách tiền tệ cũng đặt ra quyết tâm và ưu tiên sẽ duy trì mặt bằng lãi suất ổn định, nếu có điều kiện sẽ giảm thêm. Còn trong bối cảnh áp lực lên tỷ giá đã vơi bớt thì đây cũng là điều kiện để Ngân hàng Nhà nước dành nguồn lực cho mục tiêu ổn định lãi suất để hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế.
Lượng tín dụng sẽ cấp cho nền kinh tế trong năm nay sẽ vào khoảng 14 - 15%, tức là có nhỉnh hơn đôi chút so với năm 2022. Thậm chí nếu điều kiện thuận lợi thì hạn mức tín dụng sẽ được điều chỉnh tăng hơn.
"Chúng tôi xác định chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng trong năm 2023 sẽ vào khoảng 14-15%, nhưng cũng tính đến khả năng, trong điều kiện kinh tế thế giới và trong nước và kiểm soát được lạm phát thì hạn mức tín dụng có thể được điều chỉnh tăng cao hơn 15%", ông Đào Minh Tú - Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết.
Như vậy sẽ có khoảng 1,3 - 1,5 triệu tỷ đồng sẽ được hệ thống ngân hàng cấp cho nền kinh tế trong năm 2023, nhằm hỗ trợ cho tăng trưởng. Nhưng một vấn đề đáng quan tâm nữa, đó là lãi suất của lượng tiền này sẽ là bao nhiêu? Nhất là khi các ngân hàng thương mại đều đã đồng thuận không huy động vượt quá 9,5%/năm.
Về vấn đề này theo Phó Thống đốc Đào Minh Tú sẽ tiếp tục duy trì sự ổn định của mặt bằng lãi suất hiện nay. Trước mắt trong điều kiện thuận lợi, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục chỉ đạo các ngân hàng thương mại cắt giảm chi phí để giảm bớt lãi suất so với mức giảm lãi suất đã cam kết, đồng thuận vào cuối năm 2022.
Năm 2023, theo Ngân hàng Nhà nước, những lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu… sẽ được ưu tiên cả nguồn vốn cũng như lãi suất. Trong khi tiếp tục kiểm soát chặt tín dụng cho các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như chứng khoán, bất động sản
Để hiện thực hóa chủ trương này, nhiều ngân hàng lớn đã thực thi cam kết và vào cuộc cắt giảm lãi suất ngay từ những ngày đầu năm.
"Từ 1/1/2023 - 30/4/2023, Vietcombank dự kiến sẽ giảm lãi suất cho tất cả các khách hàng đang có dư nợ hiện hữu trên hệ thống", ông Nguyễn Thanh Tùng - Phó Tổng Giám đốc phụ trách Ban điều hành Vietcombank cho biết.
Còn theo bà Nguyễn Thị Phượng - Phó Tổng Giám đốc Agribank, những nhóm thuộc lĩnh vực ưu tiên theo chỉ đạo của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước đặc biệt tín dụng cho nông nghiệp, nông thôn sẽ có những chương trình tín dụng cụ thể để hỗ trợ lãi suất, với mặt bằng lãi suất có thể thấp hơn so với hiện tại.
Theo Ngân hàng Nhà nước, nguồn vốn tín dụng trong năm 2023 cũng sẽ được kiểm soát chặt chẽ hơn và tập trung hơn. Nhằm tránh việc tiền đổ vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như chứng khoán, bất động sản. Còn những lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu… sẽ được ưu tiên cả nguồn vốn cũng như lãi suất.
VTV.VN