Khoảng 70% tài sản bảo đảm cho các khoản nợ xấu của ngân hàng là bất động sản
Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, trong giai đoạn 2016-2020, tổng số nợ xấu của các ngân hàng thương mại vào khoảng 300.000 tỷ đồng. Khoảng 70% tài sản bảo đảm cho các khoản nợ xấu này là bất động sản.
Trong văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ mới đây, Hiệp hội BĐS Tp.HCM (HoREA) cho hay, trong giai đoạn thị trường BĐS bị khủng hoảng đóng băng, nhiều dự án đã bị "đắp chiếu", phát sinh hàng tồn kho và nợ xấu rất lớn.
Theo báo cáo của Sở Tài nguyên Môi trường Tp.HCM thì trong các năm qua, đã có trên 500 dự án bị ngừng triển khai, bị thu hồi, hủy bỏ quyết định giao đất, cho thuê đất. Đây là nguồn cung sản phẩm tiềm năng cho thị trường mua bán, chuyển nhượng dự án (M&A). Chỉ trong 10 tháng đầu năm 2018, đã có 23 dự án BĐS trên địa bàn thành phố được mua bán, chuyển nhượng cho nhà đầu tư mới.
Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA, chính các nhà đầu tư mới sau khi mua và tái khởi động lại dự án "đắp chiếu" đã góp phần thiết thực giúp cho thị trường BĐS phục hồi và tăng trưởng trở lại trong thời gian qua.
Trong đó, có những dự án đã bị "đắp chiếu" nhiều năm, thậm chí hàng chục năm, sau khi được chủ đầu tư mới "giải cứu" thì thời hạn sử dụng đất còn lại của dự án đã bị giảm đi, có khi bị giảm hàng chục năm, gây thiệt hại cho chủ đầu tư và các nhà đầu tư thứ cấp, khách hàng.
Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, trong giai đoạn 2016-2020, tổng số nợ xấu của các ngân hàng thương mại vào khoảng 300.000 tỷ đồng. Khoảng 70% tài sản bảo đảm cho các khoản nợ xấu này là BĐS.
Như vậy, có khoảng 200.000 tỷ đồng giá trị bất động sản là tài sản bảo đảm cho các khoản nợ xấu thuộc các dự án đang bị "đắp chiếu". Để xử lý "cục máu đông" này, năm 2017, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 42 về thí điểm xử lý nợ xấu, trong đó, đã đưa ra cơ chế và phương thức rất phù hợp để xử lý tài sản bảo đảm cho các khoản nợ xấu mà phần lớn là các dự án BĐS.