Khoảng 230.500 doanh nghiệp sẽ gia nhập nền kinh tế trong năm 2024
Ngay trong tháng đầu tiên của năm 2024, số lượng doanh nghiệp thành lập mới đạt 13.536 doanh nghiệp, tăng 24,8% so với cùng kỳ năm 2023. Trước đó, Tổng cục Thống kê dự báo, tổng cộng sẽ có thêm 230.500 doanh nghiệp gia nhập nền kinh tế năm 2024.
- 10-02-2024Bộ trưởng Hồ Đức Phớc: Gỡ khó cho doanh nghiệp, chỉ giảm thuế là chưa đủ
- 09-02-2024Kinh doanh gặp khó, doanh nghiệp ồ ạt thoái vốn đầu tư trong năm 2023
- 07-02-2024Doanh nghiệp có "đội quân" chở đệm về ăn Tết kinh doanh ra sao?
Theo Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), số lượng doanh nghiệp thành lập mới trong tháng đầu tiên của năm 2024 đạt 13.536 doanh nghiệp, tăng 24,8% so với cùng kỳ năm 2023. Số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường trong tháng đầu năm 2024 đạt 27.335 doanh nghiệp, tăng 5,5% so với cùng kỳ năm 2023, gấp hơn 1,3 lần mức bình quân doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường giai đoạn 2018-2023 (20.891 doanh nghiệp).
Trước đó, Tổng cục Thống kê cho biết, số lượng doanh nghiệp thành lập mới năm nay dự báo tăng 2% so với 2023, đạt khoảng 162.500.
Cùng với đó, triển vọng khoảng 68.000 doanh nghiệp quay lại hoạt động, tăng 16%. Như vậy, tổng cộng sẽ có thêm 230.500 doanh nghiệp gia nhập nền kinh tế năm 2024.
Dự báo được cơ quan thống kê đưa ra trên cơ sở tình hình đăng ký doanh nghiệp năm 2023 và triển vọng kinh tế toàn cầu lẫn trong nước thời gian tới.
Theo Tổng cục Thống kê, tăng trưởng kinh tế Việt Nam tiếp tục xu hướng phục hồi tích cực. Các chính sách hỗ trợ được ban hành năm 2023 sẽ có tác động rõ nét hơn. Các động lực về đầu tư (đầu tư tư nhân, đầu tư nước ngoài, đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước), tiêu dùng, du lịch và xuất khẩu tiếp tục tăng.
Tuy nhiên, các rủi ro tiềm ẩn từ môi trường kinh tế thế giới vẫn còn, bao gồm xung đột quân sự, kiểm soát lạm phát ở các nước phát triển. Lạm phát có dấu hiệu chậm lại nhưng một số nền kinh tế lớn được dự báo vẫn duy trì thắt chặt tiền tệ.
Do các nền kinh tế lớn, đối tác thương mại, đầu tư chủ yếu của Việt Nam vẫn phục hồi chậm, thiếu bền vững, tăng trưởng thấp trong khi cầu tiêu dùng yếu, hàng rào bảo hộ gia tăng, cùng đó diễn biến bất lợi của thế giới, khu vực dự báo sẽ tiếp tục tác động mạnh mẽ đến hoạt động sản xuất kinh doanh, công nghiệp, xuất nhập khẩu, thu hút đầu tư của Việt Nam. Vì thế, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường năm nay dự báo vẫn tăng so với năm 2023 nhưng tốc độ thấp hơn đáng kể so với giai đoạn ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. Theo Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), con số này dự kiến khoảng 178.000, tăng 3,5% so với năm 2023; trong đó, bên cạnh các doanh nghiệp tạm dừng hoạt động thì khoảng 10% thực hiện thủ tục giải thể.
Để doanh nghiệp vượt qua khó khăn, tận dụng thời cơ, phục hồi và phát triển nhanh, bền vững, tạo động lực quan trọng phát triển kinh tế - xã hội trong năm 2024, Tổng cục Thống kê đề xuất, Chính phủ, các bộ, ngành tập trung thực hiện một số giải pháp.
Cụ thể, Tổng cục Thống kê đề nghị Chính phủ tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả, chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm và các chính sách khác góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối và hệ thống ngân hàng.
Cùng với đó, Chính phủ thúc đẩy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng: về đầu tư: bao gồm cả đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước, trọng tâm là các dự án, công trình giao thông quan trọng, trọng điểm quốc gia; lấy đầu tư công làm vốn mồi thúc đẩy đầu tư tư nhân; đồng thời, huy động hiệu quả vốn đầu tư nước ngoài, nhất là FDI có quy mô lớn, công nghệ cao.
Mặt khác, Chính phủ tiếp tục rà soát, hoàn thiện thể chế, pháp luật, cơ chế, chính sách gắn với nâng cao hiệu lực, hiệu quả tổ chức thực hiện pháp luật; đồng thời, đẩy mạnh cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, quy định kinh doanh gắn với thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số.
Về phía Ngân hàng Nhà nước thực hiện các giải pháp tín dụng phù hợp đáp ứng nhu cầu vốn cho nền kinh tế; chỉ đạo các tổ chức tín dụng hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng kinh tế; kiểm soát tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro; khuyến khích các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí, đơn giản hóa thủ tục cho vay, phấn đấu giảm mặt bằng lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ nền kinh tế.
An ninh tiền tệ