“Khoảng trống” của thị trường chứng khoán Việt Nam
TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng
Thời gian qua, Việt Nam đã có nhiều giải pháp nhằm phát triển thị trường chứng khoán và đã đạt được những kết quả bước đầu hết sức ấn tượng.
Nhân dịp đầu xuân Giáp Thìn 2024, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính – ngân hàng đã chia sẻ với MarketTimes về sự phát triển của thị trường chứng khoán thời gian qua và những thách thức, cũng như giải pháp phát triển thị trường này trong thời gian tới.
MarketTimes: Ông đánh giá như thế nào về thị trường chứng khoán (TTCK) thời gian qua, đặc biệt là trong năm 2023?
TS. Nguyễn Trí Hiếu: Để đánh giá về sự phát triển của TTCK, trước tiên có thể nói, TTCK là một thị trường non trẻ, ít kinh nghiệm, thông tin còn thiếu tính công khai, minh bạch, không được tổ chức quản lý và giám sát kịp thời nên khả năng xảy ra rủi ro rất lớn như mất khả năng thanh toán, lừa đảo, thao túng chứng khoán. Hoạt động giám sát, kiểm tra, thanh tra còn gặp nhiều khó khăn, do các hành vi vi phạm pháp luật trên thị trường ngày càng tinh vi, phức tạp.
Về quy mô, so với khu vực quy mô của TTCK Việt Nam vẫn còn nhỏ bé. Theo tính toán của tôi, vốn hoá tháng 11/2023 trên TTCK là 7,7 triệu tỷ đồng (GDP năm 2023 10,2 triệu tỷ đồng). Như vậy vốn hoá TTCK chiếm 87% GDP. Vốn hoá này đối với Việt Nam là lớn, còn đối với các thị trường trong khu vực ở mức bình thường.
Mặc dù được Chính phủ coi đây là một trong những kênh huy động vốn lớn cho nền kinh tế, nhưng sự phát triển trồi sụt, chưa minh bạch của thị trường, khiến có thời điểm nhà đầu tư mất niềm tin vào thị trường, nhất là từ khi vụ án FLC, Tân Hoàng Minh và Vạn Thịnh Phát xảy ra.
Về giá chứng khoán (chỉ số giá cổ phiếu VN - index ) tăng giảm thất thường, TTCK trong thời gian qua vẫn chưa đảm bảo sự phát triển bền vững. Nhất là hồi tháng 4 năm 2020 giá chứng khoán về hơn 600 điểm và gần cuối năm 2022, thị trường rung lắc dữ dội, VNindex về hơn 800 điểm. Sự biến động mạnh về giá chứng tỏ thị trường chưa có sự ổn định, thị trường rất dễ bị tác động bởi yếu tố từ bên ngoài, hoặc chỉ là tin đồn thất thiệt.
Bên cạnh đó, thị trường không có sự minh bạch như: có nhiều cổ phiếu bị làm giá; bị lạm dụng bởi những nhà phát hành mang tính chất lừa đảo và lợi dụng thị trường tài chính huy động vốn bất hợp pháp; thông tin của tổ chức phát hành không minh bạch…
Tiếp theo, cấu trúc của TTCK còn chưa thực sự cân đối. Hiện trên thị trường có 2 sản phẩm chính cổ phiếu và mới đây thêm sản phẩm chứng khoán phái sinh. Tại Việt Nam, chứng khoán phái sinh chỉ là sơ khởi, chưa phổ biến, chưa phát triển rộng rãi, chưa đạt đến mức độ phát triển mức trung bình như Malaysia, Thái Lan…
Số lượng nhà đầu tư trên TTCK Việt Nam vẫn còn thấp so với nhiều nước trong khu vực và trên thế giới. Dữ liệu từ Tổng Công ty Lưu ký và Bù trừ Chứng khoán Việt Nam (VSDC) cho thấy, tính đến ngày 30/9/2023, số lượng tài khoản nhà đầu tư cá nhân trong nước là hơn 7,76 triệu tài khoản, chiếm ưu thế tuyệt đối với tỷ lệ 99,2% tổng số lượng tài khoản đầu tư trên thị trường chứng khoán Việt Nam.
Điểm hạn chế cá nhân đầu tư TTCK là những nhà đầu tư ít hiểu biết về tài chính, những quyết định đầu tư mang tính cảm tính, đám đông chứ không dựa trên chỉ số tài chính khoa học.
MarketTimes: Để khắc phục những hạn chế như trên, theo ông, các cơ quan quản lý nhà nước cũng như các Sở Giao dịch chứng khoán cần có giải pháp gì?
TS. Nguyễn Trí Hiếu: Theo tôi, để phát triển TTCK một cách bền vững, minh bạch, ổn định chúng ta cần hoàn thiện khung pháp lý cho TTGDCK, các công ty chứng khoán. Bản chất TTCK là thị trường bậc cao, hoạt động theo nguyên tắc thị trường, nhưng không ít các hoạt động có liên quan đến giao dịch, phát hành chứng khoán, lãi suất, cơ chế xác định giá, cơ chế đấu thầu,... lại chưa tuân theo nguyên tắc thị trường. Do vậy, việc hoàn thiện khung pháp lý cho TTCK để bao quát toàn bộ hoạt động là điều hết sức cần thiết.
Bên cạnh đó, tăng cường công tác thanh tra, giám sát hoạt động của các tổ chức tham gia thị trường, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm đối với các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp sử dụng phương tiện truyền thông (báo chí, trang tin,…) đưa thông tin sai lệch, thông tin thiếu đầy đủ, làm méo mó thông tin.
Nâng cao vai trò của UBCKNN trong việc quản lý nhà nước về hoạt động chứng khoán và TTCK. UBCKNN phải có đủ thẩm quyền để thực hiện có hiệu quả chức năng quản lý nhà nước về TTCK và xử lý những vấn đề có liên quan đến chứng khoán và giao dịch chứng khoán. UBCKNN cần có biện pháp mạnh phát hiện ra sai phạm trên TTCK và xử lý nghiêm minh.
Đối với các nhà phát hành yêu cầu cần có những thông tin tình hình DN của mình một cách chính xác, minh bạch. Cần có những công ty kiểm toán độc lập có uy tín và lịch sử lâu đời kiểm toán báo cáo tài chính của doanh nghiệp.
Đồng thời, cần có các công ty xếp hạng tín nhiệm, đánh giá doanh nghiệp để các nhà đầu tư tham khảo và ra quyết định đầu tư. Với công ty xếp hạng tín nhiệm vấn đề là phải xét đến yếu tố rủi ro của doanh nghiệp và dòng tiền của doanh nghiệp. Hơn nữa, khi nhà đầu tư không có hiểu biết về tài chính thì việc xếp hạng tín nhiệm sẽ giúp cho nhà đầu tư đưa ra quyết định dựa vào công ty xếp hạng tín nhiệm.
MarketTimes: Cho đến nay, Việt Nam vẫn chưa được tổ chức tài chính quốc tế đánh giá và nâng hạng TTCK từ cận biên lên mới nổi. Ông nhận định về việc này ra sao?
TS. Nguyễn Trí Hiếu: Liên quan đến vệc nâng hạng TTCK và việc chậm được nâng hạng thị trường từ cận biên lên mới nổi, theo tôi, sự hoạt động chưa minh bạch và có nhiều sai phạm xảy ra trên TTCK thời gian qua như vấn đề bán khống, nâng giá, giao dịch nội gián…
Cùng với đó, TTCK trồi sụt thất thường, có thời điểm thị trường tại Việt Nam có mức giảm điểm lớn nhất châu Á, thậm chí trong top của thế giới… điều đó cho thấy TTCK Việt Nam không có sự ổn định.
Về hạ tầng công nghệ của TTCK Việt Nam cũng vẫn còn thiếu và yếu, đó là tình trạng nghẽn mạng khi số lượng giao lịch lớn, điều này cũng sẽ hạn chế việc nâng hạng.
Do đó, theo nhận định của tôi, việc nâng hạng lên mới nổi, dĩ nhiên Chính phủ mong muốn, nhưng sẽ không xảy ra trong năm 2024.
MarketTimes: Trân trọng cảm ơn ông!
Tính đến ngày 29/12 chỉ số VN-Index đạt 1.129,93 điểm, tăng 12,2% so với đầu năm (tương ứng tăng gần 123 điểm). Tính đến ngày 15/12, mức vốn hóa thị trường của cổ phiếu 3 sàn ước đạt 5,79 triệu tỷ đồng, tăng 10,8% so với cuối năm 2022, tương đương 61% GDP ước tính năm 2022; giá trị giao dịch bình quân đạt 17.624 tỷ đồng/phiên, giảm 12,6% so với bình quân năm 2022.
Về quy mô niêm yết và đăng ký giao dịch (ĐKGD), tính đến cuối tháng 11/2023 thị trường có 742 cổ phiếu, chứng chỉ quỹ niêm yết trên 2 Sở giao dịch chứng khoán và 859 cổ phiếu ĐKGD trên UPCoM với tổng giá trị niêm yết, ĐKGD đạt 2.052 nghìn tỷ đồng, tăng 5,5% với cuối năm 2022 (tương đương 22% GDP).
Tính chung 11 tháng đầu năm 2023, tổng số tài khoản chứng khoán vẫn tăng 355.672 tài khoản so với cuối năm 2022, đưa tổng số lượng tài khoản chứng khoán lên hơn 7,25 triệu tài khoản, tương đương 7,3% dân số, vượt mức 5% dân số theo mục tiêu được Chính phủ đưa ra trong Đề án Cơ cấu lại TTCK và bảo hiểm đến năm 2022, định hướng đến năm 2025.
Nhịp Sống Thị Trường